Viêm kết mạc là bệnh phổ biến mà ai cũng có nguy cơ mắc phải, hiểu đúng về viêm kết mạc và cách điều trị chính là cách giúp căn bệnh được đánh giá lành tình này không gây biến chứng cũng như trở thành mãn tính.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng về căn bệnh viêm kết mạc
Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) là tình trạng kết mạc bị một số tác nhân như vi khuẩn, virus, dị ứng, bụi bẩn… tấn công và gây nên phản ứng viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng. Bởi kết mạc là phần màng mỏng trong suốt bao phủ lên củng mạc của nhãn cầu mắt và mặt trong của sụn mi mắt nên đây là bộ phận nhạy cảm, dễ tổn thương.
Viêm kết mạc có phần lớn nguyên nhân do virus và vi khuẩn (chiếm trên 90% các ca bệnh viêm kết mạc) nên bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, dễ biến thành dịch và có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa khi vi khuẩn, virus sinh trưởng phát triển mạnh mẽ cũng như đề kháng, miễn dịch của chúng ta suy giảm.
Trong một số trường hợp, viêm kết mạc cũng xuất phát từ tình trạng dị ứng với một số tác nhân như phấn hoa, lông động vật, điều hòa không khí, thời tiết… và gây ra viêm kết mạc cùng các biểu hiện toàn thân khác. Trong trường hợp này, khi nào giải quyết được các tác nhân dị ứng thì tình trạng viêm kết mạc mới có thể chấm dứt.
Đôi khi, vệ sinh mắt hoặc kính áp tròng sai cách, thói quen trang điểm mắt nhưng không tẩy trang sạch sẽ hay miễn dịch suy giảm… cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus viêm kết mạc có cơ hội tấn công, sinh trưởng và gây bệnh cho mắt của chúng ta.
Mặc dù viêm kết mạc có nhiều nguyên nhân và mỗi nguyên nhân lại có biểu hiện bệnh khác nhau nhưng nhìn chung, người bệnh viêm kết mạc đều có những triệu chứng sau:
– Chảy nhiều nước mắt, dịch, mủ nhiều hơn thông thường
– Mủ mắt có thể màu vàng, xanh hoặc trắng và thường dính ở phần mi mắt khiến mắt khó mở mỗi khi ngủ dậy
– Sưng mí mắt, mắt đỏ, có thể thấy phần lòng trắng của mắt có tia máu hoặc chuyển đỏ
– Có trường hợp người bệnh nổi hạch, kèm theo các biểu hiện toàn thân khác tùy thuộc virus, vi khuẩn gây bệnh.
Khi thấy những dấu hiệu trên, hãy đến khám bác sĩ để được thăm khám và can thiệp kịp thời, bởi chỉ khi hiểu đúng về viêm kết mạc, biết được cách điều trị hiệu quả mới có thể tránh ảnh hưởng đến khả năng nhìn của mắt sau này.
2. Viêm kết mạc và phương pháp điều trị hiệu quả
2.1 Chẩn đoán viêm kết mạc và cách điều trị phòng ngừa biến chứng
Viêm kết mạc được đánh giá là căn bệnh khá lành tính và thường không gây nguy hiểm nếu được phát hiện, điều trị đúng cách.
Nhưng nếu người bệnh chủ quan, điều trị sai cách, nhất là tự ý sử dụng các mẹo dân gian hay sử dụng kháng sinh bừa bãi khiến bệnh trở nặng hơn thì viêm kết mạc có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng thị lực lâu dài như:
– Nhạy cảm với ánh sáng, đôi khi là sợ ánh sáng
– Viêm nội nhãn
– Mờ mắt, mắt khó tập trung nhìn, tầm nhìn bị hạn chế
– Suy giảm thị lực, mắt nhanh lão hóa
– Bệnh chảy nước mắt hoặc viêm giác mạc mãn tính
Để chẩn đoán viêm kết mạc, khi người bệnh đến khám bác sĩ sẽ quan sát tình trạng, sử dụng tăm bông hoặc dụng cụ lấy dịch mắt chuyên dụng để lấy dịch tiết ở mắt đi kiểm tra từ đó biết được chính xác nguyên nhân gây viêm kết mạc cho người bệnh.
Việc xác định đúng nguyên nhân bệnh cũng là căn cứ để bác sĩ quyết định phương pháp điều trị xem có cần sử dụng kháng sinh hay không hoặc chỉ cần sử dụng kháng viêm, nước mắt nhân tạo… để trị dứt điểm bệnh, tránh biến chứng.
2.2 Viêm kết mạc và cách điều trị bệnh tại nhà
Hầu hết các trường hợp bệnh viêm kết mạc đều được bác sĩ kê thuốc và hướng dẫn điều trị tại nhà, trừ những trường hợp bệnh nặng hoặc nguy cơ biến chứng cao.
Chính vì thế, ngoài sử dụng thuốc do bác sĩ chỉ định đúng liều lượng, thời gian và đúng cách, người bệnh có thể chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây để giúp viêm kết mạc nhanh khỏi hơn, tránh biến chứng hoặc viêm kết mạc mãn tính.
– Vệ sinh mắt đúng cách, luôn rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc nước diệt khuẩn trước khi tiếp xúc với mắt.
– Nên dùng bông gòn hoặc gạc để vệ sinh mắt trong thời gian bị bệnh và vứt vào thùng rác riêng sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm bệnh ra cho người xung quanh, không tái sử dụng bông/gạc sau khi rửa mắt.
– Chườm mát để giảm sưng đau cho mắt. Lưu ý không sử dụng nước lạnh, nước đá hoặc nước nóng để chườm mắt.
– Sau thời gian điều trị (thường là 5 ngày vì thời gian sử dụng kháng sinh sẽ không quá 5 ngày) dù bệnh có chuyển biến tốt hay không, cũng cần đến tái khám để bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng bệnh. Trong trường hợp chuyển biến xấu bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị khác phù hợp.
3. Phòng ngừa viêm kết mạc
Đừng chờ khi đến viêm kết mạc “làm phiền” đến mắt của bạn mới tìm cách điều trị mà ai trong chúng ta cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống viêm kết mạc như:
– Tạo thói quen vệ sinh mắt thường xuyên, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, nhiều nguy cơ (bệnh viện, trường học, khu vực công cộng…)
– Không dụi mắt khi thấy dị vật hay cộm cứng mắt mà đầu tiên, hãy làm sạch mắt bằng nước nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo hay nước sạch.
– Đeo kính râm hoặc kính mắt khi đi ra ngoài, hạn chế đến những nơi đông người để phòng ngừa mọi nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là thời điểm giao mùa – là lúc virus, vi khuẩn phát triển mạnh trong không khí.
– Không sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn lau mặt, chăn gối, kính mắt, kính áp tròng, dụng cụ trang điểm mắt… với người khác.
– Chủ động tăng đề kháng cho cơ thể nói chung và cho mắt nói riêng bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, thực phẩm giàu vitamin A, B, C, dầu cá, DHA… tốt cho mắt, tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày, có chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý.
– Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, các nguồn phát ánh sáng xanh… trong thời gian làm việc hãy có những khoảng thời gian để mắt nghỉ ngơi, thư giãn.
– Chủ động khám mắt định kỳ 2 lần mỗi năm và đến gặp bác sĩ ngay khi có bất cứ vấn đề gì liên quan đến mắt xảy ra.
Với những chia sẻ trên đây hy vọng bạn đã hiểu đúng về viêm kết mạc cũng như cách điều trị hiệu quả, phòng ngừa tổn thương thị lực và mọi biến chứng cho mắt xảy ra, từ đó giữ cho đôi mắt luôn sáng khỏe.