Menu xem nhanh:
1. Hạ thân nhiệt là gì?
Hạ thân nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể xuống bất thường. Dựa vào nhiệt độ cơ thể có thể phân loại hạ thân nhiệt ở các mức độ như sau:
– Hạ thân nhiệt nhẹ: 35-34 độ C
– Hạ thân nhiệt trung bình: 34-32 độ C
– Hạ thân nhiệt nặng: 32-25 độ C
– Hạ thân nhiệt nguy kịch: dưới 25 độ C
2. Hạ thân nhiệt có nguy hiểm không?
Khi bị hạ thân nhiệt nếu không được xử trí dễ để lại các rối loạn hoạt động nguy hiểm tới tính mạng. Đặc biệt là ảnh hưởng đến sự hoạt động của hệ thần kinh, do cơ thể không kịp tạo nhiệt cho tim và hệ thống thần kinh. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì vậy khi bị hạ thân nhiệt cần xử trí kịp thời.
3. Các biểu hiện của hạ thân nhiệt
Những dấu hiệu của nhiễm lạnh hoặc hạ thân nhiệt có thể bao gồm:
- Cảm thấy lạnh và rùng mình liên tục, thấy cơ thể không đủ ấm;
- Nổi da gà, môi thâm;
- Người run lẩy bẩy hoặc nói lắp bắp;
- Nặng hơn có thể có nhịp thở chậm, da xám lạnh thậm chí mất chức năng phối hợp các động tác;
- Khi hạ thân nhiệt quá lâu thì bệnh nhân sẽ chuyển qua giai đoạn lú lẫn và vụng về, nói ấp úng và mất thăng bằng, khi đó nhịp tim có thể giảm hoặc loạn nhịp;
- Trẻ hạ thân nhiệt và đổ mồ hôi, da lạnh và ửng đỏ, yếu ớt có thể là tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng cần can thiệp sớm nhất có thể.
4. Xử trí khi bị hạ thân nhiệt?
Khi thấy có các dấu hiệu bị hạ thân nhiệt bạn nên thực hiện những biện pháp sau:
- Cởi bỏ lớp quần áo ướt thay bằng quần áo khô ráo.
- Sưởi ấm: Đắp nhiều lớp chăn khô hoặc áo choàng, sưởi ấm bằng nệm nước ấm và đặt bệnh nhân nằm ở những nơi tránh gió lùa, che kín đầu bệnh nhân.
- Cho bệnh nhân uống nước ấm hoặc uống cháo nóng, thức uống không chứa caffein.
- Theo dõi nhịp thở của bệnh nhân để có thể hà hơi thổi ngạt kịp lúc khi có biểu hiện thở chậm hoặc nông trầm trọng.
- Không nên chườm nóng trực tiếp hoặc dùng đèn sưởi, nệm sưởi làm ấm, không cố làm ấm tay và chân vì sẽ đẩy máu lạnh về tim, phổi dẫn đến hạ thân nhiệt trung tâm và tử vong.
- Không chà xát, xoa bóp quá mạnh để tránh nguy cơ ngừng tim.
- Cho bệnh nhân đến cơ sở y tế uy tín và gần nhất để được xử trí kịp thời.
Khi đã đến cơ sở y tế và tình trạng bệnh nặng, cần hô hấp nhân tạo bằng cách đặt nội khí quản khi có giảm thông khí nặng và rối loạn ý thức và thực hiện điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.