[Góc giải đáp]: Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào?

Tham vấn bác sĩ

Đột quỵ là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm, lấy đi tính mạng của hàng triệu người mỗi năm. Chính vì vậy, việc phòng tránh căn bệnh này là rất cần thiết để bảo vệ tính mạng của bản thân và cộng đồng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh đột quỵ, trả lời câu hỏi: Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào?

1. Đột quỵ là gì – Vì đâu đột quỵ hình thành?

Đột quỵ – tai biến mạch máu não, là tình trạng não bộ bị tổn thương nặng nề và nghiêm trọng do tình trạng gián đoạn quá trình cấp máu lên não. Khi này, não sẽ bị thiếu oxy và không thể nuôi tế bào, dẫn đến các tế bào não sẽ chết. Từ đó, tình trạng chết não sẽ xuất hiện và gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Bởi lý do này, việc sơ cứu người bị đột quỵ cần phải đúng cách và kịp thời. Cấp cứu càng  chậm thì khả năng người bệnh càng có thể phục hồi càng khó khăn hơn, do số lượng tế bào não chết nhiều hơn. Nhiều trường hợp nghiêm trọng hoặc không may mắn được cấp cứu kịp thời, người bệnh tử vong nhanh chóng.

Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào

Trường hợp không may mắn được cấp cứu kịp thời, người bệnh đột quỵ tử vong nhanh chóng.

Nếu sống sót qua cơn đột quỵ, hầu hết các bệnh nhân đều bị ảnh hưởng một số chức năng cơ thể theo các mức độ khác nhau. Một số người bị các di chứng như tê liệt, rối loạn ngôn ngữ một số khác bị chứng thị giác giảm,…

Đột quỵ thường có hai dạng chính, phân biệt dựa trên cơ chế hình thành như sau:

– Đột quỵ do thiếu máu: chiếm khoảng 85% ca đột quỵ và phổ biến hơn trong 2 loại.  Đột quỵ dạng này hình thành do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch. Máu đông sẽ ngăn máu lưu thông lên não.

– Đột quỵ do xuất huyết: Đột quỵ do tình trạng mạch máu vỡ khiến máu ồ ạt chảy, xuất huyết não, thành động mạch mỏng hoặc bị nứt, rò rỉ.

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ “tấn công”

2.1. Các tác nhân khách quan

Một số không thể thay đổi như độ tuổi. Người cao tuổi có tỉ lệ đột quỵ cao hơn so với người trẻ tuổi. Từ 55 tuổi trở đi, tỷ lệ đột quỵ sẽ cao gấp đôi sau mỗi 10 năm. Yếu tố khác ảnh hưởng đến đột quỵ như chủng tộc (người Mỹ gốc phi có nguy cơ cao gấp đôi người da trắng), giới tính (nam dễ bị đột quỵ hơn nữ). Ngoài ra, yếu tố khác có thể kể đến là tiền sử gia đình có người mắc đột quỵ. Các thành viên khác trong gia đình cũng có nguy cơ cao hơn so với người bình thường.

2.2. Yếu tố bệnh lý nền

Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ như cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường. Đặc biệt, người có mỡ máu cao rất dễ mắc đột quỵ. Người bị béo phì, thừa cân là nhóm đối tượng dễ mắc các loại bệnh lý này. Từ đó nguy cơ đột quỵ cũng trở nên cao hơn.

Đặc biệt, người đã từng bị tai biến cũng dễ bị các cơn đột quỵ tấn công trở lại.

2.3. Yếu tố lối sống như chế độ ăn uống, chế độ vận động – tập luyện

Việc ăn uống không điều độ cũng liên quan đến đột quỵ, lý do là chế độ ăn uống không phù hợp có thể gây ra các bệnh lý nền như mỡ máu, béo phì, tiểu đường. Các bệnh lý này lý tưởng cho đột quỵ. Ngoài ra, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia quá độ cũng có thể gây đột quỵ.

Bên cạnh chế độ ăn uống, việc lười vận động cũng khiến con người đối diện với đột quỵ bởi tuần hoàn lưu thông khó khăn hơn, dễ béo phì hơn, nên nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Hút thuốc lá có thể gây ra chứng đột quỵ

Hút thuốc lá có thể gây ra chứng đột quỵ

3. Dấu hiệu của cơn đột quỵ – Làm sao để nhận biết kịp thời?

Cơn đột quỵ đến rất nhanh, nhưng chúng ta có thể nhận biết bệnh thông qua một số dấu hiệu cảnh báo trước khá đặc trưng như: Người mệt mỏi, mất sức, tê cứng mặt, nụ cười méo mó. Một số trường hợp bất chợt khó cử động, hoặc không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.

Một vài biểu hiện khác cũng rất đặc trưng của đột quỵ như nói ngọng, khó phát âm và bị dính chữ, không thể nói một câu nói bình thường. Ngoài ra bệnh nhân có thể có dấu hiệu đau đầu dữ dội.

Các chuyên gia đưa ra nguyên tắc FAST để nhận biết đột quỵ sớm. Nguyên tắc này dựa trên các dấu hiệu về mặt (face), arm (cánh tay), lời nói (speech) để cấp cứu người bệnh kịp thời gian (time). Các dấu hiệu có thể diễn tiến rất nhanh. Khi nhận biết được các biểu hiện này, có thể chủ động thăm khám chuyên khoa hoặc cấp cứu càng sớm càng tốt để giảm thiểu nguy cơ tử vong. Đây cũng là nguyên tắc để chủ động nhận biết và đề phòng đột quỵ cho bản thân và cho gia đình.

4. Những biện pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa đột quỵ

4.1. Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào: Thay đổi chế độ ăn uống

Hạn chế đột quỵ bằng cách thay đổi chế độ ăn uống sao cho phù hợp và lành mạnh. Mỗi người nên tuân thủ lượng thức ăn hợp lý trong tháp dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tối đa các bệnh lý nền cũng như tình trạng thừa cân.

– Giảm lượng chất béo bão hòa: Một số loại mỡ động vật, bơ, kem và các sản phẩm chứa chất béo bão hòa cần được thay thế bằng chất béo không bão hòa.

– Tăng cường chất xơ: Lựa chọn các loại rau xanh, các loại hạt, ngũ cốc, trái cây,…

– Hạn chế thức ăn mặn giúp kiểm soát huyết áp cao – yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ.

– Tăng cường chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E và các chất chống oxy hóa khác để giảm nguy cơ đột quỵ.

– Bổ sung dưỡng chất cho não bộ như Blueberry và Ginkgo Biloba giúp phòng ngừa, hạn chế nguy cơ đột quỵ, hỗ trợ cải thiện trí nhớ, giảm đau đầu

– Giảm đường: Đường có thể gây tăng cân, béo phì, tiểu đường, tăng nguy cơ đột quỵ cao gấp 2 lần. Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ nhóm thực phẩm đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết.

Chất xơ cũng có khả năng hạn chế đột quỵ

Chất xơ cũng có khả năng hạn chế đột quỵ

4.2. Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào: Tăng cường vận động

Như đã nói, việc không vận động có thể khiến con người gặp tình trạng béo phì. Vận động, thể dục thể thao có thể giúp con người khỏe mạnh hơn, tăng sức đề kháng, tuần hoàn lưu thông. Đây cũng là cách có thể áp dụng để giảm nguy cơ đối diện với các cơn đột quỵ.

4.3. Chủ động tầm soát đột quỵ, thăm khám sức khỏe định kỳ

Mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát đột quỵ cùng bác sĩ để nhanh chóng nhận thấy những bất thường của cơ thể. Ngoài ra, nên chủ động hạn chế thuốc lá, chất kích thích, rượu bia để giảm nguy cơ đột quỵ

Trên đây là những thông tin về căn bệnh cấp tính nguy hiểm –  đột quỵ, cũng như giúp quý độc giả có thêm câu trả lời hữu ích cho câu hỏi “Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào”. Ngoài ra, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và tự xây dựng một lối sống lành mạnh, đẩy lùi triệt để cơn ác mộng mang tên đột quỵ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital