Khám sức khoẻ doanh nghiệp định kỳ là việc làm cần thiết đối với mỗi nhân viên để nhận diện sớm các bệnh lý, từ đó có phương pháp chữa trị kịp thời. Thông thường, hoạt động này diễn ra tương đối nhanh chóng và đơn giản. Vậy người lao động đã biết khám sức khỏe cần gì để đảm bảo có kết quả chính xác hay chưa?
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp những câu hỏi về việc khám sức khỏe cần gì
1.1. Hãy nắm vững luật để không bỏ sót quyền lợi của mình
Trong nhiều văn bản pháp luật hiện nay đã quy định các công ty, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên của mình. Có thể kể đến:
Luật lao động 2012, điều 152 quy định về việc chăm sóc sức khỏe người lao động
Người sử dụng lao động hàng năm phải tiến hành tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả với người học nghề, hay tập nghề. Riêng những lao động nữ phải được thăm khám thêm chuyên khoa phụ sản. Đối với những người làm công việc nặng nhọc, môi trường độc hại, người lao động là người chưa thành niên, người cao tuổi, người khuyết tật thì phải được thực hiện khám sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần.
Ngoài ra, người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được thăm khám bệnh nghề nghiệp. Người lao động sau khi gặp tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp nếu tiếp tục làm việc thì cần được sắp xếp công việc cho phù hợp với sức khỏe.
Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh và xã hội cũng quy định
- Lao động nữ cần phải được tiến hành khám thêm chuyên khoa phụ sản.
- Người làm việc trong các môi trường lao động tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp cần phải được khám để phát hiện bệnh.
- Trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề nghiệp, công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm hơn, các công ty/doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động của mình. Sau khi bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp đã phục hồi được sức khỏe, người lao động cũng cần thăm khám để đảm bảo sức khỏe trước khi tiếp tục trở lại làm việc.
1.2. Khám sức khỏe cần gì? – Giấy tờ là điều không thể thiếu
Theo quy định, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ khám sức khỏe định kỳ bao gồm:
- Sổ khám sức khỏe định kỳ của người lao động (theo mẫu tại phụ lục 03 thông tư 14/2013/TT-BYT)
- Trường hợp người lao động khám sức khỏe riêng lẻ thì cần phải có giấy giới thiệu của cơ quan đang làm việc. Còn nếu người lao động khám sức khỏe định kỳ theo đợt tập trung thì phải có tên trong danh sách người lao động khám sức khỏe do doanh nghiệp lập và gửi đến cơ sở khám chữa bệnh.
Sau khi tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, các bác sĩ sẽ kết luận tình trạng sức khỏe và ghi thông tin vào sổ khám sức khỏe định kỳ. Cuốn sổ này sau đó sẽ được trả cho người lao động hoặc chuyển cho công ty, doanh nghiệp tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng khám sức khỏe của hai bên.
Tất cả các hồ sơ sức khỏe của người lao động sẽ được doanh nghiệp quản lý từ khi nhân viên bắt đầu làm việc cho đến khi họ nghỉ việc. Trường hợp người lao động mắc phải bệnh nghề nghiệp hoặc gặp tai nạn lao động khi nghỉ hưu thì công ty vẫn phải lưu giữ hồ sơ sức khỏe đó của họ.
1.3. Khám sức khỏe cần gì? – Những lưu ý cần nắm rõ trước khi đi khám
Người lao động khi tiến hành khám sức khỏe định kỳ cũng cần ghi nhớ những điều sau:
Cần phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi thực hiện bước lấy mẫu xét nghiệm.
Khi thực hiện bước siêu âm tổng quát, bạn cần phải nhịn tiểu hoặc nên uống nước căng bụng.
Đối với nữ giới, sau khi siêu âm xong, bạn nên tiểu hết trước khi tiến hành bước siêu âm phụ khoa bằng đầu dò.
Nếu đang mang thai, bạn hãy báo với bác sĩ để tránh tiến hành danh mục chụp X-quang. Bởi điều này không có lợi cho thai nhi trong bụng.
2. Hiểu rõ về quy trình khám sức khỏe cho người lao động
Quy trình khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ không quá phức tạp, do đó bạn nên nắm vững để tránh tình trạng bỡ ngỡ khi thực hiện. Về cơ bản, người lao động khi tiến hành kiểm tra sức khỏe chỉ cần trải qua một số bước như:
Bước 1: Làm thủ tục và nhận hồ sơ thăm khám bệnh
Ở bước này, bên cạnh cung cấp thông tin cá nhân, bạn sẽ cần khai báo một số thông tin về tiền sử bệnh lý của bản thân, gia đình hoặc tình trạng sức khỏe hiện tại để bác sĩ có cái nhìn bao quát nhất.
Bước 2: Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm
Với bước khám này, bạn sẽ được đội ngũ điều dưỡng hướng dẫn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Các mẫu này thường là xét nghiệm máu và nước tiểu.
Bước 3: Thực hiện bước khám thể lực
Người lao động sẽ được đội ngũ điều dưỡng tiến hành các bước khám như: đo chiều cao, cân nặng và đo huyết áp.
Bước 4: Tiến hành thăm khám các chuyên khoa lâm sàng
Ở bước khám này, người lao động sẽ được thực hiện kiểm tra tổng quát về:
Khám tai – mũi – họng.
Khám răng – hàm – mặt.
Khám nội tổng quát.
Khám da liễu.
Và khám phụ khoa (dành riêng cho nữ giới).
Bước 5: Tiến hành các danh mục khám chẩn đoán hình ảnh
Bước kiểm tra cuối cùng mà người lao động phải trải qua là tiến hành các danh mục khám như: chụp X-quang, điện tim, siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng,…
Ngoài ra, tùy theo đặc điểm kinh doanh, sản xuất của mình mà doanh nghiệp có thể mở rộng thêm các chuyên khoa khám khác cho nhân viên trong các đợt khám sức khỏe định kỳ.
Bước 6: Trả kết quả thăm khám
Khi nhận kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên (như chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện,…) phù hợp cho bạn. Nếu có phát hiện vấn đề sức khỏe, bạn sẽ được tư vấn khám chuyên sâu hơn.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ dựa trên kết quả này để đưa ra những phương án xử trí phù hợp cho nhân viên của mình. Nhất là với những người lao động đang gặp vấn đề về sức khỏe. Đối tượng này có thể sẽ được nhân bồi thường vì bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe trong quá trình làm việc. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ tiến hành luân chuyển công tác (nếu cần thiết) cho nhân viên mắc bệnh. Điều này giúp đảm bảo chất lượng công việc phù hợp hơn với thể trạng của của nhân viên mà vẫn đảm bảo năng suất lao động cho công ty.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp cho bạn hiểu rõ hơn về vấn đề khám sức khỏe cần những gì. Từ đó, đảm bảo có được những buổi thăm khám sức khỏe định kỳ nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả cho mỗi người lao động.