Nhiều người vẫn thường thắc mắc tại sao cần khám sức khỏe cho nhân viên, hoạt động này mang lại những lợi ích gì. Thực tế, việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên là hoạt động được diễn ra thường niên tại các doanh nghiệp. Điều này không chỉ nhằm tuân thủ đúng theo quy định của Luật lao động mà còn giúp đảm bảo an toàn sức khỏe tốt nhất cho người lao động.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần khám sức khỏe cho nhân viên định kỳ hàng năm?
Hiện nay, do yếu tố điều kiện sống, môi trường, cũng như sức ép công việc dẫn đến việc người lao động có nguy cơ cao đối diện với các bệnh nghề nghiệp liên quan. Do đó, việc tổ chức khám sức khỏe cho người lao động định kỳ sẽ giúp kịp thời phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm, dự báo nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn để từ đó có kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe sao cho phù hợp.
Căn cứ vào Bộ luật Lao động năm 2012 cũng quy định các tổ chức, doanh nghiệp cần phải thực hiện tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên ít nhất 1 lần/năm. Đặc biệt, đối với những nhân viên làm các công việc nặng nhọc, tiếp xúc với chất độc hại cần được tổ chức khám sức khỏe 6 tháng/lần. Vậy hãy cùng làm rõ tại sao việc khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên lại cần được quan tâm đến vậy?
1.1. Tại sao cần khám sức khỏe cho nhân viên? – Đối với phía người lao động
– Giúp phát hiện kịp thời nguy cơ mắc phải các căn bệnh nguy hiểm như huyết áp, tim mạch, ung thư,…
– Giúp người lao động có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp, được bác sĩ tư vấn và đưa ra lời khuyên để điều trị phù hợp nếu có phát hiện bệnh.
– Nhằm tạo sự tin tưởng của nhân viên dành cho doanh nghiệp.
– Giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng hiệu quả làm việc.
1.2. Tại sao cần khám sức khỏe cho nhân viên? – Đối với phía doanh nghiệp
– Là sự thể hiện trách nhiệm đối với người lao động của mình.
– Thông qua kết quả khám sức khỏe của người lao động, ban lãnh đạo sẽ biết được tình trạng sức khỏe nhân viên của mình và xem xét, bố trí công việc sao cho phù hợp.
– Có kế hoạch giúp cho nhân viên điều trị bệnh hiệu quả từ đó có đủ sức khỏe để làm việc với công suất cao nhất.
– Giúp doanh nghiệp thu hút nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng.
– Giúp doanh nghiệp tạo được sự phát triển ổn định.
2. Khám sức khỏe cho nhân viên giúp phát hiện được bệnh gì?
Đối với những người hoạt động trong môi trường có nhiều chất độc hại khiến cho họ dễ gặp phải các bệnh nghề nghiệp nguy hiểm. Nếu không được thăm khám và phát hiện bệnh kịp thời sẽ khiến bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn và khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Thông qua hoạt động khám sức khỏe sẽ giúp người lao động phát hiện được những bệnh lý thường gặp do môi trường lao động gây nên như: điếc, viêm phổi, nhiễm độc bởi hóa chất, hen phế quản, lao,…
Theo kết quả từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường vào năm 2018 cho thấy, những tác nhân gây hại như: khí hậu, bụi bẩn, tiếng ồn, khí độc,… đều đang vượt mức quy định. Trong đó, có khoảng 72.63% người lao động đang phải tiếp xúc trực tiếp với những nguy cơ gây hại, nguy hiểm tới cơ thể.
Những bệnh mà người lao động thường dễ mắc phải là viêm xoang, hen phế quản, các bệnh về mắt, tim mạch,… Thế nhưng thực tế người lao động chưa có nhận thức cụ thể trong việc phòng chống các căn bệnh nghề nghiệp.
Tiếp đó, kết quả thống kê còn cho thấy, có hơn 2 triệu nhân viên được khám sức khỏe định kỳ trong năm 2018. Trong đó, người có sức khỏe đạt loại 1 và 2 chiếm 70%, loại 3 chiếm tỷ lệ khoảng 22% và còn lại là những người có sức khỏe loại yếu.
Cũng theo khảo sát năm 2018, có khoảng 320.000 trường hợp nhân viên được khám sức khỏe lao động. Trong đó, có khoảng 3.500 người lao động bị điếc bởi tiếng ồn chiếm tỷ lệ 67%, bị bệnh bụi phổi silic chiếm khoảng 17%, bị bệnh bụi phổi than nghiệp đạt mức 9.9% và bị bệnh viêm phế quản mãn tính chiếm khoảng 2%.
3. Doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề gì nếu không tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên?
Việc khám sức khỏe định kỳ bên cạnh là quyền lợi của người lao động thì đây cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp. Bởi việc khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ đã được Nhà nước ban hành theo điều 21 của luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Nếu các doanh nghiệp không đảm bảo việc thực hiện đúng với quy định sẽ phải chịu những mức phạt phù hợp.
Theo đó, nếu cá nhân sử dụng lao động nhưng không tiến hành tổ chức khám định kỳ cho nhân viên sẽ phải chịu mức hình phạt từ 10 triệu – 15 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp, mức phạt này sẽ tăng lên từ 20 triệu – 30 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu những ảnh hưởng từ việc không tổ chức khám sức khỏe định kỳ như: người lao động xin nghỉ việc vì không được đáp ứng đầy đủ quyền lợi, nhân viên bị bệnh nhưng không được phát hiện để điều trị sớm,…
Việc tổ chức khám sức khỏe định cho người lao động được xem là vấn đề vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, người lao động cũng cần tự mình tìm hiểu về các chính sách đãi ngộ của công ty dành cho nhân viên cũng như luật lao động trước khi ứng tuyển vào bất kỳ đâu. Từ đó, bạn sẽ nắm rõ được các quyền lợi mà mình đáng được nhận và hạn chế tối đa những thiệt thòi không đáng có.