Giãn phế quản không phục hồi là tình trạng bệnh tái đi tái lại nhiều lần, đã điều trị mà không hiệu quả. Tình trạng bệnh hay gặp ở người cao tuổi bởi sức đề kháng yếu.
Nguyên nhân gây giãn phế quản
Bệnh giãn phế quản có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Người cao tuổi thường gặp nguyên nhân mắc phải. Giãn phế quản bẩm sinh thường ở phần lớn các phế quản, ít gặp và biểu hiện bệnh ngay từ khi còn trẻ.
Giãn phế quản thường gặp hơn có thể khu trú hoặc lan tràn ở nhiều vùng. Giãn phế quản lan tràn là di chứng của các bệnh phổi, phế quản nặng, thậm chí từ thời nhỏ tuổi như cúm, sởi, ho gà… Giãn phế quản khu trú gây nên bởi sự ứ đọng dịch tiết dẫn đến viêm nhiễm hoặc viêm nhiễm phế quản nguyên phát gặp ở: lao, nấm, áp xe phổi hoặc khối u.
Giãn phế quản không phục hồi
Triệu chứng của bệnh:
- Ho nhiều, khạc nhiều đờm vào buổi sáng hoặc suốt ngày. Đờm có mùi nồng như thạch cao, có mùi hôi thối khi nhiễm vi khuẩn yếm khí.
- Ho ra máu: máu đỏ tươi lẫn với đờm hay toàn phần. Mức độ nặng nhẹ tùy thương tổn mạch máu.
- Các dấu hiệu nhiễm khuẩn: sốt, tăng bạch cầu.
- Người cao tuổi bệnh lâu ngày và kết hợp nên có các dấu hiệu của rối loạn thông khí như ngón tay ngón chân dùi trống, suy hô hấp mạn tính và tâm phế mạn.
Để xác định chính xác giãn phế quản phải chụp cắt lớp vi tính lồng ngực độ phân giải cao. Phát hiện giãn phế quản khi phế quản lớn gấp đôi mạch máu đi kèm, phế quản tăng khẩu kính phía ngoại vi, hình kén.
Phương pháp điều trị
Điều trị giãn phế quản chủ yếu là nội khoa:
- Người bệnh có thể dùng các loại thuốc làm loãng đờm: mucitux, bisolvon hoặc khí dung dung dịch cao phân tử như manitol.
- Điều trị ho ra máu bằng thuốc an thần giảm ho co mạch tùy theo nặng hay nhẹ.
Nếu điều trị nội khoa không có kết quả người bệnh có thể được chỉ định điều trị ngoại khoa.
Việc điều trị theo phương pháp nào cũng cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Do đó người bệnh giãn phế quản không được chủ quan với tình trạng bệnh. Cần đi khám ngay nếu dấu hiệu giãn phế quản tái phát hoặc các triệu chứng bệnh kéo dài không thuyên giảm.
Giãn phế quản không phục hồi là tình trạng đã được điều trị nhưng bệnh không khỏi hoàn toàn mà có thể tái đi tái lại. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần kết hợp với các biện pháp dự phòng hiệu quả song song với điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ để cải thiện tình trạng bệnh.
Người bệnh cần chú ý giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa, đeo khẩu trang khi ra đường để tránh hít phải bụi bẩn. Tránh hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc một cách thụ động.
Vệ sinh răng miệng, tai mũi họng hàng ngày. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng qua chế độ ăn hàng ngày. Thường xuyên luyện tập, thể dục thể thao nhằm tăng cường sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh.