Đột quỵ tuyến yên là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng xấu tới tính mạng con người. Song, những thông tin liên quan tới căn bệnh cũng như nguyên nhân, triệu chứng vẫn còn khá ít ỏi. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về bệnh lý này thông qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quát về tuyến yên và bệnh đột quỵ tuyến yên
Tuyến yên là tuyến nội tiết nằm ở vị trí nền sọ ở trong hố yên của xương bướm. Tuyến yên có kích thước nhỏ chỉ bằng hạt đậu nhưng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát bộ phận khác của hệ thống nội tiết.
Đột quỵ tuyến yên là tình trạng chảy máu hoặc nhồi máu ở bên trong của tuyến nội tiết này. Bệnh thường xảy ra ở trường hợp có u tuyến yên nhưng đôi khi có thể là biểu hiện đầu tiên của một khối u tiềm ẩn. Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm và hiếm gặp. Trong số bệnh nhân có u tuyến yên cũng chỉ có 0,6 – 10% xuất hiện cơn đột quỵ.
Theo thống kê, tỷ lệ người mới mắc chung trong cộng đồng khoảng 18/1.000.000 người/năm. Độ tuổi dễ mắc bệnh là khoảng 50 tuổi, trong đó tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới 1,6 lần.
2. Nguyên nhân gây đột quỵ ở tuyến yên
Một số nguyên nhân chính gây nên bệnh lý này là:
– U dạng tuyến của tuyến yên
Đây là nguyên nhân phổ biến, thường gặp gây đột quỵ ở tuyến yên. Theo nghiên cứu, u tuyến yên có nguy cơ chảy máu cao gấp 5 lần những loại u não khác.
– Tăng huyết áp
Có khoảng 26% bệnh nhân bị đột quỵ tuyến yên gặp phải tình trạng tăng huyết áp
– Người có tiền sử đại phẫu tim
Những người đã thực hiện đại phẫu tim như phẫu thuật liên quan tới bắc cầu động mạch vành dễ mắc bệnh này.
– Điều trị hoặc sử dụng những loại thuốc chống đông
– Trị liệu Oestrogen
– Bị chấn thương vùng đầu
– Mang thai
– Xạ trị ở vùng đầu
3. Triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân đột quỵ ở tuyến yên
– Đau đầu dữ dội
Có tới 95% người bệnh thường có biểu hiện đau đầu. Vị trí đau tập trung ở sau ổ mắt hoặc đôi khi cũng có thể xuất hiện ở 2 bên trán hay đau lan tỏa. Cơn đau đầu khởi phát đột ngột, diễn tiến nghiêm trọng và có thể xảy ra trước các triệu chứng khác.
– Nôn mửa
Cùng với đau đầu, người bệnh có thể bị nôn mửa. Theo nghiên cứu, có đến 69% bệnh nhân bị nôn, nguyên nhân là do màng não bị kích thích hoặc áp lực nội sọ tăng.
– Dây thần kinh vận nhãn bị tổn thương
Đây cũng là triệu chứng khác thường gặp ở những người bệnh. Việc tổn thương dây thần kinh vận nhãn khiến bệnh nhân có các biểu hiện như đồng tử giãn, lác ngoài, sụp mi…
– Thị lực giảm, nhìn mờ
– Tiết hormone tuyến yên bị suy giảm
4. Chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt ở người bệnh
4.1. Chẩn đoán
Theo các bác sĩ, việc chẩn đoán đột quỵ ở tuyến yên dựa vào đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng:
– Có yếu tố nguy cơ đột quỵ
– Xuất hiện những triệu chứng lâm sàng ở người bệnh
– Chẩn đoán bằng hình ảnh, trong đó MRI là một trong những lựa chọn hàng đầu để chẩn đoán đột quỵ ở tuyến yên
– Xét nghiệm hormone
– CT não tuy có độ nhạy không cao nhưng vẫn được sử dụng để phát hiện chảy máu tuyến yên
Tuy nhiên, đột quỵ ở tuyến yên dễ bị bỏ sót. Nguyên nhân là do:
– Đây là một bệnh hiếm
– Những triệu chứng lâm sàng rất dễ bị che lấp, việc xét nghiệm thường quy hầu như không có giá trị định hướng chẩn đoán đột quỵ ở tuyến yên.
– Kích thước tuyến yên quá nhỏ nên gây khó khăn cho chẩn đoán hình ảnh.
4.2. Chẩn đoán phân biệt
Việc chẩn đoán phân biệt nhằm loại trừ một số bệnh khác như:
– Chảy máu dưới nhện
– Viêm màng não
5. Những phương pháp điều trị bệnh hiện nay
Đột quỵ ở tuyến yên là tình trạng cấp cứu cần điều trị tích cực. Đầu tiên, các bác sĩ cần ổn định triệu chứng, đánh giá tình trạng chất điện giải, gluocose, hormone tuyến yên ở người bệnh. Sau đó, bác sĩ thường sẽ chỉ định sử dụng Corticosteroid – loại thuốc được sử dụng ở hầu hết người bệnh bị suy tuyến yên.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được chỉ định điều trị bằng việc thay thế hormone thích hợp hoặc phương pháp phẫu thuật chuyển gen khối u.
5.1. Điều trị đột quỵ tuyến yên bằng nội khoa (dùng thuốc)
Theo thống kê, có gần 70% người mắc bệnh lý này bị suy thượng thận cấp. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong ở người bệnh. Vì vậy, bệnh nhân cần được chẩn đoán và theo dõi sát sao bằng cách đo lượng cortisol trong máu. Tuy nhiên những người bị đột quỵ thường bị nôn, buồn nôn nên không dùng được qua đường uống.
Với các trường hợp như trên, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng Hydrocortisol. Ban đầu, người bệnh được tiêm tĩnh mạch 100-200mg Hydrocortisol. Sau đó, bệnh nhân vẫn tiếp tục duy trì đường truyền tĩnh mạch, liều dùng 2 đến 4mg/giờ liều 40-100mg mỗi 6 tiếng (đối với tiêm bắp).
Khi đã qua cơn nguy kịch hoặc giai đoạn cấp tính, người bệnh sẽ được giảm liều lượng Hydrocortisol 20-30mg/ngày. Việc cho bệnh nhân sử dụng thông qua đường uống có thể được thực hiện từ từ sau đó.
5.2. Điều trị đột quỵ tuyến yên bằng phương pháp phẫu thuật
Hiện nay việc điều trị bằng nội khoa đang được ưu tiên lựa chọn. Việc cân nhắc lựa chọn phẫu thuật cho người bệnh cần phải xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng của các y bác sĩ đầu ngành chuyên khoa nội tiết, đột quỵ, nhãn khoa, phẫu thuật thần kinh.
Trường hợp người bệnh có biểu hiện xoang cảnh và hố yên bị chèn ép nặng cũng như tình trạng có xu hướng nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật.
Đột quỵ ở tuyến yên thường khởi phát cấp tính song cũng có một vài trường hợp khởi phát bán cấp hoặc từ từ. Bệnh nhân bất ngờ bị đau đầu, vị trí đau thường tập trung sau ổ mắt hoặc đôi khi có thể là 2 bên trái, giãn đồng tử, suy giảm hormone tuyến yên. Vì vậy, để phát hiện sớm bệnh lý này, những người có khối u ở tuyến yên cũng như có các bệnh lý liên quan tới tuyến nội tiết cần phải kiểm tra định kỳ. Điều này giúp tránh tình trạng u vỡ, gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.