Viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai khiến mẹ bầu không chỉ khó chịu mà còn lo lắng vì nhiều nguyên nhân và ảnh hưởng. Điều quan trọng là, mẹ bầu cần hiểu đúng vấn đề này, từ đó, có cho mình giải pháp phù hợp để an toàn cho chính mình và thai nhi. Bài viết dưới đây từ TCI sẽ giúp mẹ hiểu hơn về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách phòng ngừa và xử trí phù hợp cho mẹ bầu với tình trạng viêm lợi trùm răng khôn.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu viêm lợi trùm răng khôn ở mẹ bầu
1.1. Định nghĩa và nguyên nhân
Viêm lợi trùm răng khôn ở mẹ bầu cũng tương tự tình trạng viêm lợi trùm răng khôn ở các đối tượng khác. Đó là tình trạng viêm nhiễm của niêm mạc lợi trong khoang miệng, xảy ra vào các thời điểm răng khôn phát triển. Răng khôn là chiếc răng mọc cuối, thường không đủ không gian để mọc, dễ mọc nghiêng, hoặc ngang. Trong thời kỳ mọc của mình, răng khôn gây áp lực trên niêm mạc lợi nhằm tách lợi nhú lên, dễ gây viêm nhiễm, đồng thời, khiến lợi bị đẩy lên cao trong tư thế trùm lên răng khôn.

Hình ảnh lợi trùm răng khôn (minh họa)
Thông thường, do đặc thù vị trí mọc của răng khôn, cộng thêm sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc phải vấn đề này. Trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu cũng thường đói hơn, ăn nhiều bữa trong ngày hơn. Điều này khiến mảng bám thường xuyên có điều kiện bám trên răng và cơ hội cho vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, tình trạng vệ sinh răng miệng kém hơn của mẹ bầu trong thai kỳ do ốm nghén hoặc thai to cũng khiến tăng cường tích tụ mảng bám và cao răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm lợi trùm răng khôn.
1.2. Dấu hiệu nhận biết
Mẹ đang mang bầu có thể nhận biết tình trạng viêm lợi trùm răng khôn với một số dầu hiệu phổ biến như:
– Sưng lợi: Lợi quanh răng khôn sưng to, đỏ và đau nhức.
– Chảy máu lợi: Lợi dễ chảy máu khi đánh răng hoặc chải răng.
– Hôi miệng: Vi khuẩn tích tụ nhiều do sưng lợi, dẫn đến hôi miệng.
– Đau nhức: Cảm giác đau nhức dữ dội, có thể lan ra má, tai hoặc cổ.
– Sốt: khi nhiễm trùng nặng.
– Sưng hạch bạch huyết: Hạch ở cổ hoặc dưới cằm sưng to.
– Khó nhai: Nhai khó khăn do đau nhức hoặc sưng tấy.
1.3. Cảnh giác viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai
Viêm lợi trùm răng khôn ở mẹ bầu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng của mẹ. Bệnh lý này khiến mẹ bầu khó chịu, giảm khả năng ăn uống của mẹ. Đồng thời, có thể dẫn đến những biến chứng nặng hơn khi không được điều trị đúng cách như: áp xe lợi, sâu răng, hỏng răng bên cạnh, thậm chí là viêm tủy, mất răng.
Viêm lợi trùm cũng ảnh hưởng đến tâm lý mẹ bầu thông qua sự khó chịu mà bệnh lý này mang lại. Trong khi đó, một số nghiên cứu cho thấy viêm lợi trùm răng khôn khi mang bầu có thể làm tăng nguy cơ sinh non, tiền sản giật. Do đó, mẹ bầu cần đến các cơ sở nha khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị kịp thời, phù hợp.

Mẹ bầu nên khám để được kiểm tra, tư vấn phù hợp khi có hiện tượng viêm lợi trùm răng khôn
2. Điều trị tình trạng viêm lợi trùm răng khôn khi mang bầu
Việc điều trị viêm lợi trùm răng khôn với phụ nữ mang thai cần được xem xét cẩn thận và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Do vậy, phương pháp điều trị phù hợp cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nha sĩ dựa trên tình trạng cụ thể của từng trường hợp.
2.1. Phương pháp điều trị viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai
Một số phương pháp điều trị viêm lợi trùm răng khôn cho mẹ bầu phổ biến như:
– Chú ý vệ sinh răng miệng để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn,
– Dùng thuốc điều trị phù hợp với mẹ bầu nhằm giảm đau, giảm viêm và đảm bảo phù hợp với thai nhi.
– Phẫu thuật: ít chỉ định. Trong tình trạng đặc biệt, phẫu thuật có thể cần thiết cho mẹ bầu. Nhưng điều này phải được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nha sĩ và bác sĩ sản khoa để bảo đảm an toàn cho thai nhi.
Mẹ bầu cũng lưu ý rằng: việc dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ để tránh những ảnh hưởng đến thai nhi. Trong trường hợp thai nhỏ, mẹ cần báo cho bác sĩ nha khoa biết vấn đề đang mang thai để được cân nhắc phương pháp phù hợp. Sau quá trình điều trị, mẹ bầu cần chú ý hơn vào việc vệ sinh răng miệng, khám định kỳ và tái khám đúng hẹn.
2.2. Một số biện pháp giúp mẹ bầu khắc phục tại chỗ
Mẹ đang mang thai bị viêm lợi trùm răng khôn cũng có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà để giảm sưng và đau như:
– Chườm lạnh: Dùng khăn lạnh chườm lên má trong 15-20 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày có thể giúp giảm sưng và đau.
– Nước muối: Súc miệng bằng nước muối ấm (1/2 muỗng cà phê muối hòa tan trong 1 cốc nước ấm) có thể giúp giảm viêm và thúc đẩy quá trình lành lại.
– Lá trà: Ngâm túi trà trong nước ấm, sau đó để nguội và dùng để súc miệng. Lá trà có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn có thể giúp giảm sưng nướu.

Mẹ bầu có thể áp dụng một số hình thức tự nhiên để giảm triệu chứng viêm lợi
Dù với bất cứ hình thức nào, mẹ bầu cũng cần chú ý để không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Để an toàn, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước các quyết định của bản thân, đồng thời, thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để sớm loại bỏ tình trạng viêm lợi trùm cũng như phòng ngừa biến chứng từ bệnh lý này đúng cách.
Tóm lại, viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai là một vấn đề cần được điều trị kịp thời. Để an tâm cho chính sức khỏe của mình và thai nhi, mẹ bầu nên đến các cơ sở nha khoa uy tín để được khám và chỉ định phù hợp. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nha sĩ dựa trên tình trạng cụ thể của từng trường hợp. Mẹ bầu nên tuân theo hướng dẫn của nha sĩ về cách chăm sóc răng miệng tại nhà và áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà để giảm sưng và đau trong thời kỳ đặc biệt này.