Các khớp đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Bộ phận này giúp cơ thể chúng ta dễ dàng đi lại và hỗ trợ các vận động phối hợp nhịp nhàng và linh hoạt với nhau. Vậy hệ thống cơ thể có bao nhiêu loại khớp? xem bài viết dưới đây để được giải đáp thắc mắc nhé.
Menu xem nhanh:
1. Khớp là gì?
Khớp là nơi các xương tiếp xúc với nhau để cấu thành hệ thống xương tổng thể. Bộ phận này nối giữa hai hay nhiều xương, hỗ trợ cơ thể chuyển động được.
2. Cơ thể có bao nhiêu loại khớp?
Khớp sẽ được phân loại theo cấu trúc và chức năng. Phân loại cấu trúc được xác định bằng cách các xương nối lại với nhau, còn đối với phân loại chức năng được xác định bởi mức độ chuyển động giữa các khớp xương.
2.1. Phân loại khớp theo cấu trúc
Theo cách phân loại này, có bốn loại khớp chính như sau:
– Khớp xơ kết nối các xương bởi mô liên kết. Khớp xơ rất dày và giàu Collagen.
– Khớp sụn kết nối với các xương bởi sụn. Có hai loại khớp sụn đó là khớp sụn nguyên phát và khớp sụn thứ cấp.
– Khớp hoạt dịch không nối trực tiếp các xương lại với nhau. Xương có các khoang hoạt dịch và kết hợp bằng mô liên kết. Khớp hoạt dịch thường kết hợp với dây chằng để đảm bảo sự linh hoạt của khớp.
– Khớp mặt là mặt phẳng giữa các xương có vai trò hỗ trợ và kiểm soát các chuyển động ở cột sống.
2.2. Phân loại khớp theo chức năng
Các khớp phân loại theo chức năng và nguyên lý hoạt động cụ thể như sau:
– Khớp bất động: Đây là loại khớp cố định, không chuyển động trong suốt thời gian tồn tại và phát triển.
– Khớp bán động: Loại khớp này giúp giữ chặt 2 đoạn xương với nhau và chỉ thực hiện được những chuyển động hạn chế.
– Khớp động: Loại khớp này chứa chất hoạt dịch, hỗ trợ khớp có thể hoạt động linh hoạt.
2.3. Phân loại khớp dựa theo cấu trúc sinh học
Khớp xương cũng có thể được phân loại dựa trên đặc tính cơ học sinh học của khớp. Theo đó, các khớp được phân loại như sau:
– Khớp đơn giản là khớp nối hai bề mặt xương với nhau (như khớp vai, khớp hông).
– Khớp hợp chất là khớp nối ba hoặc nhiều bề mặt khớp nối (như khớp cổ tay).
– Khớp phức tạp là khớp được tạo thành bởi hai hoặc nhiều khớp nối cùng một cấu trúc khác (như khớp gối).
3. Chức năng của khớp
3.1. Tạo ra các chuyển động
Chức năng quan trọng nhất của hệ thống khớp là tạo ra những chuyển động cho cơ thể. Tùy theo loại khớp và dây chằng, xương sẽ di chuyển linh hoạt theo nhiều hướng, góc độ khác nhau. Đồng thời có sự phối hợp giữa xương, cơ, gân, dây chằng.
Những khớp xoay như khớp đầu gối sẽ hỗ trợ các xương di chuyển theo hai hướng vuông góc với nhau, từ đó tạo thành những chuyển động xoay tròn và uốn cong. Các chuyển động này giúp chúng ta có thể thực hiện những hoạt động như may vá, viết, vẽ…
Bên cạnh những khớp xoay, còn có những khớp trượt như khớp xương cổ chân, xương cổ tay. Nhờ đó, cơ thể có thể dễ dàng thực hiện các động tác như đi lại, chạy nhảy, uốn cong, xoay tròn.
3.2. Giảm ma sát
Ngoài chức năng tạo ra chuyển động, khớp còn hỗ trợ giảm ma sát bằng cách bao phủ xương bằng sụn, tiết hoạt dịch để bôi trơn và tạo túi khí làm đệm. Do vậy, nếu thiếu khớp, khi di chuyển xương sẽ va chạm vào nhau, ma sát gây hư hại xương và đau nhức.
3.3. Duy trì cân bằng cho cơ thể
Duy trì sự cân bằng cho cơ thể là chức năng quan trọng của khớp. Bộ phận này hỗ trợ cơ thể linh hoạt với những tư thế như ngồi, đứng…; ổn định cơ thể khi di chuyển. Bên cạnh đó,chúng còn có nhiệm vụ bảo vệ nội tạng khỏi những tổn thương do tác động từ bên ngoài.
4. Các bệnh lý phổ biến thường gặp ở hệ khớp
Khớp là một bộ phận quan trọng trong cơ thể và rất dễ tổn thương. Một số bệnh lý phổ biến thường gặp ở khớp như:
– Thoái hóa khớp: Đây là tình trạng các khớp dần bị lão hóa thường gặp phổ biến là ở người cao tuổi.
– Bệnh Gout: là tình trạng các tinh thể axit uric lắng đọng ở các khớp lâu ngày dẫn đến viêm nhiễm.
– Viêm khớp: là tình trạng viêm một khớp hoặc nhiều khớp cùng lúc. 2 loại thường gặp nhất là: viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.
– Thoát vị đĩa đệm cột sống: thường xảy ra tại vùng đốt sống chịu lực, điển hình là cột sống thắt lưng và cột sống cổ.
– Đau thần kinh tọa: là tình trạng đau nhức từ vùng mông lan xuống dọc theo dây thần kinh tọa. Các nguyên nhân gây ra tình trạng này như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, trượt đốt sống, chấn thương hoặc viêm…
– Trật khớp: gặp phải do chấn thương hoặc rối loạn sụn khớp gây ra.
– Loãng xương: Nguyên nhân do xương bị giảm khối lượng và chất lượng, dẫn tới giảm mật độ xương. Người loãng xương có nguy cơ bị gãy xương dù chỉ chấn thương nhẹ.
5. Cách phòng ngừa để khớp luôn khỏe mạnh
Để tăng cường sức khỏe của các khớp, đồng thời hạn chế nguy cơ mắc các bệnh, mọi người cần lưu ý:
– Luôn luôn kiểm soát tốt cân nặng của bản thân
– Thường xuyên tập luyện thể thao với cường độ và bài tập phù hợp
– Trong sinh hoạt, cần duy trì ngồi ở tư thế đúng, đặc biệt là nâng vác vật nặng
– Nữ giới nên hạn chế sử dụng giày cao gót
– Luôn sử dụng những thiết bị bảo hộ khi đi lại, lao động để phòng ngừa chấn thương
– Uống nhiều nước hằng ngày, bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là canxi và vitamin D
Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc “có bao nhiêu loại khớp?” để bạn có thể hiểu rõ hơn về vai trò của các loại khớp đối với cơ thể. Biện pháp tốt nhất để tăng cường sức khỏe các khớp là chăm sóc đúng cách, luyện tập thể dục thể thao nhằm tăng cường sức khỏe toàn diện.