Câu hỏi: Thưa bác sĩ, tôi đi khám sức khỏe thấy kết quả xét nghiệm máu của tôi cho biết chỉ số GGT của tôi tăng cao. Vậy bác sĩ cho tôi biết GGT là gì? Chỉ số GGT cao có gây nguy hiểm gì không?
Trần Minh Định (Vĩnh Phúc, Hà Nội)
Chào bạn Định, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hệ thống y tế của chúng tôi, với thắc mắc của bạn về chỉ số GGT là gì? và GGT cao có nguy hiểm không? Tôi xin phép được giải đáp như sau:
Menu xem nhanh:
Chỉ số GGT là gì?
GGT là loại một enzyme hầu hết gắn ở màng tế bào, có tác dụng tạo ra ác isopeptid của glutamat với các amino acid tự do khác, giải phóng dipeptid cysteinyl-glycin từ glutathion (GSH).
GGT có ở nhiều cơ quan, tuy nhiên chúng hoạt động đáng kể ở thận, tụy, gan, lách và ruột non. Hoạt động ở tế bào ống thận lớn hơn tụy 12 lần và lớn hơn gan 25 lần. GGT là một trong những enzym có vai trò quan trọng để chẩn đoán tình trạng ứ mật ở gan. GGT có giá trị hơn các enzym khác vì nó rất nhạy cảm với sự thay đổi tình trạng ứ mật và đây là một chỉ số để theo dõi sự tiến triển bệnh gan mãn.
GGT được đào thải qua gan, theo đường mật. Vì vậy, xét nghiệm định lượng GGT giúp cho việc phát hiện tình trạng ứ mật. Ngoài ra, tính thấm của màng tế bào gan bị rối loạn và tốc độ tổng hợp GGT trong gan đặc biệt tăng do sự cảm ứng enzym, ví dụ như trong trường hợp uống quá nhiều rượu.
Ở một người bình thường, chỉ số GGT thường dao động dưới 60 UI/L. Ở nữ giới chỉ số này là 11 – 50 UI/L, ở nam giới chỉ số GGT rơi vào khoảng 7- 32 UI/L. Nếu kết quả xét nghiệm cho biết chỉ số GGT nằm ngoài mức quy định trên, bạn cần chú ý để có biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Chỉ số GGT cao có nguy hiểm không?
Chỉ số GGT được gọi là cao khi chúng nằm ngoài giới hạn cho phép nêu trên, cụ thể là >60UI/L. Tuy nhiên GGT tăng cao cũng có 3 mức độ tăng như sau:
- Mức độ nhẹ: tăng cao trong 1-2 lần.
- Mức độ trung bình: tăng cao trong 2-5 lần
- Mức độ nặng: tăng cao trên 5 lần.
Khi GGT tăng cao bạn cần chú ý đến một trong số các tình trạng bệnh lý của gan như là viêm gan mãn, tổn thương gan do alcol, viêm gan virus, gan di căn. GGT cũng tăng trong bệnh tụy, nhồi máu cơ tim đặc biệt quan trọng ở dạng không có triệu chứng rõ ràng.
Những nguyên nhân khiến chỉ số GGT tăng cao
– Bệnh lý gan mật: Mọi tổn thương tế bào gan, đặc biệt là trong hội chứng ứ mật (Cholestasis). Do hiện tượng cảm ứng tổng hợp enzym, GGT tăng rõ trong ứ mật, rất nhạy và sớm.
– Cảm ứng tổng hợp enzym (Hepatic enzym induction): Do rượu (Alcohol), nhiều loại thuốc (chống trầm cảm, chống động kinh (phenytoin sodium), thuốc ngủ(barbiturates), chống tăng huyết áp, chống tiểu đường, chống thống phong, chống đau thắt, ngừa thai uống,…) và do sự ứ mật như đã nêu trên. GGT còn được dùng trong phát hiện và theo dõi nghiện rượu mạn, cai rượu.
– Nguyên nhân khác, thứ phát do ảnh hưởng trên gan: nhồi máu cơ tim, suy tim, sung huyết, tiểu đường, viêm tụy cấp…
Chẩn đoán và điều trị
Để chẩn đoán chỉ số GGT, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm một số xét nghiệm máu, nước tiểu. Xét nghiệm GGT có vai trò quan trọng trong việc xác định nguyên nhân gây tăng ALP. Cả ALP và GGT đều tăng trong bệnh ống mật và các bệnh về gan, nhưng chỉ có ALP tăng trong các bệnh về xương. Do đó, tăng ALP ở những người có mức GGT bình thường thì việc tăng ALP có nguyên nhân phần lớn là do bệnh về xương. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi ở Việt Nam chưa có phương tiện máy móc để định lượng isoenzym ALP của xương.
Sau khi đánh giá mức độ GGT trong máu, bác sĩ sẽ có chỉ định các loại thuốc uống giúp hỗ trợ làm giảm chỉ số GGT và một số bài tập luyện, cũng như cách chăm sóc sức khỏe để duy trì chỉ số GGT ở mức bình thường.
Do bạn Định không nêu rõ chỉ số GGT của mình cao là bao nhiêu, nên hy vọng với những kiến thức chia sẻ trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn GGT là gì, chỉ số GGT tăng khi nào và có thể gây nguy hiểm gì đển sức khỏe.
Nếu cần tư vấn thêm về chỉ số GGT, bạn vui lòng liên hệ tới Hệ thống y tế của chúng tôi theo số 1900 55 88 92 để tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe!