Đột tử và đột quỵ dễ nhầm lẫn, cách phân biệt

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Nhiều người hiện nay vẫn còn nhầm lẫn đột tử và đột quỵ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng đột tử và đột quỵ không phải là một bệnh, nếu như đột tử ta thường nghĩ đến bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim là chủ yếu) thì đột quỵ lại là do tổn thương não (nhồi máu não, xuất huyết não). Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của chúng tôi để hiểu rõ đột tử và đột quỵ khác nhau như thế nào và cách xử trí.

1. Sự khác biệt giữa đột tử và đột quỵ

1.1 Đột tử và đột quỵ khác nhau về bản chất, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ

Đột tử (gọi nôm na là cái chết diễn ra đột ngột). Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến đột tử là bệnh lý tim mạch (chiếm đa số), đột quỵ, thuyên tắc mạch phổi, vỡ động mạch chủ. Trong đó, khi nhắc đến một ai đó bị đột tử người ta thường nghĩ nhiều đến nguyên nhân tim mạch (bởi phần lớn các ca đột tử là do nhồi máu cơ tim gây ra).

Một số chuyên gia khác cho rằng nguyên nhân gây đột tử thường do tắc nghẽn mạch máu nuôi tim (mạch vành) hoặc do rối loạn nhịp tim nguy hiểm (rung thất, loạn nhịp thất).

Đột quỵ còn có tên gọi khác là bệnh tai biến mạch máu não. Đây là bệnh lý thuộc hệ thần kinh do tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn đột ngột do thiếu máu não hoặc xuất huyết não, khiến các tế bào não được nuôi dưỡng bởi mạch máu tắc nghẽn bị chết và dẫn đến mất chức năng thần kinh.

Xuất phát từ bản chất và nguyên nhân khác nhau giữa đột tử và đột quỵ, mà các yếu tố nguy cơ gây ra hai bệnh lý này cũng có phần khác nhau. Cụ thể là các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, thường dẫn tới đột tử, còn các yếu tố nguy cơ gây bệnh lý ở não bộ và mạch máu não thường gây đột quỵ.

Đột tử và đột quỵ khác nhau về bản chất, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ

Đột tử chủ yếu do các vấn đề về tim mạch trong đó thường gặp nhất là đột tử do nhồi máu cơ tim.

1.2 Đột tử và đột quỵ khác nhau ở biểu hiện

Đột tử có thể gây tử vong trong ít phút. Biểu hiện thường gặp là một người bình thường đang tự nhiên bị gục xuống, do ngừng tim đột ngột. Người bệnh nhân thường tím tái, mất ý thức, không thấy nhịp thở, không thấy mạch đập.

Đột quỵ có thể gây tử vong sau khoảng vài tiếng hoặc vài ngày sau đó, thường không nhanh chóng bằng đột tử. Biểu hiện như nói ngọng, méo miệng, liệt tay chân cùng bên, chậm chạp, mất ý thức, hôn mê,… Đột quỵ có “thời gian vàng” để điều trị là khoảng từ 3-6 giờ đầu tiên, tính từ khi người bệnh bắt đầu có triệu chứng.

Cụ thể:

1.2.1 Đột tử (do tim)

Đau ngực: Hầu hết bệnh nhân nhồi máu cơ tim có biểu hiện đau tức ngực kiểu đè nặng, đau nhói, đau thắt nghẹt vị trí giữa ngực, kéo dài vài phút. Cơn đau có thể một cơn hoặc kéo dài nhiều cơn.

Cảm giác khó chịu lan đến nhiều vị trí khác nhau của cơ thể như cánh tay, lưng, cổ, hàm dưới.

Khó thở kèm các triệu chứng khác như vã mồ hôi lạnh, buồn nôn, choáng váng.

Diễn tiến có thể dẫn đến mất tri giác, không đáp ứng khi lay gọi, ngưng thở, kiểm tra tim không còn đập, mạch không nảy.

Thời gian là sự sống còn của cơ tim, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch sớm nhất.

1.2.2 Đột quỵ

Các dấu hiệu chẩn đoán (F.A.S.T). Méo miệng một bên, biểu hiện rõ nhất khi cười, nhe răng, đối khi có cảm giác tê một bên mặt. Yếu liệt tay chân một bên, mất cảm giác khiến tay rơi xuống khi được yêu cầu đưa lên cao. Rối loạn ngôn ngữ biểu hiện cụ thể đó là không thể nói, không thể hiểu lời nói (có thể yêu cầu người bệnh nói một câu nói đơn giản xem họ có thể lặp lại được hay không).

Đột tử và đột quỵ khác nhau

Đột quỵ là bệnh lý hệ thần kinh do thiếu máu lên não hoặc chảy máu não (xuất huyết não).

2. Cả hai trường hợp đều cần cấp cứu khẩn cấp

Mặc dù cả 2 trường hợp (đột tử, đột quỵ) có cách tiếp cận ban đầu khác nhau nhưng đều là những tình trạng cần cấp cứu y khoa khẩn cấp. Khi nghi ngờ một ai đó bị đột tử hay đột quỵ, bạn cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử trí.

Đối với trường hợp nghi ngờ đột tử cần phải tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực ngay lập tức, sau đó bác sĩ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và nguyên nhân để đưa ra biện pháp can thiệp điều trị hiệu quả.

Đối với trường hợp nghi ngờ đột quỵ cần nhanh chóng gọi hỗ trợ y tế hoặc đưa người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất có thực hiện sơ cấp cứu đột quỵ để người bệnh được can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối.

Ngoài ra, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát các yếu tố nguy cơ của 2 tình trạng trên.

đột tử và đột quỵ đều cần cấp cứu khẩn cấp

Dù nghi ngờ người bệnh đột tử hay đột quỵ thì đều phải cấp cứu người bệnh nhanh nhất có thể.

3. Vì sao nguy cơ đột tử và đột quỵ tăng cao khi trời nắng nóng?

Khi nhiệt độ môi trường tăng cao hơn 32 độ C, khiến cơ thể phải bài tiết mồ hôi nhiều hơn. Cơ thể chúng ta thường có xu hướng chống lại (giải tỏa) cơn nóng bằng một số cách, nhưng nếu không thực hiện đúng có thể đây chính là nguyên nhân khiến nguy cơ đột tử và đột quỵ tăng cao.

Có 3 nguyên nhân khiến nguy cơ đột tử và đột quỵ tăng cao khi thời tiết nắng nóng đó là:

– Di chuyển đột ngột giữa nơi nóng sang nơi lạnh (từ phòng điều hòa ra môi trường bên ngoài và ngược lại một cách đột ngột). Điều này khiến các mạch máu bị co thắt hoặc giãn ra một cách đột ngột.

– Cơ thể mất nước do bài tiết mồ hôi nhiều, máu có xu hướng bị đặc lại và dễ hình thành cục máu đông. Các cục máu đông này gây tắc động mạch vành khiến bệnh nhân đột tử hoặc tắc động mạch não khiến bệnh nhân đột quỵ.

– Khi cơ thể mất nước khiến nồng độ điện giải (như Kali, Natri, Canxi tăng), ảnh hưởng tới sự dẫn truyền thần kinh cũng như sự co bóp của cơ tim và các mạch máu, đặc biệt là những người có bệnh nền.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital