Tại Việt Nam, các ca đột quỵ tăng từ 15% đến 30% vào mùa đông. Hiểu rõ nguyên nhân đột quỵ mùa động giúp bạn phòng bệnh hiệu quả, tránh nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về bệnh đột quỵ
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng não bị tổn thương do quá trình cung cấp máu lên não bị gián đoạn, tắc nghẽn hoặc giảm thiểu do thiếu oxy và các chất dinh dưỡng nuôi tế bào.
Khi này, các tế bào não bắt đầu chết tron vài phút. Đặc biệt, khi người bệnh đột quỵ không được can thiệp kịp thời, số lượng tế bào não chết đi sẽ ngày càng nhiều. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tư duy, chức năng vận động của cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong.
Do đó, ngay khi phát hiện người bị đột quỵ cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Có thể phân loại đột quỵ thành 2 nhóm chính bao gồm:
– Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm tới 85% các ca bệnh đột quỵ, xảy ra do tắc nghẽn trong động mạch dẫn đến thiếu máu cục bộ.
– Đột quỵ do xuất huyết não: Chiếm 15% các trường hợp đột quỵ còn lại, xảy ra do vỡ mạch máu não gây dẫn tới máu vào nhu mô não, não thất.
2. Vì sao người bệnh dễ bị đột quỵ mùa đông?
Các ca bệnh đột quỵ thường thấy nhiều trong mùa đông bởi sự tác động của nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ, cụ thể:
2.1 Đột quỵ mùa đông do xuất huyết não
Khi nhiệt độ xuống thấp, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine, làm co các mạch máu để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Sự co mạch cũng làm tăng áp lực lên mạch máu, dẫn đến huyết áp tăng cao, là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh đột quỵ.
2.2 Nguyên nhân đột quỵ mùa đông – Tắc nghẽn mạch máu
Hiện tượng các mạch máu ngoại vi co lại cũng đồng thời làm tăng độ nhớt máu. Khi kết hợp với sự gia tăng ản xuất hồng cầu và tiểu cầu khi trời lạnh dẫn đến sự hình thành các cục máu đông, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và gây đột quỵ.
2.3 Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ mùa đông
Béo phì: là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Vào mùa đông, mọi người thường ít vận động hơn, dẫn đến dư thừa cân nặng, làm tăng khả năng béo phì.
Thói quen ăn uống: Thời tiết lạnh thường khiến chúng ta ăn ngon miệng hơn, đồng thời có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn các loại đồ uống có cồn, thực phẩm nhiều năng lượng như đồ chiên rán, cay nóng… Điều này cũng là một yếu tố đưa bạn đến gần hơn với đột quỵ mùa đông.
Nhiễm khuẩn: Mùa đông cũng là thời gian dễ mắc các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, cúm… Xuất hiện viêm nhiễm trong cơ thể cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Bệnh trầm cảm: được chứng minh có liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ ở người bệnh. Thời điểm mùa đông, thiếu ánh nắng, không hoạt động thể chất, không ra ngoài đều có thể góp phần gây bệnh trầm cảm.
3. Người bệnh đột quỵ biểu hiện triệu chứng như thế nào?
Tương tự các dấu hiệu đột quỵ thông thường, bạn có thể dựa trên nguyên tăc F.A.S.T để nhận biết ai đó có đang bị đột quỵ hay không.
F (Face): Một bên gương mặt người bệnh đột quỵ có dấu hiệu bị chảy xệ, sụp mí mắt. Khi cười có thể quan sát rõ 2 bên mặt mất cân đối, bị méo, lệch qua 1 bên.
A (Arms): Người bị đột quỵ thường bị tê liệt một bên tay hoặc một bên cơ thể. Khi yêu cầu nâng thẳng hai tay cùng lúc lên cao hơn đầu, người bị đột quỵ sẽ không thể thực hiện được, hoặc cố thực hiện được nhưng tay nhanh chóng bị rơi xuống thấp.
S (Speech): Nói khó, nói không hoàn chỉnh câu, nói lắp cũng là một trong những dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh cần lưu ý.
T (Time): Yếu tố thời gian đóng vai trò quyết định trong điều trị, hồi phục do đột quỵ. Ngay khi thấy một người có một hoặc nhiều dấu hiệu tương tự với F.A.S.T, cần gọi cấp cứu ngay đề được trợ giúp kịp thời.
4. Phòng ngừa đột quỵ mùa đông
Đột qụy thường xảy ra đột ngột và để lại hậu quả nặng nề. Ngay cả khi đã được điều trị, vẫn có thể để lại di chứng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, đây cũng là bệnh lý hoàn toàn có thể phòng tránh được nhờ thực hiện các lưu ý sau đây:
4.1 Thiết lập chế độ ăn lành mạnh, hạn chế rượu bia
Người có bệnh lý nền như tim mạch, mỡ máu, đái tháo đường… thuộc nhóm nguy cơ cao mắc đột quỵ. Do đó chế độ dinh dưỡng cân bằng đóng vai trò quan trọng giúp đẩy lùi nguy cơ đột quỵ có yếu tố khởi phát liên quan đến các bệnh lý này. Cụ thể:
Tăng cường ăn các loại rau củ, trái cây tươi, các loại hạt tốt cho sức khỏe.
Uống đủ từ 1,5 – 2L nước lọc mỗi ngày, có thể kết hợp bổ sung nước trái cây.
Khi cần bổ sung protein cho cơ thể nên ưu tiên chọn các thực phẩm như thịt trắng, hải sản, trứng, hạn chế ăn nhiều thịt đỏ.
Tránh ăn nhiều đồ ăn chứa muối, dầu mỡ, đường…
Hạn chế sử dụng rượu bia, đặc biệt trước khi ra ngoài trời lạnh tránh cảm giác ấm “ảo” dù thực tế cơ thể đang mất nhiệt.
4.2 Duy trì vận động, tập thể dục đều đặn
Tập thể dục có vai trò tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, giúp cải thiện sức khỏe nói chung và tốt cho tim mạch nói riêng. Bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và ít nhất 3 lần/ tuần để tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Tuy nhiên cần lưu ý tập thể dục mùa lạnh cần tuân thủ nguyên tắc không hoạt động quá sức. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn nơi thông thoáng, khuất gió hoặc kín gió để đảm bảo sức khỏe vào mùa đông.
4.3 Giữ ấm cơ thể
Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu, cổ là rất quan trọng trong thời tiết lạnh, vì nhiễn lạnh là nguyên nhân chính khiến mạch máu co lại, tăng trương lực và bị vỡ. Bạn cần chú ý mặc nhiều lớp áo, đội mũ, đi tất, đeo găng tay khi đi ra ngoài trời, đồng thời tránh những thay đổi đột ngột về nhiệt độ. Các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi cần được người thân lưu ý hơn để đảm bảo thân nhiệt.
4.4 Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, đặc biệt đối với những người có tiền sử đột quỵ. Từ các kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể lên kế hoạch giúp kiểm soát tình trạng bệnh, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Đột quỵ mùa đông là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bạn không nên chủ quan mà luôn cần chú ý theo dõi sức khỏe của bản thân khi nhiệt độ xuống thấp, đồng thời duy trì lối sống lành mạnh và có kể hoạch khám định kỳ đề dự phòng nguy cơ bệnh.