Hiện nay, ung thư cổ tử cung được đánh giá là một trong những căn bệnh nguy hiểm hàng đầu ở phái nữ với tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa từ sớm nhờ tầm soát định kỳ và chủ động tiêm phòng vắc xin. Vậy độ tuổi nào nên bắt đầu tiêm phòng là phù hợp? Cùng theo dõi trong bài viết để nắm rõ hơn về độ tuổi để tiêm phòng ung thư cổ tử cung.
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của vắc xin HPV trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh lý liên quan
Vắc xin HPV là loại vắc xin giúp phòng ngừa sự xâm nhập của virus u nhú ở người HPV xâm nhập vào cơ thể. Khi xâm nhập vào cơ thể, HPV gây nên tình trạng viêm nhiễm, mụn cóc,… và các loại ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng.,…
Nhiễm HPV qua đường sinh dục là rất phổ biến. Trên thực tế, hầu hết những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm HPV tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ. Hầu hết những người bị nhiễm đều không có triệu chứng và khỏe mạnh, vì vậy, họ thường không biết mình bị nhiễm bệnh.
Vậy nên để phòng ngừa các bệnh lý gây ra do các chủng HPV nguy hiểm, tiêm phòng vắc xin HPV là phương pháp hiệu quả nhất. Vắc xin phòng HPV được đánh giá là an toàn và đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ nam và nữ giới tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV.
2. Độ tuổi tiêm phòng ung thư cổ tử cung dành cho từng loại vắc xin
Hiện nay, vắc xin Gardasil và Gardasil 9 là 2 loại vắc xin đang được áp dụng để tiêm phòng các bệnh lý do virus HPV.
2.1. Độ tuổi để tiêm phòng ung thư cổ tử cung với vắc xin Gardasil
Vắc xin Gardasil được bác sĩ khuyến nghị tiêm cho trẻ em gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi. Đây là loại vắc xin có tác dụng phòng ngừa 4 chủng virus HPV nguy hiểm là HPV 6, HPV 11, HPV 16 và HPV 18. Sau khi tiêm, người tiêm có khả năng phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản hay các bệnh lý viêm nhiễm như mụn cóc sinh dục,…
Phác đồ tiêm của vắc xin Gardasil bao gồm 3 liều tiêm trong vòng 6 tháng:
– Mũi tiêm 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi khuyến nghị bên trên.
– Mũi tiêm 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng.
– Mũi tiêm 3: cách mũi 2 ít nhất 4 tháng.
2.2. Độ tuổi để tiêm phòng ung thư cổ tử cung với vắc xin Gardasil 9
Vắc xin Gardasil 9 được bác sĩ khuyến nghị tiêm cho trẻ em và người lớn thuộc cả hai giới từ 9 tuổi đến 26 tuổi. Đây là vắc xin thế hệ mới, giúp bảo vệ cơ thể khỏi 9 chủng virus HPV nguy cơ (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58) gây các bệnh lý nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư âm hộ, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục,… và các bệnh lý do virus HPV gây ra. Hiệu quả phòng bệnh mà Gardasil mang lại lên đến trên 94%. Dưới đây là phác đồ tiêm chủng của vắc xin Gardasil 9:
Phác đồ tiêm dành cho người từ tròn 9 tuổi đến dưới 15 tuổi
Phác đồ 2 mũi:
– Mũi tiêm 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi khuyến nghị bên trên.
– Mũi tiêm 2: cách mũi 1 từ 6 đến 12 tháng.
Lưu ý: Nếu mũi 2 tiêm cách mũi 1 dưới 5 tháng, cần tiêm mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 3 tháng (đảm bảo 3 mũi trong vòng 1 năm)
Phác đồ tiêm dành cho người từ tròn 15 tuổi đến dưới 27 tuổi
Phác đồ 3 mũi:
– Mũi tiêm 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi khuyến nghị bên trên.
– Mũi tiêm 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng
– Mũi tiêm 3: cách mũi 2 ít nhất 4 tháng.
Phác đồ tiêm nhanh:
– Mũi tiêm 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi khuyến nghị bên trên.
– Mũi tiêm 2: cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
– Mũi tiêm 3: cách mũi 2 ít nhất 3 tháng (3 mũi cần hoàn thành trong 1 năm)
3. Những điều cần lưu ý sau khi tiêm vắc xin phòng ngừa HPV
3.1. Những phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin phòng ngừa HPV
Thông thường, sau khi tiêm vắc xin, nhiều người sẽ không gặp bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người tiêm có thể gặp phản ứng phụ nhẹ đến trung bình sau khi tiêm như:
– Phản ứng tại vết tiêm, quầng đỏ, đau hoặc sưng.
– Sốt nhẹ.
– Nổi mề đay.
– Đau đầu.
– Mệt mỏi.
– Đau cơ.
– Đau khớp.
– Buồn nôn và nôn.
– Các rối loạn dạ dày và ruột như đau bụng, tiêu chảy.
– Quá mẫn.
Nếu đang gặp bất kỳ triệu chứng bất thường hoặc nếu triệu chứng có dấu hiệu trở nặng, người tiêm nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
3.2. Lưu ý theo dõi sau khi tiêm vắc xin phòng ngừa HPV
Sau khi tiêm vắc xin phòng ngừa virus HPV, người tiêm và người thân cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo quá trình tiêm chủng được an toàn nhất. Cụ thể, bạn cần chú ý 2 điều sau:
– Theo dõi tình trạng sức khỏe của người tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường như sốc phản vệ, da mẩn đỏ, phát ban ngoài da, buồn nôn, thở nhanh hay ngắt quãng,… hãy báo ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ điều trị kịp thời.
– Sau khi tiêm xong, về nhà cũng cần theo dõi các biểu hiện của cơ thể. Nếu xuất hiện các phản ứng phụ nghiêm trọng kể trên, nên liên hệ ngay với bác sĩ để theo dõi. Nếu các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Trên đây là những thông tin về thời điểm tiêm ngừa ung thư cổ tử cung phù hợp cho từng loại vắc xin. Hy vọng với những thông tin này, mọi người đã hiểu rõ hơn về vắc xin và có cho mình kế hoạch tiêm phù hợp. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, mọi người có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất.