(Dân trí) – Dính phanh lưỡi (còn gọi là ngắn phanh lưỡi), là một dạng dị tật bẩm sinh. Nếu không được phát hiện và xử lý sớm, có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi bú, chậm phát triển ngôn ngữ do cử động của lưỡi bị cản trở.
Menu xem nhanh:
Trẻ không đưa được lưỡi ra ngoài môi, coi chừng dính phanh lưỡi
Bé D.T.X (10 tháng tuổi) được gia đình đưa từ Bắc Ninh đến Thu Cúc TCI khám khi quan sát thấy bé không thể đưa lưỡi ra ngoài môi. Sau thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ xác định bé bị dính phanh lưỡi độ III, cần làm phẫu thuật cắt phanh.
Một trường hợp khác mà Thu Cúc TCI từng tiếp nhận, đó là bé V.M.A (8 tháng tuổi – Hòa Bình), cũng có những dấu hiệu của ngắn phanh lưỡi thông qua những biểu hiện như: khó đưa lưỡi ra ngoài môi, bú sữa bị trào nhiều, khi bú phát ra tiếng “tặc tặc”,… Gia đình đã đưa bé đi khám và cũng được chẩn đoán bị dính phanh lưỡi độ 3.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Văn Luân – khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (BVĐKQT) Thu Cúc TCI, phanh lưỡi là một lớp màng mỏng, nằm dưới lưỡi. Dính phanh lưỡi là tình trạng phanh lưỡi bị ngắn, dày và căng, khiến cho một số hoạt động bình thường của lưỡi bị ảnh hưởng.
“Khi trẻ bị dính phanh lưỡi, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc vận động khi bú hoặc nuốt. Dính phanh lưỡi cũng có thể gây ra các vấn đề như nghiêng răng cửa, tụt lợi, khó phát âm, và nói ngọng với một số âm tiết như: t, d, l, s, z, ch, th, nhất là r”, bác sĩ Luân chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Luân, dị tật này thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái và có thể phát hiện sau khi sinh. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp trẻ không được phát hiện cho tới khi ba mẹ thấy con có những bất thường trong việc bú, phát âm, nên đưa đi khám.
Dính phanh lưỡi hiện được chia thành 4 mức độ dựa trên chiều dài phần lưỡi tự do. Mức độ 1 là mức độ nhẹ nhất, gần như bình thường, phần lưỡi tự do có chiều dài 12-16mm. Độ 2 từ 8-11mm. Độ 3 từ 3-7mm và độ 4 là nặng nhất, chiều dài phần lưỡi tự do dưới 3mm.
Phẫu thuật cắt phanh lưỡi cần tiến hành sớm, tránh ảnh hưởng sau này
Theo bác sĩ Luân, dị tật dính thắng lưỡi được xử lý đơn giản và hiệu quả bằng phương pháp phẫu thuật cắt thắng lưỡi, thường áp dụng cho các bệnh nhi dính thắng lưỡi mức độ 3 – 4. Sở dĩ 2 cấp độ này cần phẫu thuật bởi nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc bú và ăn uống của trẻ. Các phương pháp phẫu thuật có thể áp dụng cho trẻ từ 4 tháng.
Việc điều trị triệt để tật thắng lưỡi rất quan trọng đối với những trẻ lớn hơn, đang ở giai đoạn tập nói. Điều này giúp trẻ phát âm tốt và không bị ngọng.
Đối với phụ huynh, nếu con có các biểu hiện sau đây cần đưa bé đi khám và cắt sớm trước giai đoạn phát triển ngôn ngữ để đạt hiệu quả tốt nhất: dây thắng lưỡi ngắn bất thường, dây thắng lưỡi dính vào đầu lưỡi, hoặc cạnh đầu lưỡi, bị thắng lưỡi, trẻ không thể đưa lưỡi ra khỏi môi hoặc không thể chạm vào răng cửa hàm trên, bé gặp khó khăn khi đưa lưỡi chuyển động sang 2 bên, khi bé thè lưỡi có hình trái tim…
“Như trường hợp của bé T.X và M.A, cả hai bé đã chớm đến mức độ 3 nên cắt thắng lưỡi sớm là giải pháp nên làm. Cắt thắng lưỡi cho bé ở giai đoạn này không những giảm thiểu đau đớn cho phần thắng lưỡi còn mỏng manh, ít mạch máu mà còn giúp bé có thể ăn uống dễ dàng, phát triển thể chất và ngôn ngữ ổn định trong tương lai”, bác sĩ Luân nói.
Hai phương pháp cắt thắng lưỡi được áp dụng hiện nay
Bác sĩ Luân cho hay, Thu Cúc TCI hiện áp dụng 2 phương pháp cắt thắng lưỡi gồm:
Cắt bằng dao laser: dành cho các bé có khả năng phối hợp với bác sĩ theo y lệnh. Trẻ cần gây tê khi thực hiện.
Cắt bằng dao Plasma: phù hợp cho nhiều đối tượng trẻ em, trẻ nhỏ không phối hợp bởi trẻ sẽ được áp mê trong khi thực hiện. Dao Plasma cũng có nhiều ưu điểm đối với trẻ nhỏ như có tính năng cầm máu tốt, trẻ không bị chảy máu, không đau, ăn uống được sau khi phẫu thuật.
Đối với cả 2 phương pháp này, trẻ đều không cần lưu viện mà chỉ theo dõi tại bệnh viện từ 30 phút đến 1 tiếng.
Như với 2 bé T.X và M.A, do các bé mới 8-10 tháng tuổi nên gia đình đã chọn cắt thắng lưỡi bằng dao Plasma. Sau khi thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và nhận kết quả đạt điều kiện, các bé sẽ được đưa vào phòng phẫu thuật vô khuẩn một chiều. Bác sĩ, điều dưỡng Thu Cúc TCI gây mê nội khí quản rồi tiến hành dùng dao Plasma cắt thắng lưỡi. Khi phẫu thuật kết thúc, các bé được đưa về phòng chăm sóc hậu phẫu.
Bác sĩ Luân cho biết, cũng giống như nhiều ca phẫu thuật cắt thắng lưỡi bằng dao Plasma khác, ca phẫu thuật của 2 bé T.X và M.A đã diễn ra suôn sẻ. Thắng lưỡi được cắt sau khoảng 10 phút. Ở bệnh nhân không có hiện tượng chảy máu hay sưng nề. Do liều lượng thuốc mê thấp, bé thoát mê sau khi phẫu thuật kết thúc. Trẻ có thể ăn uống bình thường khi về phòng hậu phẫu. Cả 2 trẻ đều được xuất viện sau 1 giờ theo dõi tại viện.
“Sau khi phẫu thuật xong, con tôi tỉnh táo bình thường. Gia đình thấy bé dễ chịu, ăn uống được, không còn móc tay vào miệng. Bây giờ gia đình đang tích cực để tập vận động lưỡi cho bé, hy vọng việc nói của bé sau này sẽ không gặp vấn đề gì”, mẹ bé D.T.X chia sẻ.
Theo bác sĩ Luân, đa số trẻ bị dính thắng lưỡi sau khi phẫu thuật xong sẽ cải thiện khả năng bú, mút. Trẻ ăn sữa dễ dàng hơn, ăn được nhiều hơn mà không bị mất sức, tăng trưởng của trẻ tốt hơn. Sau này, khi trẻ đến tuổi tập nói, việc phát âm sẽ dễ dàng hơn, hạn chế nguy cơ bị nói ngọng cho trẻ. Vì vậy, khi nhận thấy con mình có những dấu hiệu của dính thắng lưỡi, cha mẹ nên sớm đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị.