Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm xảy ra ở nhiều khớp, gây sưng đau, lâu dần khiến xương bị phá hủy, biến dạng khớp. Nếu chủ quan không thăm khám, điều trị viêm khớp dạng thấp, nguy cơ tàn phế rất cao.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin tổng quan về bệnh viêm khớp dạng thấp
1.1. Tìm hiểu viêm khớp dạng thấp là bệnh gì
Viêm khớp dạng thấp còn có tên gọi là viêm đa khớp dạng thấp (tên tiếng Anh là RA – Rheumatoid Arthritis). Đây là bệnh mạn tính nên phải điều trị lâu dài. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh.
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau và làm xói mòn xương và thậm chí biến dạng khớp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận động, đi lại của người bệnh.
Theo thống kê, cứ 100 người trưởng thành thì có 1-5 người bị viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh phổ biến ở độ tuổi 20-40, phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam đặc biệt là phụ nữ đang mang thai.
1.2. Triệu chứng cảnh báo viêm đa khớp dạng thấp
– Triệu chứng lâm sàng – người bệnh sẽ có một số biểu hiện như:
Đau và sưng khớp đặc biệt ở khớp nhỏ, nhỡ. Cơn đau lai rai cả ngày nhưng nặng hơn về đêm và sáng sớm, ngay cả khi nghỉ ngơi cũng không thuyên giảm.
Xuất hiện tình trạng cứng khớp vào buổi sáng khi mới thức dậy.
Cơ thể mệt mỏi do đau sưng khớp kéo dài. Nhiều trường hợp bị sốt trong quá trình viêm.
– Triệu chứng thực thể tại khớp
Những vị trí khớp bị viêm thường là khớp cổ tay, bàn tay, khớp khuỷu tay, vai, cổ chân, … Tại khớp, vùng bị viêm thường bị sưng đau, nóng ran. Nếu không được điều trị sớm, có thể bị dính khớp, biến dạng khớp thậm chí là tàn phế.
– Triệu chứng ngoài khớp
Không chỉ làm tổn thương và gây sưng đau tại khớp, bệnh viêm đa khớp dạng thấp còn có những biểu hiện ngoài vị trí khớp đang bị viêm như: làn da, đôi mắt, phổi, tim, thận, tuyến nước bọt, tủy xương, mạch máu.
2. Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng những phương pháp gì?
2.1. Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng phương pháp nội khoa
Các loại thuốc có tác dụng giảm đau nhức và cứng khớp bao gồm:
– Thuốc giảm đau chống viêm có thể là aspirin, ibuprofen hoặc naproxen
– Corticosteroid ví dụ thuốc prednisone
– Nhóm thuốc giảm đau gây nghiện
2.2. Phẫu thuật cũng là phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả
Nếu tình trạng bệnh diễn tiến nặng, uống thuốc không cải thiện và đem lại hiệu quả thì phẫu thuật là phương pháp được cân nhắc. Mục đích của phẫu thuật là điều trị bệnh, hồi phục khả năng vận động cho bệnh nhân.
2.3. Điều trị bệnh RA bằng vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu để điều trị viêm khớp dạng thấp bằng cách thực hiện những bài tập và các kỹ thuật trị liệu chuyên biệt với mục đích giảm đau, ngăn chặn bệnh tiến triển nặng và tăng cường chức năng của xương khớp hiệu quả.
Vật lý trị liệu có công dụng ngăn ngừa các biến chứng bao gồm teo cơ, dính khớp, co rút gân và hạn chế tối đa ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở uy tín để thực hiện vật lý trị liệu an toàn, tránh các biến chứng nguy hiểm.
3. Lưu ý các biến chứng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp
Nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh sẽ có thể đối mặt với các biến chứng như:
– Loãng xương: bản thân bệnh viêm đa khớp dạng thấp cùng với một số loại thuốc điều trị làm tăng nguy cơ loãng xương – đây là tình trạng suy yếu xương khiến xương dễ bị gãy dù chỉ va chạm nhẹ.
– Hình thành những khối mô cứng xung quanh các khớp chịu áp lực lớn như khuỷu tay. Nguy hiểm hơn những nốt này còn có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào kể cả phổi.
– Khô mắt, khô miệng: bệnh nhân có khả năng cao mắc hội chứng Sjogren, giảm độ ẩm ở mắt, miệng.
– Nhiễm trùng: bệnh cùng với nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến nguy cơ nhiễm trùng tăng cao.
– Tỷ lệ cơ thể bất thường: tỷ lệ mỡ so với cơ cao hơn ở bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp, ngay cả khi người đó có cân nặng bình thường, không bị béo phì.
– Hội chứng ống cổ tay: tình trạng viêm có thể tác động lên cổ tay, chèn ép dây thần kinh ở bàn tay, ngón tay và gây ra hội chứng ống cổ tay.
– Bệnh tim mạch: bệnh RA đồng thời tăng nguy cơ bị xơ cứng, tắc nghẽn các động mạch và viêm túi bao quanh tim.
– Bệnh phổi: bệnh nhân RA có nguy cơ bị viêm, sẹo mô phổi, lâu dần gây khó thở.
– Ung thư hạch: người bệnh RA đối mặt với nguy cơ cao bị ung thư hạch.
4. Nguyên nhân nào gây ra viêm khớp dạng thấp
4.1. Nhóm nguyên nhân gây ra bệnh RA
Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do hệ thống miễn dịch tấn công màng hoạt dịch thay vì bảo vệ. Kết quả tình trạng viêm làm dày bao hoạt dịch và kéo dài khiến sụn và xương trong khớp bị phá hủy. Các gân và dây chằng giữ khớp cũng yếu dần, căng ra. Theo thời gian, khớp mất đi hình dạng ban đầu và sự liên kết.
Cho đến nay, vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng viêm khớp dạng thấp, mặc dù có nhiều nghiên cứu cho rằng bệnh xảy ra do yếu tố di truyền.
4.2. Nhóm đối tượng dễ mắc bệnh RA
Những người thuộc các nhóm dưới đây có nguy cơ cao mắc bệnh viêm khớp dạng thấp:
– Giới tính: phụ nữ có nguy cơ mắc căn bệnh này cao gấp 2 – 3 lần so với nam. Tuy nhiên nam giới thường bị viêm nặng hơn.
– Tuổi tác: bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường khởi phát ở tuổi trung niên.
– Di truyền: nếu trong gia đình bạn có người bị viêm khớp dạng thấp, nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Hút thuốc lá: Hút thuốc dù chủ động hay thụ động đều khiến bạn dễ mắc bệnh, đặc biệt nếu gia đình có tiểu sử mắc căn bệnh này.
– Tiếp xúc với chất độc hại, sống trong môi trường độc hại: một số chất phơi nhiễm như amiăng hoặc silica được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Thừa cân – béo phì: những người có chỉ số BMI cao, đặc biệt là phụ nữ sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý RA cao hơn.
Viêm đa khớp dạng thấp chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn song kiểm soát triệu chứng, nâng cao chức năng khớp là điều có thể. Ngay khi có triệu chứng, nên đi khám ở chuyên khoa Cơ xương khớp tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng và điều trị phù hợp.