Bệnh thủy đậu thường xảy ra ở trẻ nhỏ, dễ lây lan nhưng khá lành tính. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không tìm hiểu về cách triệu chứng bệnh để có thể phát hiện và sớm điều trị thủy đậu ở trẻ em có thể khiến cho bệnh bị biến chứng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Cho những ai thắc mắc bệnh thủy đậu là gì?
1.1. Nguyên nhân bệnh
Virus herpes zoster là loại virus truyền nhiễm, nguyên nhân chính gây ra bệnh thủy đậu (căn bệnh có tên chính xác là Varicella Zoster VZV). Kích thước của loại virus thuộc dòng họ herpesviruses chỉ từ 150 đến 200 nm. Bên trong virus này có chứa ADN phân tử chuỗi đôi có trọng lượng 80×106 dalton. Con virus này có thể sống thêm vài ngày bên trong những vảy thủy đậu đã được lấy ra khỏi cơ thể người và để bên ngoài không khí. Khi tiếp xúc với các loại sát trùng thì ngay lập tức bị tiêu diệt.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm thông qua đường hô hấp và giọt bắn, xuất hiện khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí chỉ là nói chuyện cũng có thể phát tán virus. Trẻ đã tiêm phòng thì nguy cơ bị nhiễm bệnh sẽ thấp hơn so với những trẻ chưa được tiêm mũi nào. Những trẻ đi học hoặc thường xuyên tiếp xúc nhiều người tại nơi công cộng sẽ có nguy cơ cao nhiễm thủy đậu thông qua việc chạm tay vào những đồ vật chung như đồ chơi, đồ dùng cá nhân,…
Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm vì đề kháng của trẻ còn non yếu, hệ miễn dịch chưa phát triển hết. Thêm vào đó, khi trẻ đi học không có bố mẹ, hầu như không có trẻ nào biết tự bảo vệ mình trước những nguy cơ nhiễm bệnh như khi dùng chung đồ dùng, ăn ngủ chung với các bạn trong lớp,…Đây đều là những nguy cơ tiềm ẩn truyền bệnh cho trẻ.
1.2. Bệnh thủy đậu có thể có những biến chứng gì?
Bệnh thủy đậu tuy được đánh giá là bệnh lý lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách thì khả năng xảy ra biến chứng khá cao, khá nguy hiểm. Những biến chứng có thể xảy đến khi trẻ mắc bệnh thủy đậu đó là:
– Vi khuẩn làm nhiễm trùng da, mô
– Viêm phổi
– Viêm gan
– Viêm não
– Mất điều hòa tiểu não
– Xuất huyết
– Nhiễm trùng máu
– Viêm khớp
Trường hợp phụ nữ đang mang thai bị thủy đậu sẽ có khả năng cao ảnh hưởng đến thai nhi. Mức độ ảnh hưởng của bệnh sẽ tùy thuộc vào thời điểm mang thai, cụ thể là:
– Mẹ bị nhiễm thủy đậu khi đang mang thai trước 20 tuần sẽ khiến cho trẻ sinh ra mắc nhiều dị tật về mắt, thần kinh, các chi teo nhỏ, sẹo bẩm sinh, chậm phát triển,…
– Mẹ nhiễm thủy đậu từ 20 tuần đến 36 tuần thì sau khi sinh em bé có nguy cơ cao mắc bệnh zona từ khi còn nhỏ.
– Mẹ nhiễm thủy đậu trong vòng từ 5 ngày trước khi sinh cho đến 2 ngày sau sinh thì trẻ sơ sinh ngay khi sinh ra cũng đã mắc thủy đậu, gọi là thủy đậu bẩm sinh.
Có những trường hợp bị mắc thủy đậu và đã được chữa khỏi nhưng vẫn có thể mắc một biến chứng khác là bệnh zona thần kinh hay còn gọi là bệnh giời leo. Nguyên nhân là do siêu vi thủy đậu ẩn chứa trong cơ thể người bệnh một thời gian rất dài. Rất lâu sau đó, thậm chí chi trẻ đã trưởng thành, siêu vi này mới phát tác, gây bệnh.
Nếu trẻ chạm vào mụn nước của những người bị bệnh giời leo thì khả năng nhiễm thủy đậu là hoàn toàn có thể, nhất là đối với những trẻ chưa từng mắc hoặc chưa được tiêm phòng bệnh này.
2. Trẻ em mắc thủy đậu thì chữa như thế nào?
Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh thủy đậu thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện, phòng khám nhi khoa để được thăm khám, chẩn đoán chính xác trẻ bị thủy đậu hay không. Nếu xác định trẻ dương tính với thủy đậu thì bác sĩ sẽ xác định tình trạng của bệnh và ra quyết định xem liệu trẻ có cần nhập viện để điều trị không hay chỉ cần tự điều trị tại nhà.
Điều trị bệnh thủy đậu dựa vào nguyên tắc điều trị các triệu chứng của bệnh như: sốt cao thì hạ sốt, bôi thuốc giảm ngứa và ngăn ngừa nhiễm trùng tại các nốt mụn nước,…
2.1. Điều trị thủy đậu ở trẻ em tại nhà dễ hay khó?
Khi đã có chỉ định bé được điều trị tại nhà, cha mẹ cần phải tuân theo những chỉ dẫn cũng như phác đồ thuốc đã được kê. Có thể dùng dung dịch subạc, thuốc tím hoặc xanh methylen để chấm vào các nốt thủy đậu đã bị vỡ.
Bệnh thủy đậu có thể dùng thuốc kháng virus, hạ sốt và thuốc giảm ngứa nếu cần. Tùy vào độ tuổi của trẻ, bác sĩ sẽ kê liều dùng thích hợp. Trong trường hợp có bội nhiễm thì buộc phải dùng kháng sinh.
Quá trình trẻ điều trị bệnh thủy đậu tại nhà, cha mẹ cần chú ý quan sát trẻ để nhận ra những dấu hiệu bất thường. Nếu có, cần đưa trẻ đi khám để được kiểm tra. Đồng thời cha mẹ nên tuân thủ lịch tái khám như bác sĩ đã hẹn.
2.2. Điều trị thủy đậu ở trẻ em tại bệnh viện
Nguyên tắc khi trẻ điều trị tại viện cũng tương tự như khi ở nhà đó là tập trung vào điều trị triệu chứng bệnh.
Nếu trẻ sốt cao, có thể dùng hạ sốt, nếu trẻ ngứa có thể bác sĩ kê một số loại thuốc giảm ngứa. Có dấu hiệu bội nhiễm, trẻ sẽ được kê kháng sinh đường uống hoặc tiêm.
Với những trẻ bị bệnh thủy đậu bẩm sinh (mẹ nhiễm thủy đậu khi đang mang bầu), việc điều trị cho trẻ là rất khó khăn vì những thương tổn đối với trẻ đã xảy ra từ khi còn trong bụng mẹ.
Khi trẻ ra đời, những thương tổn này gần như là đã xảy ra vĩnh viễn, rất khó để chữa lành cho trẻ. Chính vì vậy, bà mẹ trước khi mang thai cần chú trọng yếu tố phòng bệnh bằng cách tiêm phòng thủy đậu và tránh xa những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh.
2.3. Cách ngăn ngừa trẻ bị nhiễm bệnh thủy đậu
Muốn ngăn ngừa tối đa bệnh thủy đậu lây nhiễm sang trẻ, cha mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ tiếp xúc với những người đang mắc bệnh. Luôn tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, dùng riêng các đồ dùng cá nhân, rửa tay ngay sau khi đi vệ sinh xong. Đồng thời, cha mẹ cũng cần chú giữ vệ sinh nhà cửa, phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ để không khí lưu thông, tiêu diệt các loại vi khuẩn virus.
Thường xuyên cho trẻ vận động, tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, giúp đánh bại mọi bệnh truyền nhiễm.
Bệnh thủy đậu đã có vắc xin để phòng bệnh nên cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm đúng lịch, đầy đủ các mũi tiêm. Cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần tiêm phòng chống bệnh thủy đậu, nhằm bảo vệ cộng đồng không có dịch thủy đậu lây lan.
Trên đây là những thông tin cũng như cách điều trị căn bệnh thủy đậu ở đối tượng là trẻ nhỏ. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho nhiều bậc phụ huynh.