Suy thận cấp tính xảy ra khi chức năng thận (chủ yếu là chức năng lọc cầu thận) bị sụt giảm nhanh chóng, xảy ra đột ngột ở bệnh nhân chưa từng bị suy thận hoặc trước đó đã từng bị nhưng chữa khỏi được. Điều trị suy thận cấp tính càng sớm thì cơ hội điều trị thành công càng cao.
Điều trị suy thận cấp tính
Có thể nhận biết dấu hiệu của suy thận cấp tính qua số lượng nước tiểu thải ra trong ngày. Bệnh nhân không có nước tiểu hoặc nước tiểu đi được dưới 100ml trong vòng 24 giờ là dấu hiệu cho biết bị suy thận cấp tính. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các dấu hiệu khác như phù, sưng mặt, sưng mi mắt do ứ nước trong cơ thể. Khi penhát hiện thấy các triệu chứng nêu trên, cần nhanh chóng tới bệnh viện để được kiểm tra và điều trị suy thận cấp tính kịp thời. Thời gian nằm viện tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy thận cấp tính và khả năng hồi phục của người bệnh.
Điều trị suy thận cấp tính bao gồm:
– Điều trị nguyên nhân cơ bản dẫn tới suy thận cấp tính: điều trị suy thận cấp tính liên quan tới xác định các loại bệnh tật hoặc chấn thương gây thiệt hại cho thận. Việc lựa chọn các phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn tới suy thận.
– Điều trị biến chứng cho tới khi thận phục hồi: người bệnh cũng sẽ được điều trị để ngăn ngừa biến chứng và giúp thận phục hồi. Phương pháp điều trị giúp ngăn ngừa các biến chứng bao gồm:
+ Cân bằng lượng chất lỏng trong máu: nếu suy thận cấp tính là do thiếu chất lỏng trong máu, bác sĩ có thể sẽ chỉ định tiêm tĩnh mạch để bổ sung chất lỏng. Ngược lại suy thận cấp tính có thể dẫn tới tình trạng dư thừa chất lỏng, gây sưng ở tay và chân của người bệnh. Trong những trường hợp này, người bệnh có thể sẽ phải sử dụng thuốc lợi tiểu để loại bỏ bớt chất lỏng ra khỏi cơ thể.
+Sử dụng thuốc để kiểm soát kali trong máu: nếu thận không thể lọc kali trong máu như bình thường, bác sĩ có thể kê đơn thuốc calcium, glucose hoặc sodium polystyrene sulfonate (Kayexalate, Kionex) để ngăn chặn tình trạng nồng độ kali tích tụ trong máu quá cao. Tình trạng này có thể gây rối loạn nhịp tim bất thường và yếu cơ.
+ Sử dụng thuốc để khôi phục lại nồng độ canxi trong máu: nếu nồng độ canxi trong máu quá thấp, người bệnh có thể được truyền canxi.
+ Lọc máu để loại bỏ chất độc: người bệnh có thể sẽ phải chạy thận nhân tạo tạm thời (hay còng gọi là lọc máu) để giúp loại bỏ các chất độc và chất dư thừa tra khỏi cơ thể. Lọc máu cũng có thể loại bỏ kali dư thừa ra khỏi cơ thể.
Trong quá trình phục hồi sau điều trị suy thận cấp tính, người bệnh cần duy trì một chế độ ăn uống đặc biệt để hỗ trợ thận và hạn chế áp lực cho thận. Cụ thể người bệnh nên:
– Chọn các loại thực phẩm có lượng kali thấp: các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người bị suy thận cấp nên ăn các loại thực phẩm có lượng kali thấp như táo, bắp cải, đậu xanh, nho và dâu tây. Hạn chế các loại thực phẩm giàu kali như chuối, cam, khoai tây, rau bina và cà chua.
– Hạn chế lượng muối tiêu thụ hàng ngày: giảm tiêu thụ các loại đồ ăn nhanh, chế biến sẵn có chứa nhiều muối.
– Hạn chế phốt pho: phốt pho là khoáng chất được tìm thấy trong các loại thực phẩm, chẳng hạn như sữa, pho mát, đậu khô, đậu phộng và bơ đậu phộng. Quá nhiều phốt pho trong máu có thể làm yếu xương và gây ngứa da.
Suy thận cấp tính có thể gây tử vong và đòi hỏi phải điều trị tích cực. Do đó không nên chủ quan khi phát hiện thấy các triệu chứng nghi ngờ suy thận cấp tính, cần nhanh chóng nhập viện để kiểm tra và điều trị ngay.