Dị vật ở đường thở có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị đúng cách và can thiệp kịp thời. Thế nhưng, rất nhiều người chưa hiểu hết vấn đề này, không chủ động đề phòng đúng cách, không biết cách xử trí phù hợp trước tình trạng dị vật đường thở. Cùng TCI hiểu hơn về tình trạng dị vật ở đường thở qua bài viết dưới đây và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.
Menu xem nhanh:
1. Dị vật đường thở và những tai nạn không ngờ
1.1. Dị vật ở đường thở
Dị vật đường thở là một trong những tình huống cấp cứu tai mũi họng do sự xuất hiện của vật chất lạ trên đường thở, từ thanh quản đến phế quản phân thùy. Tai nạn này khá dễ gặp ở đối tượng trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả mọi lứa tuổi và mọi điều kiện đều có thể dẫn đến tình huống tai nạn này.
1.2. Những nguyên nhân dẫn đến dị vật ở đường thở
Đường thở của chúng ta đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự hỗ trợ cho hệ hô hấp và cung cấp oxy cho cơ thể. Tuy nhiên, có những nguyên nhân không ngờ có thể dẫn đến tình trạng dị vật đường thở, gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Dưới đây là một số nguyên nhân bạn có thể không ngờ tới:
– Khóc hoặc cười đùa khi đang ăn uống.
– Thói quen ngậm đồ và vô tình nuốt phải.
– Nhai không kỹ khiến đồ ăn rơi vướng khu vực đường thở.
– Uống nước suối và bị một số loài vật chui, sống ký sinh ở đường thở.
– Rối loạn phản xạ họng, thanh quản do mới gây mê, hoặc do bệnh lý tâm thần dẫn đến nuốt dị vật mà không ý thức.
Có thể nói, tất cả các vật chúng ta cho vào miệng đều có thể trở thành dị vật đường thở. Chính vì thế, ngay cả với đồ ăn thông thường hằng ngày, cũng cần hết sức chú ý để tránh tình trạng dị vật rơi xuống đường thở và gây những vấn đề sức khỏe.
1.3. Cảnh báo biến chứng
Dị vật đường thở có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý sớm như: phù nề thanh quản, sẹo hẹp thanh quản, viêm phế quản, áp xe phổi, viêm phổi, xẹp phổi,…
Bên cạnh đó, trong trường hợp nguy kịch, dị vật có thể bít lấp đường thở và dẫn đến tử vong nhanh chóng. Chính vì thế, cần xử trí đúng cách, kịp thời với tình trạng dị vật đường thở.
2. Phát hiện dị vật đường thở, điều trị và ngăn ngừa đúng cách
2.1. Cách phát hiện
– Khó khăn trong việc thở: Khó thở là triệu chứng đầu thường thấy với người bị dị vật đường thở. Nếu dị vật to có thể gây khó thở mức độ nặng, thậm chí là ngạt thở. Với dị vật nhỏ, sự khó thở thường nhẹ hơn, hoặc không gây khó thở.
– Sốt: Sau khi có nhiễm khuẩn do dị vật, người bệnh có thể sốt sau một vài ngày.
– Khò khè, ho khan: Người bệnh có thể có triệu chứng khò khè do cơ thể cố gắng loại bỏ dị vật.
– Đau ngực hoặc cảm giác nặng ngực: Dị vật gây tắc nghẽn đường thở có thể làm tăng áp lực trong ngực, dẫn đến cảm giác đau ngực hoặc nặng ngực.
– Cảm giác khó chịu trong cổ họng: Người bị dị vật đường thở có thể cảm thấy khó chịu hoặc cảm giác có vật gì đó ở trong họng. Đây cùng là nguyên nhân khiến việc ăn uống của họ gặp khó khăn hơn
– Vấn đề về hô hấp: Người bị dị vật đường thở có thể bất ngờ gặp vấn đề về hô hấp hoặc cảm thấy khó thở đột ngột, thậm chí là tắc thở.
2.2. Xử trí kịp thời khi gặp dị vật ở đường thở
Xử trí trước dị vật đường thở mang tính khẩn cấp và cần được thực hiện ngay để ngăn chặn những tình huống nguy hiểm. Dưới đây là những hướng dẫn về cách xử lý khi có dị vật ở đường thở:
– Gọi cấp cứu để được ứng phó kịp thời, khẩn cấp cho tình huống nguy hiểm của người bị dị vật đường thở.
– Nghiệm pháp Heimlich sơ cứu cho người lớn: Người sơ cứu đứng phía sau người bị dị vật và vòng tay qua bụng. Trong khi đó, một tay nắm thành nắm đấm, một tay nắm tay còn lại. Dùng lực đẩy từ nắm tay, tác động lên vị trí thượng vị của người bệnh theo hướng đẩy lên trên và sâu vào trong..
– Nghiệm pháp Heimlich sơ cứu trẻ em: Nếu trẻ đủ lớn để đứng, đứng phía sau và thực hiện thao tác đẩy bụng giống như cho người lớn.
– Nghiệm pháp Heimlich sơ cứu cho thai phụ: Với phụ nữ mang thai, hãy thực hiện cách đẩy bụng giống như cho người lớn, nhưng hãy đặt lòng bàn tay dưới xương sườn để tránh chấn thương tử cung.
– Kiểm tra đường thở: Sau mỗi lần đẩy bụng, cần chú ý kiểm tra xem dị vật có được loại bỏ chưa. Nếu dị vật vẫn còn, tiếp tục lặp lại cú đẩy bụng cho đến khi dị vật được loại bỏ hoặc đến khi đội cứu thương đến.
Cần lưu ý rằng, trong mọi trường hợp, việc hỗ trợ y tế là quan trọng để đảm bảo an toàn cho người bị dị vật đường thở. Đối với người đang chứng kiến tình huống tai nạn này, cần giữ bình tĩnh, nhanh chóng gọi điện thoại cấp cứu.
2.3. Điều trị dị vật đường thở
Bác sĩ tiếp xúc với người bị dị vật đường thở sẽ xem xét, chẩn đoán vị trí dị vật cũng như tiến hành các điều trị cần thiết:
– Với tình trạng khó thở thanh quản độ II trở nên, cần mở khí quản cấp cứu. Trong tình trạng dị vật phế quản gây suy hô hấp, cần thực hiện cho người bệnh thở oxy qua mặt nạ thở, có thể dùng bóng hỗ trợ nếu người bệnh có rối loạn nhịp thở.
– Soi gắp dị vật, đồng thời tiến hành soi hút mủ viêm, rửa phế quản, bơm kháng sinh, giảm viêm,.. do tình trạng dị vật gây nhiễm trùng.
Nhiều trường hợp nghiêm trọng có thể cần tiến hành mở đường mổ trực tiếp để điều trị dị vật đường thở.
Dị vật ở đường thở là tai nạn có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chúng ta. Do đó, cần hết sức cẩn trọng, phòng bệnh và có cách xử trí phù hợp khi gặp tai nạn này, Để ngăn chặn tình trạng dị vật đường thở, việc cẩn trọng trong sinh hoạt, ăn uống, theo dõi trẻ em trong nhà là quan trọng. Đồng thời, nếu có bất kỳ triệu chứng nào như khó khăn trong việc thở, hoặc đau ngực, cần mau chóng đến các cơ sở tai mũi họng uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.