Sau viêm khớp dạng thấp, đau thần kinh tọa là bệnh lý cơ xương khớp nguy hiểm thứ hai. Nếu không có kiến thức đúng và đủ về bệnh lý này thì sức khỏe có thể bị đe dọa vô cùng nghiêm trọng. Do đó hãy bỏ túi cho mình những thông tin cơ bản sau để có thể phòng ngừa được căn bệnh này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân và triệu chứng của đau thần kinh tọa
1.1. Nguyên nhân đau thần kinh tọa
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên đau dây thần kinh tọa, bao gồm:
– Độ tuổi: tuổi càng cao thì càng dễ gặp phải tình trạng thoát vị đĩa đệm hoặc gai cột sống. Đây là 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự đau nhức dây thần kinh tọa.
– Béo phì. Nếu trọng lượng cơ thể vượt mức bình thường sẽ càng tạo sự áp lực đè nặng lên cột sống. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa.
– Đặc thù nghề nghiệp như xoay lưng nhiều, mang vác vật nặng trên vai, lái xe đường dài,… Các hoạt động này diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới dây thần kinh tọa ít nhiều.
– Những người ngồi lâu, ít vận động cũng rất hay gặp tình trạng đau dây thần kinh tọa.
– Người mắc bệnh đái tháo đường.
– Các chấn thương từ vùng lưng trở xuống không được điều trị khỏi hẳn.
1.2. Triệu chứng phổ biến của đau thần kinh tọa
Người đau thần kinh tọa sẽ nhận thấy cơn đau xuất hiện ở vùng dưới thắt lưng rồi lan xuống mông và đi dọc xuống mặt sau chân. Người bệnh có thể cảm thấy nhức và khó chịu ở bất kỳ vị trí nào mà dây thần kinh tọa đi qua. Cơn đau nhức này chủ yếu xảy ra ở một bên cơ thể. Tuy nhiên vẫn có trường hợp cơn đau xuất hiện ở cả hai bên chân, tùy thuộc vào vị trí dây thần kinh bị chèn ép trong cột sống.
Ngoài ra, người bệnh sẽ gặp phải các biểu hiện khác kèm theo như:
– Tê và ngứa ran vùng chân. Triệu chứng này xuất hiện là do máu huyết không được lưu thông vì tắc nghẽn dây thần kinh.
– Cơn đau trở nên nặng hơn khi đi lại, vận động. Đặc biệt nếu ngồi hoặc đứng trong thời gian dài thì cũng có cảm giác đau rõ rệt.
– Đôi khi không thể cử động được bàn chân.
– Mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang.
2. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
Với trường hợp nhẹ, cơn đau có thể tự hết sau một khoảng thời gian. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau 1 tuần, mức độ đau tăng lên thì cần tới ngay bệnh viện để kiểm tra. Đặc biệt không nên chần chừ trong việc thăm khám khi gặp phải một trong những trường hợp sau:
– Cơn đau xảy ra đột ngột, với mức độ dữ dội ở lưng hoặc chân, gây tê và yếu cơ ở chân.
– Bị đau sau khi gặp chấn thương, ví dụ như tai nạn giao thông.
– Gặp khó khăn trong việc kiểm soát ruột hay bàng quang.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra sức mạnh và khả năng phản xạ của cơ bắp. Điển hình như thực hiện một vài động tác như: đi nhón chân, đứng dậy từ từ khi đang ngồi xổm, nằm ngửa rồi nhấc 2 chân lên cùng lúc.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:
– Chụp X-quang: giúp phát hiện sự phát triển của các gai xương ở cột sống đang gây ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa.
– Chụp MRI: với việc cho ra hình ảnh chi tiết của xương và các mô mềm, bác sĩ sẽ xác định được tình trạng thoát vị đĩa đệm đang xảy ra ở đâu.
– Chụp CT.
3. Điều trị bệnh bằng các cách nào thì hiệu quả?
Điều trị bệnh đau thần kinh tọa bằng 3 cách sau:
– Sử dụng thuốc nhằm giảm đau: thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ,…
– Tập vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng và ngăn ngừa tổn thương tái phát. Cách này áp dụng sau khi cơn đau cấp tính được cải thiện.
– Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh ở mức độ nặng, việc dùng thuốc không có hiệu quả.
Ngoài ra, người bệnh kết hợp thêm các biện pháp tự chăm sóc tại nhà như:
– Chườm mát
– Chườm nóng
– Thực hiện bài tập giãn cơ thắt lưng
4. Các cách phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa bệnh đau dây thần kinh tọa hiệu quả chỉ với các cách sau:
– Chú ý về tư thế khi ngồi làm việc hoặc đứng. Giữ cho tư thế luôn thẳng, không bị cong vẹo. Bởi nếu sai tư thế trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các đốt sống, đặc biệt là dây thần kinh
– Không làm việc quá sức, không cố gắng bê vác các vật nặng. Bởi sẽ gây áp lực lên cột sống, các đốt sống, làm cho bệnh dễ dàng bộc phát hơn.
– Điều trị các căn bệnh triệt để như: thoái hóa cột sống, gai cột sống… Điều này giúp tránh các biến chứng chèn ép gây đau thần kinh tọa.
– Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, tránh rơi vào tình trạng stress kéo dài,…
– Tăng cường tập luyện thể dục thể thao với các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với sức của mình.
Trên đây là những thông tin thiết yếu về căn bệnh đau thần kinh tọa thường gặp hiện nay. Hy vọng bạn đã có thêm một cái nhìn tổng quan về căn bệnh nguy hiểm này. Đồng thời chủ động quan tâm tới sức khỏe cơ xương khớp để có thể phát hiện sớm, điều trị kịp thời và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh.