Yoga chữa đau dây thần kinh tọa và một số lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Đau dây thần kinh tọa gây đau nhức khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, sinh hoạt của người bệnh. Bệnh có thể cải thiện bằng nhiều cách trong đó yoga chữa đau dây thần kinh tọa là phương pháp được nhiều người lựa chọn.

1. Biểu hiện khi đau dây thần kinh tọa

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất cơ thể, xuất phát từ thắt lưng kéo dài tới tận đốt ngón chân. Đau dây thần kinh tọa không phân biệt độ tuổi, giới tính song bệnh phổ biến ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hoá vì ngồi sai tư thế khi học, làm việc lâu ngày hoặc lao động nặng kéo dài.

Đau dây thần kinh tọa có một số triệu chứng đặc trưng như:

– Đau thắt lưng khi đứng hoặc ngồi lâu ở một tư thế

– Đau, tê buốt phần mông khi ngồi lâu

– Đau kéo dài từ thắt lưng qua đùi xuống tới đầu gối, cẳng chân hoặc đến mắt cá

Để cải thiện chứng đau dây thần kinh tọa, điều trị nội khoa là phương pháp được áp dụng phổ biến, đem lại hiệu quả nhanh, an toàn. Bên cạnh sử dụng thuốc, yoga chữa đau dây thần kinh tọa được chứng minh cải thiện cơn đau nếu tập đúng cách, kiên trì.

Yoga chữa đau dây thần kinh tọa, cải thiện triệu chứng bệnh

Đau thần kinh tọa thường biểu hiện bằng cơn đau từ vùng thắt lưng kéo dài xuống mặt sau đùi, cẳng chân, ngón chân

2. Tìm hiểu tác dụng của bài tập yoga chữa đau dây thần kinh tọa

Điều trị đau thần kinh tọa cần thời gian tương đối lâu để hồi phục do các nhóm dây thần kinh bị tổn thương. Trong quá trình điều trị, việc vận động đều đặn, tập thể dục là biện pháp giúp hạn chế cơn đau, tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể. Yoga là môn thể dục phù hợp trong cải thiện bệnh lý xương khớp trong đó có bệnh đau dây thần kinh tọa.

Các động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển giúp giãn cơ, giải phóng sức ép lên các dây thần kinh từ đó giúp máu tuần hoàn đều, lưu thông khí huyết.

Bài tập yoga chữa đau thần kinh tọa giúp cột sống dẻo dai, hạn chế được các chấn thương trong quá trình sinh hoạt, vận động hàng ngày. Khi tập, phần lưng dưới cũng được giảm áp lực nên thúc đẩy quá trình phục hồi dây thần kinh vùng này nhanh hơn.

Chuyên gia gợi ý một số động tác yoga phù hợp với người bị đau dây thần kinh tọa như sau:

2.1. Yoga chữa đau dây thần kinh tọa – Tư thế lạc đà

Các bước thực hiện như sau:

– Quỳ gối trên thảm, đặt hai tay trên hông.

– Mu bàn chân áp sát mặt thảm, từ từ kéo căng cột sống.

– Uốn cong lưng về phía sau và hai tay ôm lấy gót chân.

– Duỗi thẳng cổ và đồng thời uốn cong đầu về phía sau.

– Đầu luôn hướng lên trên, giữ thẳng và không được nghiêng sang hai bên.

– Giữ nguyên tư thế này trong vài giây sau đó trở về trạng thái ban đầu.

Yoga chữa đau dây thần kinh tọa bằng tư thế lạc đà

Tư thế lạc đà giúp tăng độ dẻo dai, chắc khỏe cho lưng và chân nên phù hợp với bệnh lý này

2.2. Yoga chữa đau dây thần kinh tọa – Tư thế rắn hổ mang

Các bước thực hiện:

– Nằm sấp trên thảm với hai lòng bàn tay úp xuống và đặt ngay dưới vai.

– Giữ thẳng mu bàn chân và cho đầu ngón chân chạm vào thảm.

– Giữ hông và đùi sát thảm đồng thời đẩy dần phần thân trên lên khỏi thảm.

– Khi phần lưng được kéo căng, giữ tay trong khoảng 15-20s rồi thả lỏng.

2.3. Tư thế cào cào

– Nằm sấp và cho trán chạm vào thảm.

– Cánh tay duỗi thẳng và duỗi dọc theo cơ thể.

– Hít thở sâu, nâng đều phần đầu, ngực, hai tay và chân lên cao.

– Trong lúc đó, bạn phải giữ bụng áp sát thảm và lưng căng lên.

– Giữ như vậy trong 10 giây rồi từ từ hạ đầu, tay, chân xuống và thư giãn.

2.4. Tư thế chim bồ câu

– Ngồi trên thảm, chân bên phải gấp lại với lòng bàn chân hướng vào trong và chân trái đưa ra sau đồng thời duỗi thẳng.

– Đặt hai tay hai bên cơ thể, lòng bàn tay úp xuống và để các bàn tay quay ra bên ngoài.

– Đặt hai tay hai bên, lòng bàn tay úp xuống và ngón tay quay ra ngoài.

– Từ từ đưa tay phải ôm lấy hông trái, cẳng chân trái nâng lên cao đồng thời đưa tay trái ra sau nắm lấy ngón cái ở chân trái.

– Hít thở đều, giữ cho đầu và ngực luôn trong trạng thái vươn về phía trước.

– Sau khoảng 15 giây, đổi bên và thực hiện tương tự.

3. Một số lưu ý khi thực hiện tập yoga chữa đau thần kinh tọa

Người bệnh cần nhớ rằng yoga chỉ là phương pháp tập luyện hỗ trợ, cải thiện triệu chứng bệnh chứ không phải là phương pháp điều trị hay chữa lành bệnh. Vì vậy, bên cạnh tập yoga, người bị đau thần kinh tọa nên thăm khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Chính vì yoga chỉ là một phần nhỏ trong quá trình điều trị đau thần kinh tọa, nên người bệnh cần ghi nhớ 2 điều quan trọng như sau:

– Thứ nhất, tuân thủ chỉ định của bác sĩ dựa trên mức độ đau cụ thể, bao gồm: điều trị bảo tồn (uống, tiêm thuốc, vật lý trị liệu) hoặc phẫu thuật. Trước khi tập yoga, nên tham khảo ý kiến nên tập động tác nào và lưu ý trong lúc tập.

– Thứ 2, bên cạnh tập luyện, người bệnh cần xây dựng lối sống khoa học từ việc ngủ đủ giấc, ăn uống và cân bằng dinh dưỡng, khoáng chất. Tất cả những điều này sẽ góp phần cải thiện tinh thần, tác động tích cực đến cấu trúc và chức năng xương khớp.

Yoga chữa đau dây thần kinh tọa chỉ là phương pháp hỗ trợ, người bệnh cần thăm khám để được điều trị phù hợp

Người bệnh nên thăm khám để được chẩn đoán chính xác và tư vấn điều trị phù hợp, an toàn, tránh biến chứng nghiêm trọng xảy ra

4. Những điều không nên làm khi tập yoga chữa đau thần kinh tọa

4.1. Không tự ý luyện tập yoga tại nhà

Nếu bạn thực hành sai cách có thể khiến tình trạng bệnh trở nặng. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia yoga để bắt đầu tập với những động tác an toàn, không ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa.

4.2. Không ép bản thân tập nặng, quá sức chịu đựng

Trong lúc tập, nếu thấy đau xuất hiện với hiện tượng ngứa ran, tê cứng dọc thắt lưng đến chân thì hãy dừng tập ngay lập tức.

4.3. Không tập yoga khi chưa khởi động

Tập yoga khi chưa thực hiện làm nóng cơ thể bằng các động tác giãn cơ có thể gây chấn thương nguy hiểm. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn, đừng quên khởi động thật kỹ trước khi tập các tư thế yoga.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital