Menu xem nhanh:
Triệu chứng của đau quai hàm
Những biểu hiện của đau quai hàm có thể xảy ra đột ngột, bắt đầu với mức độ đau nhẹ và ngày càng trở nên dữ dội theo thời gian, cụ thể:
– Ban đầu người bệnh có cảm giác mỏi, không thoải mái ở các cơ vận động hàm.
– Sau đó là cảm giác đau, đau khi nhai thức ăn, thậm chí đau cả khi không nhai, mới đầu đau ở các cơ quanh hàm tiếp đến là đau cả khớp thái dương hàm và toàn đầu.
– Đau thường đi kèm với không há miệng to được và nghe thấy tiếng lục cục ở khớp thái dương hàm khi há miệng, có những trường hợp nghiêm trọng hơn còn có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan lân cận gây nên ù tai, chóng mặt, lung lay răng…
Nguyên nhân gây đau quai hàm
Thông thường đau quai hàm do một số nguyên nhân sau:
– Do nghiến răng nhiều: Nhiều người thường hay nghiến răng khi cảm thấy lo lắng, căng thẳng, có những người nghiến răng trong khi ngủ mà không hề nhận thức được. Việc nghiến răng quá nhiều có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho răng và là một trong những nguyên nhân gây đau quai hàm.
– Do viêm tủy xương: Khi có những triệu chứng như đau quai hàm, sốt, sưng mặt… rất có thể là bạn bị viêm tủy xương. Đây là bệnh nhiễm trùng theo dòng máu của cơ thể gây ra ảnh hưởng về xương và các mô xung quanh.
– Do rối loạn thái dương hàm: Rối loạn thái dương hàm là một hội chứng chỉ các rối loạn xảy ra ở khớp thái dương hàm, cơ hàm và sự ăn khớp giữa các răng. Bệnh gây ra những triệu chứng như đau xương quai hàm, đau khớp thái dương hàm, thậm chí có thể khiến người bệnh không há miệng ra được hoặc mỗi khi há miệng sẽ phát ra tiếng kêu lục cục ở khớp thái dương…
– Các bệnh về răng miệng như sâu răng, áp xe răng, các vấn đề về lợi (nướu), thiếu răng, hư hỏng răng ảnh hưởng đến xương quai hàm và gây ra tình trạng đau quai hàm mỗi khi cắn hoặc nhai.
Biện pháp điều trị đau quai hàm
– Đi khám nha khoa khi có những triệu chứng của đau quai hàm để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau và có biện pháp điều trị phù hợp.
– Nếu bạn bị đau quai hàm do nghiến răng nhiều thì cần có biện pháp hạn chế việc nghiến răng hoặc đeo dụng cụ bảo vệ hàm vào ban đêm để ngăn chặn tình trạng nghiến răng.
– Nếu đau quai hàm do viêm tủy xương có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật để loại bỏ các khu vực mà xương đã hoại tử vì nhiễm trùng.
– Để giảm nguy cơ mắc các vấn đề lợi (nướu), sâu răng, áp xe răng,… thì việc chăm sóc răng miệng tốt ở nhà và khám nha khoa định kỳ là cách tốt nhất.
– Ngoài ra để hạn chế những nguy cơ đau quai hàm thì cần hạn chế việc lạm dụng cơ quai hàm bằng việc ăn những thức ăn mềm hoặc cắt lát ra thành từng miếng nhỏ để dễ nhai hơn, đồng thời không nên ăn nhiều thực phẩm dính và dai như kẹo cao su, kẹo mạch nha. Căng và mát xa quai hàm thường xuyên để phòng ngừa những đau quai hàm. Có thể giảm nhanh triệu chứng đau bằng cách chườm nóng hoặc đá lên khu vực bị đau.