Đau nửa đầu là bệnh lý thường gây ra nhiều khó chịu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Do đó, họ thường tìm đến các loại thuốc trị đau nửa đầu với mong muốn chấm dứt cơn đau một cách nhanh chóng. Vậy đau nửa đầu dùng thuốc gì? Khi dùng thuốc cần lưu ý những vấn đề nào?
Menu xem nhanh:
1. Đau nửa đầu dùng thuốc gì để giảm đau, phòng ngừa tái phát?
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị dứt điểm tình trạng đau nửa đầu mà chỉ có các loại thuốc giúp giảm cơn đau và phòng ngừa cơn đau tái phát:
1.1. Để giảm đau, người bệnh bị đau nửa đầu dùng thuốc gì?
Đối với những cơn đau nửa đầu xảy ra thưa, cường độ đau ở mức độ nhẹ hoặc vừa phải, thời gian mỗi cơn ngắn thì bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường không steroid như diclofenac, aspirin, indomethacin,… Nếu người bệnh bị đau dạ dày thì sẽ dùng paracetamol.
Trong trường hợp người bệnh thường xuyên bị những cơn đau nửa đầu ở thể nặng thì có thể dùng một số loại thuốc như:
– Ergotamin
Là một loại alcaloid được chiết xuất từ nấm cựa gà – một loại nấm thường ký sinh trên các loại ngũ cốc, nhất là lúa mạch đen. Ergotamin chỉ được dùng khi các cơn đau nửa đầu không đáp ứng với những loại thuốc giảm đau thông thường và sử dụng ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn đau.
Loại thuốc này có tác dụng chống mất trương lực động mạch, gây co mạch. Do đó, nó phù hợp với cơ chế sinh đau của bệnh lý đau nửa đầu. Tuy nhiên, Ergotamin không được dùng quá 7 ngày, phải nghỉ vài ngày sau đó mới được dùng tiếp. Trong trường hợp người bệnh không uống được thuốc thì có thể dùng thuốc dạng viên đạn để đặt ở trực tràng.
Ngoài ra, Ergotamin không được dùng với những người suy gan thận nặng, người bị bệnh tim, suy tuần hoàn ngoại vi, xơ vữa động mạch và phụ nữ có thai.
– Naproxen
Đây là loại thuốc chống viêm giảm đau không steroid dẫn xuất của axit propionic có vai trò giúp ức chế quá trình tổng hợp các prostaglandin, từ đó làm hạ nhiệt giảm đau. Thuốc này có tác dụng cắt giảm cơn đau nửa đầu một cách hiệu quả. Tuy nhiên, Naproxen không được dùng cho những người bệnh bị hen suyễn, loét dạ dày, trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai hay cho con bú.
1.2. Để phòng ngừa cơn đau tái phát, người bệnh bị đau nửa đầu dùng thuốc gì?
Các loại thuốc này thường được áp dụng với những người bị bệnh đau nửa đầu ở thể nặng, tần suất xuất hiện các cơn đau dày. Chúng tác động trực tiếp đến các yếu tố tạo cơn đau, giúp ngăn ngừa cơn đau nửa đầu tái phát. Một số loại thuốc phòng ngừa cơn đau tái phát bao gồm:
– Dihydroergotamine
Đây là loại thuốc thường xuyên được sử dụng để ngăn ngừa cơn đau nửa đầu tái phát. Dihydroergotamine có tác dụng kháng serotonin và duy trì thế cân bằng vận mạch ở não. Cụ thể, loại thuốc này sẽ giúp ổn định tính tăng phản ứng ở các mạch máu, đặc biệt là ở hệ thống động mạch cảnh ngoài và kích thích chủ vận một phần những thụ thể alpha-adrenergic, nhất là hệ thống tĩnh mạch. Ngoài ra, người suy gan thận nặng và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú… không được dùng.
– Flunarizine
Giúp ngăn chặn sự tích tụ các ion canxi ở tế bào thần kinh, chống chóng mặt và có vai trò phòng bệnh đau nửa đầu.
– Pizotifen
Có tác dụng chống lại sự tăng cường của các chất trung gian hóa học serotonin và giúp điều trị cơ bản chứng nhức đầu vận mạch, đau nửa đầu hay sau chấn thương. Theo khuyến cáo của Bộ y tế thì Pizotifen không được dùng với nam giới phì đại tuyến tiền liệt, phụ nữ có thai hay người bệnh bị tăng nhãn áp (glaucoma).
Ngoài ra, tùy theo thể trạng và tình hình bệnh đau nửa đầu ở người bệnh mà bác sĩ có thể đề nghị sử dụng một số loại thuốc khác như:
– Amitriptylin: Đây là một loại thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng.
– Propranolol, atenolol: Thuốc ức chế beta, thường được dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp.
2. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị đau nửa đầu
Việc sử dụng các loại thuốc điều trị đau đầu có thể có tác dụng nhất định nhưng khi sử dụng thuốc điều trị đau nửa đầu, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
Thực tế, một số loại thuốc điều trị đau nửa đầu không kê toa có thể gây nghiện. Nếu lạm dụng quá nhiều sẽ dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng, thậm chí còn gây ra tình trạng nhờn thuốc.
Ngoài ra, những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc điều trị đau nửa đầu thường là nôn và buồn nôn, khó chịu ở thượng bị, khó tiêu, đau dạ dày, ợ nóng, loét ruột/dạ dày. Do đó, khi sử dụng thuốc điều trị đau nửa đầu cần lưu ý một số vấn đề như:
– Không dùng quá liều lượng được khuyến cáo.
– Ưu tiên sử dụng các loại sản phẩm hỗ trợ điều trị đau nửa đầu có nguồn gốc từ thiên nhiên để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả sử dụng cao.
– Tìm hiểu kỹ về thành phần hoạt chất có trong thuốc để tránh trường hợp sử dụng các loại thuốc khác nhau nhưng có chung hoạt chất, dẫn đến quá liều và gây ra nhiều tác dụng phụ có hại đến sức khỏe người bệnh.
– Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc chứa ibuprofen, aspirin, naproxen nếu người bệnh bị hen suyễn, rối loạn chức năng gan, thận, vừa trải qua cuộc phẫu thuật, đang bị chảy máu hoặc xuất huyết,…
3. Những phương pháp giúp giảm đau nửa đầu hiệu quả tại nhà
Ngoài việc đau nửa đầu nên uống thuốc gì thì người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp để giúp giảm đau nửa đầu hiệu quả tại nhà như:
– Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để cải thiện sức khỏe.
– Giữ tâm lý thoải mái, tránh mọi lo âu, muộn phiền, hạn chế lao động thể lực quá sức.
– Bổ sung đủ nước cho cơ thể (khoảng 2 lít nước mỗi ngày) vì mất nước có thể kích thích những cơn đau nửa đầu xuất hiện.
– Thực hiện một số phương pháp giúp thư giãn như yoga, thiền hay các bài tập giãn cơ.
– Xây dựng và duy trì thời gian biểu ăn, ngủ, nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ. Hạn chế sử dụng một số loại thực phẩm chứa nhiều chất tyramine như sữa, pho-mát, trứng, socola,… hay các chất kích thích như cà phê, rượu, thuốc lá,…
Hi vọng qua bài viết trên đây, bạn đã biết đau nửa đầu dùng thuốc gì để giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Lưu ý, các loại thuốc được chia sẻ trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Muốn biết cách sử dụng các loại thuốc một cách chính xác, tránh những tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn nên đi khám chuyên khoa nội thần kinh để được chẩn đoán và được kê đơn bởi các bác sĩ chuyên khoa.