Xuất huyết tiêu hóa là cấp cứu nội và ngoại khoa hay gặp trong khi thời tiết giao mùa. Đây là hiện tượng máu chảy ra khỏi mạch máu, mà mạch máu ấy lại nằm trong ống tiêu hóa. Xuất huyết tiêu hóa gặp cả nam và nữ, bệnh hay gặp sau cảm cúm, hoặc dùng một số thuốc như aspirin, corticoid…, sau các sang chấn tâm lý mạnh… Trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa cấp, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Nhóm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa?
Dấu hiệu và xử trí xuất huyết tiêu hóa
Có rất nhiều nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa. Tùy theo nguyên nhân mà xử trí và điều trị sẽ khác nhau.
Do loét dạ dày hành tá tràng: Đó là nguyên nhân hay gặp nhất, khi đó bệnh nhân nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Chảy máu với khối lượng máu thường nhiều, có thể gây ra tình trạng thiếu máu trầm trọng; kết hợp với các triệu chứng khác như đau ở vùng thượng vị.
Do tăng áp lực tĩnh mạch cửa: hiện tượng này gặp trong các bệnh xơ gan, hội chứng Bannti…: máu ở hệ tĩnh mạch cửa bị cản trở sẽ qua những đường bàng hệ để trở về tĩnh mạch chủ dưới phần bàng hệ phình giãn và tăng áp lực. Trong trường hợp này, máu tươi màu hơi đen vì là máu tĩnh mạch; khối lượng thường rất nhiều và không lẫn thức ăn… Một số nguyên nhân ít gặp hơn như ung thư dạ dày, viêm dạ dày cấp, viêm loét trợt thực quản, ure máu cao, ngộ độc chì, ngộ độc thủy ngân…
Do lỵ trực trùng: Thường xảy ra ở trẻ em, có thể có sốt cao, đau quặn bụng dữ dội, đại tiện nhiều lần (15-20 lần/ngày), kèm mót rặn và đau hậu môn. Phân lỏng, rất ít hoặc chỉ toàn máu, màu đỏ sẫm như máu cá hoặc nước rửa thịt.
Do lỵ amíp: Thường nhẹ với sốt nhẹ, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và vùng hạ vị; đại tiện phân nhầy máu, thường máu chỉ dính quanh phân có màu đỏ tươi, kèm dấu hiệu mót rặn và đau hậu môn sau đại tiện.
Ung thư đại tràng: Là bệnh lý thường gây chảy máu tiêu hóa ở người già. Ung thư đại tràng phải thường kèm theo dấu đại tiện phân lỏng và máu đỏ sẫm. Ung thư đại tràng trái thường là dấu hiệu táo bón, đại tiện phân máu tươi; còn ung thư trực tràng hậu môn thường kèm theo dấu hiệu kích thích đại tiện nhiều lần.
Viêm loét đại trực tràng chảy máu: Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trẻ, với biểu hiện từng đợt bao gồm sốt, đau khớp, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và đại tiện ra máu, thường là máu tươi. Ngoài ra còn có thể gặp chảy máu trong trĩ, polyp, nứt kẽ hậu môn, Crohn đại – trực tràng…
Do thương hàn: Bệnh nhân đau bụng, đại tiện phân có màu đỏ gạch hoặc đỏ sẫm.
Viêm ruột xuất huyết hoại tử: Biểu hiện lâm sàng là tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốt cao 40-410C. Đau và trướng bụng, đại tiện phân đen mùi thối khắm.
Bệnh Crohn: Thường gặp là tổn thương vùng hồi manh tràng với đau bụng, đại tiện phân lỏng từng đợt kèm theo sốt, máu lắng tăng. Biến chứng chảy máu thường gặp vào giai đoạn 2 hoặc 3 của bệnh với tổn thương loét hoặc rò thủng vách ruột. Ngoài ra còn có thể gặp chảy máu ruột non từ các nguyên nhân hiếm gặp khác như: lồng ruột, loét túi thừa Meckel, lao ruột, ung thư ruột non hoặc chảy máu từ ruột non trong bệnh lý chảy máu toàn thể như trong sốt xuất huyết,…
Nhận biết thế nào?
Tùy theo nguyên nhân mà có các biểu hiện bệnh khác nhau: nôn ra máu màu nâu sẫm, nhờ nhờ đỏ, lẫn với thức ăn, dịch nhầy loãng; đi ngoài phân đen nát lỏng như bã cà phê, mùi thối khắm; tùy theo mức độ mất máu sẽ thấy vã mồ hôi, chân tay lạnh nổi da gà, da niêm mạc nhợt, có khi vật vã giẫy dụa, có khi có ngất xỉu, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, thở nhanh nông, tiểu ít…
(theo suckhoedoisong)