Bị viêm amidan gây ra những khó khăn nhất định với công việc và cuộc sống thông qua những dấu hiệu bệnh. Bên cạnh đó, bệnh lý này cũng có những biến chứng tiềm tàng nguy hiểm khi không được điều trị kịp thời và phù hợp. Chính vì thế, nhận biết nhanh, chữa bệnh với phác đồ phù hợp là điều cần thiết với bệnh lý này. Cùng xem qua bài viết dưới đây để cập nhật cho mình những dấu hiệu nhận biết bệnh sớm để có kế hoạch phòng, trị bệnh từ sớm, bảo vệ sức khỏe bản thân phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Bị viêm amidan – Những dấu hiệu nhận biết
Amidan là nơi giao thoa giữa đường ăn và đường thở, được ví như cửa ngõ quan trọng bảo vệ hô hấp và cơ thể, bao gồm các bạch huyết ở sau cổ họng với nhiệm vụ ngăn chặn sự tấn công của các vi sinh vật có hại với cơ thể. Do vị trí đặc biệt thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn, virus, nên amidan rất dễ bị viêm nhiễm.
Viêm amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường chủ yếu nhất ở các đối tượng là trẻ em. Ở người già, tình trạng bị viêm amidan thường ít hơn nhưng vẫn có thể xảy ra với những triệu chứng và khả năng biến chứng riêng.
1.1. Nhận biết khi bị viêm amidan
Những dấu hiệu dưới đây có thể báo hiệu tình trạng viêm amidan mà nhiều người có thể bắt gặp như:
– Cảm giác đau họng
– Nuốt vướng, khó nuốt
– Amidan sưng to, bề mặt amidan có thể có lớp màng trắng/xám.
– Hơi thở có mùi
– Ho
– Khàn tiếng
– Ốm sốt
– Nổi hạch vùng cổ
– Mệt mỏi, chán ăn
Với trẻ nhỏ chưa thể mô tả các cảm nhận của mình, cha mẹ cần chú ý khi trẻ chảy dãi, không chịu ăn, quấy khóc không rõ nguyên nhân, sốt,… Tốt nhất, nên đưa trẻ đi khám để an tâm được các bác sĩ chẩn đoán, phát hiện đúng bệnh.
1.2. Chẩn đoán khi nghi ngờ bị viêm amidan
1.2.1 Chẩn đoán xác định
– Khám lâm sàng: khám, kiểm tra, khai thác các dấu hiệu toàn thân, cơ năng và thực thể người bệnh nhằm xác định bệnh viêm amidan và phân loại viêm amidan của người bệnh là cấp tính hay mạn tính.
Ở viêm amidan cấp tính, người bệnh thường bắt đầu đột ngột với cảm giác rét run, sốt, người mệt mỏi, đau nhức, chán ăn. Bên cạnh đó là cảm giác khô, nóng rát vùng họng. thường kèm theo viêm mũi, viêm họng, ngủ ngáy, nói giọng mũi, ho nhiều, khàn tiếng. Kiểm tra thực thể, bác sĩ sẽ thấy người bệnh lưỡi trắng, miệng khô, niêm mạc họng đỏ, amidan sưng to và đỏ, có thể thấy chấm mủ trên bề mặt amidan.
Với thể mạn tính, triệu chứng của người bệnh nghèo nàn hơn, có khi không có gì ngoài những đợt tái phát hoặc hồi viêm với triệu chứng giống amidan cấp tính, đôi khi có thể ngấy sốt về chiều. Bệnh cũng khiến chúng ta có cảm giác nuốt vướng như dị vật họng, hơi thở có mùi, ho nhiều,… Thực thể trên bề mặt amidan lúc này có nhiều khe hốc chứa chất bã đậu và mủ màu trắng.
– Cận lâm sàng, xét nghiệm máu có thể thấy số lượng bạch cầu lớn, nhiều bạch cầu đa nhân trung tính. Xét nghiệm này cũng nhằm xác định nguyên nhân viêm nhiễm là virus hay vi khuẩn, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
1.2.2. Chẩn đoán phân biệt
Do viêm amidan có những triệu chứng khá điển hình nên dễ gây nhầm lẫn trong xác định bệnh lý. Do đó, cần đến các cơ sở tai mũi họng để các bác sĩ theo sát triệu chứng mô tả từ người bệnh, kiểm tra thực thể và thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm phát hiện bệnh, phân biệt viêm amidan với các bệnh lý khác như bệnh bạch hầu, lao amidan, ung thư amidan,… Đặc biệt, cần nhận định viêm A do liên cầu β tan huyết nhóm A để có phương pháp điều trị phù hợp và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm mà bệnh có thể gây nên cho cơ thể.
2. Cẩn trọng với viêm amidan
2.1. Nhiều biến chứng từ bệnh
Viêm amidan có thể để lại những biến chứng như: tình trạng áp xe amidan và khu vực lân cận, gây đau đớn, khó nuốt, thậm chí ảnh hưởng đến việc thở. Bệnh cũng có thể gây lây nhiễm, hình thành viêm VA, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang viêm tai giữa,… Với trẻ nhỏ, viêm amidan do vi khuẩn có thể khiến trẻ sốt cao co giật.
Cần chú ý các biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận, viêm khớp, thấp tim nếu tác nhân gây bệnh là liên cầu tan máu beta nhóm A. Đặc biệt, những biến chứng này vẫn có thể xảy ta dù viêm amidan đã được điều trị khỏi.
2.2. Điều trị viêm amidan
Viêm amidan thường có thể điều trị nhanh, khỏi bệnh trong khoảng 7 đến 10 ngày với đơn thuốc của bác sĩ và chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý khi phát hiện bệnh sớm. Trong trường hợp amidan tái phát thường xuyên, amidan mạn tính không đáp ứng kháng sinh thì buộc phẫu thuật cắt amidan.
Phẫu thuật cắt amidan được chỉ định trong những trường hợp như:
– Viêm amidan liên tục lặp lại trên 5 lần/năm
– Amidan quá phát gây bít tắc đường thở, đường ăn uống.
– Nghi ngờ ung thư amidan.
– Viêm amidan kèm theo các biến chứng như: viêm tấy, áp xe amidan, viêm mũi xoang, viêm tai,… hoặc các biến chứng xa như viêm màng trong tim, viêm khớp, viêm cầu thận,…
– Bị viêm amidan điều trị nội khoa không đáp ứng
– Amidan mủ từng phải nhập viện.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng cần cân nhắc chống chỉ định phẫu thuật với các đối tượng như:
– Người có hội chứng ưa chảy máu, rối loạn đông máu
– Bệnh nội khoa như: huyết áp, tim mạch, thận, gan giai đoạn mất bù,…
– Đang đợt viêm, nhiễm khuẩn, nhiễm virus cấp tính
– Đang điều trị bệnh mạ tính chưa ổn định
– Nữ giới đang kinh nguyệt, mang thai hoặc đang cho con bú
– Người quá nhỏ yếu
…
Việc phẫu thuật hiện nay thường thực hiện dưới gây mê nội khí quản, dùng dao điện, laser, coblator,…
2.3. Phòng bệnh
Để tránh tình trạng cơ thể bị viêm amidan, cần chú ý các công tác phòng bệnh như:
– Ăn uống khoa học, tránh tình trạng quá nóng, quá lạnh hay vị kích thích mạnh làm amidan tổn thương
– Đảm bảo tránh lạnh cho tai mũi họng, nhất là khi chuyển mùa
– Giữ vệ sinh môi trường và phòng vấn đề dị ứng.
– Điều trị triệt để, dứt khoát các bệnh lý tai mũi họng khác khi có bệnh
– Tăng cường thể trạng với việc luyện tập, bổ sung chất tăng cường đề kháng và dinh dưỡng hợp lý.
– Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh và đến thăm khám tại các cơ sở y khoa Tai Mũi Họng để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Nhìn chung, viêm amidan là bệnh lý dễ gặp phải với mọi đối tượng, cần phòng ngừa bệnh lý này ngay với việc cải thiện môi trường, lối sống và thói quen tích cực cho bản thân. Khi bị viêm amidan, cần sớm đến các cơ sở y khoa tai mũi họng để thăm khám, phân biệt bệnh lý và điều trị phù hợp, tránh trình trạng tự ý mua thuốc điều trị, có thể khiến việc chữa bệnh sau đó khó khăn hơn, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe chung của cơ thể, khiến biến chứng bệnh dễ hình thành và gây nguy hiểm.