Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Việt Nam. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng nề và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc nhận biết kịp thời các dấu hiệu cảnh báo của COPD là chìa khóa để triển khai các biện pháp phòng ngừa và quản lý bệnh tốt nhất. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm về căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD mà bạn nên biết!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý hình thành do viêm niêm mạc đường thở mạn tính dẫn đến việc hạn chế lượng không khí có thể đi vào phổi. Điều này khiến cho việc hô hấp trở nên khó khăn và gây ra các triệu chứng như ho, khó thở, khò khè và tức ngực.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến COPD là do sự tiếp xúc lâu dài với các chất kích thích độc hại cho đường hô hấp. Hầu hết các trường hợp đều liên quan chặt chẽ đến khói thuốc lá, nguồn gốc chính của các chất hóa học độc hại và gây tổn thương cho phổi. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác bao gồm khói bụi, hóa chất công nghiệp, bụi mịn và tình trạng ô nhiễm không khí.
COPD là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của người bệnh. Bệnh tiến triển một cách nhanh chóng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tràn khí màng phổi, suy tim, giảm tuổi thọ, tàn phế,… Đáng chú ý, cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Do đó, người bệnh phải sống chung suốt cuộc đời với căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
2. Những dấu hiệu cảnh báo sớm căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
2.1. Những triệu chứng ban đầu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây ra các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào từng người và mức độ tổn thương phổi. Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu của bệnh bao gồm:
– Cảm thấy khó thở, thở khò khè, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất như chạy bộ hay leo cầu thang.
– Ho kéo dài và trở nên nặng hơn theo thời gian. Cơn ho có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng thường nặng hơn vào buổi sáng hoặc sau khi tập thể dục. Đôi khi ho đi kèm đờm trong suốt, màu trắng, vàng hoặc hơi xanh.
– Cảm giác đau hoặc tức ở vùng ngực, do sự hạn chế lưu thông không khí trong đường hô hấp. Điều này khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn và không thoải mái.
– Thường xuyên phải đối mặt với tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp.
– Sưng đau tại mắt cá chân, bàn chân hoặc cẳng chân.
Ngoài ra, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn có thể gây ra các triệu chứng khác như mất ngủ, giảm cân và mệt mỏi do người bệnh hô hấp khó khăn.
2.2. Các phương pháp chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Phổi tắc nghẽn mạn tính được yêu cầu chẩn đoán chủ yếu ở những người trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc tiếp xúc khói bụi trong thời gian dài. Tuy nhiên, nếu người bệnh phát hiện cơ thể có các dấu hiệu bệnh kể trên hoặc có mong muốn được kiểm tra, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng và tiền sử bệnh lý của người bệnh. Ngoài ra, các biện pháp kiểm tra sau có thể được yêu cầu:
– Đo chức năng hô hấp (hô hấp ký) là phương pháp giúp lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản và phổi. Đây là xét nghiệm thăm dò khá đơn giản giúp kiểm tra và chẩn đoán mức độ nặng của COPD.
– Chụp X- quang tim phổi để kiểm tra tình trạng phổi và loại trừ các bệnh khác có triệu chứng tương tự như giãn phế quản, lao phổi, xơ phổi,…
– Đo điện tâm đồ để đánh giá và phát hiện các dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi và suy tim phải do bệnh ở giai đoạn muộn.
3. Những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa cũng như kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Dưới đây là những phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phổ biến:
3.1. Thuốc điều trị
Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị COPD bao gồm:
– Thuốc giãn phế quản: giúp làm giảm sự co thắt của các mao mạch trong phổi và làm cho việc thở trở nên dễ dàng hơn.
– Thuốc kháng viêm: giúp giảm viêm và làm giảm các triệu chứng như ho và khò khè.
– Kháng sinh: được sử dụng để điều trị khi người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp.
3.2. Thở oxy hoặc thở máy
Khi bệnh COPD tiến triển, phổi sẽ bị tổn thương nặng nề, khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn hơn. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉnh định cho bệnh nhân thở oxy hoặc thở máy hỗ trợ để hỗ trợ hô hấp và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
4. Các biện pháp phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Để ngăn ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:
– Ngừng hút và cai nghiện thuốc lá. Bỏ thuốc lá là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc COPD và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
– Tránh tiếp xúc với các chất gây hại trong môi trường có khói bụi, khói bếp củi than, khí độc…hoặc ô nhiễm không khí cao. Hãy đeo khẩu trang và sử dụng các biện pháp bảo vệ để giảm thiểu tiếp xúc với các chất gây hại.
– Tiêm chủng đầy đủ vắc xin cúm, phế cầu khuẩn để giảm nguy cơ gây các đợt cấp COPD.
Nhìn chung, COPD là căn bệnh mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu bạn gặp các triệu chứng bệnh kể trên, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm. Việc nhận biết sớm không chỉ giúp người bệnh có cơ hội điều trị hiệu quả hơn mà còn giúp kiểm soát và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.