Đau dây thần kinh tọa là tình trạng đau dọc theo dây thần kinh tọa và các nhánh. Cơn đau có thể diễn ra âm ỉ, có khi cấp tính và nghiêm trọng hơn khi người bệnh thay đổi tư thế hoặc gắng sức. Vậy bệnh lý này có nguy hiểm không, cùng tìm hiểu câu trả lời ở bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Đau dây thần kinh tọa là gì?
Dây thần kinh tọa kéo dài từ thắt lưng đến ngón chân và là dây thần kinh dài nhất của cơ thể, với chức năng chi phối cảm giác – vận động – dinh dưỡng.
Đau thần kinh tọa (đau dây thần kinh tọa) là cảm giác đau theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau thường từ cột sống thắt lưng rồi lan xuống vùng đùi, mặt trước cẳng chân, mắt cá chân và xuống tận bàn chân. Cơn đau gây ảnh hưởng lớn đến vận động và sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân phổ biến của bệnh là do đĩa đệm cột sống bị lồi ra và đè lên dây thần kinh tọa. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến là chấn thương, viêm đĩa đệm, thoát vị cột sống, sưng dây thần kinh tọa và tổn thương cột sống. Một số ít có thể là do dây thần kinh bị chèn ép bởi khối u, bị chảy máu trong, biến chứng từ gãy xương chậu, do mang thai hoặc nhiễm trùng.
2. Đau thần kinh tọa có phải là bệnh lý nguy hiểm không?
2.1. Triệu chứng của đau dây thần kinh tọa gồm những gì?
Triệu chứng phổ biến của tình trạng đau này là cơn đau bắt đầu từ phần dưới của thắt lưng rồi lan xuống mông, đi dọc xuống mặt sau chân hoặc đau ở bất kì vị trí nào dây thần kinh tọa đi qua. Thông thường tình trạng này chỉ xảy ra ở một bên nhưng cũng có trường hợp đau cả hai bên chân.
Một số người bệnh miêu tả cảm thấy đau nhói, đau như bị đâm. Một số khác có cảm giác đau như bị điện giật, có cảm giác nóng rát và châm chích. Bên cạnh đó, còn một số triệu chứng thường gặp như sau:
– Tê, ngứa ran ở chân, bàn chân hoặc yếu cơ.
– Đau nhói khi di chuyển, ngồi hoặc đứng lâu.
– Khó di chuyển, chuyển động.
– Mất khả năng kiểm soát ở 2 bộ phận là ruột và bàng quang.
2.2. Đau dây thần kinh tọa gây ra những biến chứng gì?
Tình trạng đau thần kinh tọa gây ra nhiều đau đớn và khó khăn cho người bệnh. Tình trạng đau thần kinh tọa kéo dài có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
– Teo cơ: thời gian đầu, cơn đau chỉ khiến người bệnh khó khăn trong việc đi lại, vận động. Khi bệnh trở nặng, các cơ dần bị teo tóp lại và hoạt động chức năng bị suy giảm.
– Đau cứng cột sống: đau thần kinh tọa có thể dẫn đến tình trạng cứng cột sống, kèm theo chứng co thắt cơ và các chi dưới mất khả năng hoạt động.
– Bại liệt: nếu bị nhẹ người bệnh chỉ liệt một phần, nặng hơn thì liệt toàn thân, bại liệt khá nguy hiểm và khó để điều trị hoàn toàn.
– Chức năng bàng quang suy giảm: người bệnh đi đại, tiểu tiện không tự chủ. Biến chứng này khiến người bệnh tự ti, mặc cảm, lâu dài có thể hình thành các bệnh tâm lý.
Nhìn chung đau thần kinh tọa ban đầu gây ra các cơn đau ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, vận động nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhiều trường hợp có thể khỏi bệnh sau một thời gian ngắn điều trị nếu được phát hiện bệnh sớm.
Tuy nhiên nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng đau này vẫn âm thầm gây tổn thương ruột, bàng quang và cần phải phẫu thuật để cải thiện. Đau thần kinh tọa không trực tiếp đe dọa đến tính mạng nhưng nếu bệnh kéo dài mà không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng tàn phế, tật nguyền.
3. Các biện pháp phòng ngừa hiệu quả chứng đau thần kinh tọa
3.1. Nhóm nguy cơ cao bị đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa không phân biệt tuổi tác, giới tính. Tuy nhiên, những yếu tố dưới đây là tác nhân khiến bạn có nguy cơ cao mắc phải tình trạng bệnh lý này.
– Tuổi tác: những người bị đau dây thần kinh tọa thường ở độ tuổi từ 30-50, nam giới dễ mắc bệnh hơn nữ. Tuổi càng cao, cột sống sẽ lão hóa và ảnh hưởng đến người bệnh.
– Nghề nghiệp: người làm những công việc thường xuyên phải mang vác nặng, vận động mạnh dễ mắc bệnh này.
– Béo phì: trọng lượng lớn gây áp lực cho cột sống, gây nên thay đổi ở cột sống và gây đau thần kinh tọa.
– Lối sống: lối sống ngồi một chỗ, ít vận động của dân văn phòng cũng là nguyên nhân gây đau thần kinh tọa.
– Người mắc bệnh đái tháo đường.
3.2. Các cách phòng ngừa tình trạng đau thần kinh tọa
Một số biện pháp để phòng tránh các bệnh lý liên quan đến thần kinh tọa gồm:
– Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn và đúng tư thế.
– Duy trì tư thế ngồi thẳng lưng, không ngồi một chỗ quá lâu mà đứng lên đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng.
– Hạn chế bê vác đồ nặng.
4. Phương pháp chẩn đoán và cách điều trị đau thần kinh tọa
4.1. Các phương pháp chẩn đoán bệnh
– Chụp X-quang: mục đích kiểm tra sự phát triển của các gai xương ở cột sống đang ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh tọa.
– Chụp MRI, chụp CT: ghi lại hình ảnh chi tiết, tìm kiếm nhưng tổn thương của dây thần kinh tọa.
4.2. Cách điều trị đau thần kinh tọa tại nhà và dùng thuốc
– Biện pháp tự chăm sóc người bệnh tại nhà
+ Chườm mát hoặc chườm nóng: xen kẽ giữa chườm nóng và chườm lạnh để xoa dịu cơn đau.
+ Thực hiện các bài tập đau thần kinh tọa: các bài tập giúp giãn cơ thắt lưng giảm bớt sự chèn ép ở dây thần kinh tọa và giúp người bệnh đỡ đau đớn. Tránh cử động đột ngột khi thực hiện các bài tập này, cố gắng kéo giãn người và giữ nguyên tư thế.
– Các loại thuốc điều trị đau thần kinh tọa
Một số thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh đau thần kinh tọa là: thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc narcotic, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh.
Các loại thuốc chỉ mang tính tham khảo, dựa vào tình hình thực tế mà bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ và báo ngay nếu có bất thường khi dùng thuốc.
Hi vọng bài viết trên đây đã giải đáp được câu hỏi của bệnh nhân về sự nguy hiểm của tình trạng đau thần kinh tọa. Đến ngay bệnh viện để khám nếu bạn đang có những biểu hiện: đau dữ dội, đau đột ngột ở lưng hoặc chân; gặp khó khăn trong việc kiểm soát ruột hoặc bàng quang. Nếu có bất cứ thắc mắc nào hoặc có triệu chứng của bệnh, hãy liên hệ với chuyên khoa Cơ xương khớp – Thu Cúc TCI để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.