Đau dây thần kinh số 5 là một dạng cơn đau thường xuất hiện đột ngột ở vùng mặt. Đây là một bệnh lý hiếm gặp nên nhiều người chưa hiểu rõ về nguyên nhân và triệu chứng của nó. Hoặc người bệnh thường nhầm lẫn với các triệu chứng của đau răng miệng. Cùng tìm hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Đau dây thần kinh số 5 là gì?
Dây thần kinh số 5 còn có tên gọi khác là dây thần kinh tam thoa hay dây thần kinh sinh ba. Đây là một dây thần kinh rất quan trọng ở vùng mặt. Dây thần kinh số 5 đảm nhận vai trò dẫn truyền cảm giác ở vùng mặt, miệng và răng. Ngoài ra, chúng có chức năng kiểm soát nước mắt, nước bọt và điều khiển cơ nhai của hàm.
Khi dây thần kinh số 5 bị tổn thương sẽ gây ra các cơn đau ở vùng da mặt, thường xuất hiện đột ngột nhưng dữ dội ở một bên mặt. Tuy thời gian đau chỉ kéo dài trong thời gian ngắn nhưng người bệnh sẽ bị đau nặng, cảm giác đau nhói như điện giật. Tình trạng đau dây thần kinh số 5 gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp ở lứa tuổi trung niên hoặc cao tuổi.

Dây thần kinh số 5 đảm nhận vai trò truyền cảm giác ở vùng mặt, miệng và răng
2. Triệu chứng của đau dây 5 (dây thần kinh tam thoa)
Các triệu chứng đau dây thần kinh tam thoa thường đến bất ngờ, người bệnh có cảm giác đau đớn như bị vật nhọn đâm vào. Các cơn đau thường không kéo dài mà chỉ diễn ra trong vài giây (không đến 1 phút). Tuy nhiên, khoảng nghỉ giữa các cơn đau ngắn và có thể diễn ra trong một vài tiếng hoặc cả ngày.
Đau dây thần kinh tam thoa thường có các biểu hiện cụ thể như:
– Cơn đau dữ dội khiến bạn cảm giác như không thể chịu nổi. Khi chúng diễn ra liên tục khiến cho người bệnh không dám cử động khuôn mặt hoặc nhai.
– Cơn đau xuất hiện đột ngột, thường gặp nhất là giống với bị điện giật. Ngoài ra, cũng có trường hợp đau như bị vật sắc nhọn đâm vào. Trường hợp ít gặp hơn là đau như bị nóng bỏng rát.
– Các cơn đau thường chỉ kéo dài trong vài giây nhưng xuất hiện liên tiếp và thời gian nghỉ ngắn. Điều này khiến người bệnh cảm nhận cơn đau kéo dài, có thể trong vài phút.
– Cơn đau có thể tái phát lại trong ngày nhưng không có quy luật nào. Tần suất của các cơn đau phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
– Các cơn đau thường phát sinh khi có các kích thích như: gió thổi, cử động nhai, nói, nhăn mặt, rửa mặt, đánh răng, súc miệng, uống nước…
– Dây thần kinh số 5 bị đau thường gây ra các cơn đau ở một bên mặt

Cơn đau do viêm dây thần kinh số 5 thường đến bất ngờ và có cảm giác đau đớn như bị vật nhọn đâm vào
3. Đau dây thần kinh tam thoa do nguyên nhân nào?
Dây thần kinh số 5 thực hiện 2 chức năng là cảm giác và vận động. Tuy nhiên, chức năng chính vẫn là cảm giác. Theo đó, mỗi dây thần kinh sẽ đảm nhận chức năng một bên mặt. Nhiều trường hợp cảm giác đau ở dây thần kinh không tìm ra được nguyên nhân. Tuy nhiên, dựa vào triệu chứng, các nhà nghiên cứu xác định một số nguyên nhân gây đau dây thần kinh này có thể là:
– Do xung đột với mạch máu: Các mạch máu chèn lên dây thần kinh số 5 ở gốc của dây thần kinh.
– Do khối u chèn ép: Các khối u ở góc cầu – tiểu não và các khu vực xung quanh chèn ép và ảnh hưởng lên các nhánh của dây thần kinh số 5. Có thể kể đến như u màng não, u phình động mạch, u ác tính di căn,…
– Do virus: Nhiễm trùng do virus tại các nhánh dây thần kinh ngoại biên hoặc tại hạch Gasser gây ra.
– Do các bệnh hệ thống: Điển hình như Zona, Lupus ban đỏ, xơ hóa hệ thống,…
– Do các bệnh lý ở vùng dây số 5: Sâu răng, viêm xoang, áp-xe răng,…
– Do các chấn thương, tiểu phẫu, phẫu thuật ở vùng mặt như nhổ răng, gãy xương nền sọ,…
4. Đau dây thần kinh tam thoa có nguy hiểm?
Đau dây thần kinh tam thoa không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến công việc cũng như sinh hoạt của người bệnh. Cơn đau làm người bệnh không ăn uống được dẫn đến cơ thể bị suy kiệt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời khi cơ thể bị suy kiệt dẫn đến tử vong.
Triệu chứng của đau dây thần kinh số 5 dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề về răng miệng. Vì vậy, nếu chẩn đoán sai sẽ khiến quá trình điều trị không có hiệu quả. Càng để lâu, các cơn đau sẽ có tần số mau hơn và kéo dài hơn, và khi chuyển đến giai đoạn nặng thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và cần nhiều thời gian.
Các cơn đau do viêm dây thần kinh tam thoa gây ra khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và hiệu quả công việc của người bệnh.

Viêm dây thần kinh số 5 nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến liệt mặt
5. Chẩn đoán và điều trị bệnh
Dựa vào các biểu hiện, tiền sử bệnh và các thăm dò, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác về tình trạng đau dây thần kinh. Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định chụp MRI hoặc chụp cắt lớp vi tính để loại trừ các bệnh lý khác.
Điều trị bệnh lý này có thể áp dụng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa.
5.1 Chữa đau dây thần kinh số 5 bằng nội khoa
Đối với những cơn đau nhẹ có thể dùng thuốc giảm đau và chống viêm thông thường. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc thần kinh và tâm thần, cũng có tác dụng giảm đau hiệu quả. Một vài trường hợp được điều trị bằng phương pháp tiêm steroid hoặc thuốc tê.
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng thuyên giảm rõ rệt khi dùng thuốc. Tuy nhiên, sau đó 75% người bệnh bị “nhờn” thuốc và phải can thiệp ngoại khoa.
5.2 Chữa đau dây thần kinh số 5 bằng ngoại khoa
Phẫu thuật được chỉ định khi dùng thuốc không có tác dụng hoặc gây ra các tác dụng phụ hoặc trường hợp dây thần kinh bị chèn ép bởi động mạch bất thường. Mục đích của phẫu thuật là để giải phóng dây thần kinh bị chèn ép hoặc ngăn dây thần kinh bị phá hủy.
Ngoài ra, phương pháp đông nhiệt hạch Gasser có tác dụng giảm cơn đau cho người bệnh.
Đau dây thần kinh số 5 là một bệnh không thường xuyên gặp nhưng gây khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt làm việc hàng ngày của người bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Người bệnh cần được chẩn đoán chính xác và tuân thủ điều trị theo liệu trình của bác sĩ để mau chóng khỏi bệnh.