Đau đầu khi mang thai có thể xảy ra trong bất cứ giai đoạn nào nhưng phổ biến nhất là vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Nhiều thai phụ cho rằng đây chỉ là triệu chứng bình thường và bỏ qua mà không hề biết rằng đau đầu có thể gây ra nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm, trong đó có tiền sản giật đe dọa tới an toàn của cả mẹ và bé.
Menu xem nhanh:
Nguyên nhân gây đau đầu khi mang thai
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, cơ thể của thai phụ trải qua sự đột biến của hormone và tăng thể tích máu. Hai thay đổi này có thể là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đau đầu khi mang thai. Căng thẳng, mệt mỏi hay ốm nghén cũng có thể khiến cho tình trạng đau đầu trở nên tồi tệ hơn. Một số nguyên nhân khác của chứng đau đầu khi mang thai là thiếu ngủ, lượng đường trong máu thấp và mât nước.
Những phụ nữ mắc chứng đau nửa đầu có thể cảm thấy đỡ hơn trong quá trình mang thai. Tuy nhiên một số trường hợp có thể vẫn tiếp tục giữ nguyên tình trạng đau nửa đầu như trước đây và thậm chí là tần suất các cơn đau còn xuất hiện nhiều hơn.
Cần lưu ý đau đầu thai kỳ có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiền sản giật, biến chứng xảy ra ở 3 tháng đầu mang thai. Đi kèm với bệnh này là tình trạng tăng huyết áp, sưng phù cơ thể, thừa protein trong nước tiểu. Nếu không có biện pháp điều trị, tình hình sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi tiến dần về 3 tháng cuối thai kỳ.
Cách xử lý tình trạng đau đầu khi mang thai
Để ngăn ngừa hoặc làm giảm nhẹ cơn đau đầu khi mang thai mà không cần dùng thuốc, thai phụ có thể áp dụng các biện pháp sau:
– Chườm lạnh: dùng khăn lạnh đắp lên tránh giúp giảm đau đầu, đặc biệt là với những người mắc chứng đau nửa đầu.
– Tránh các tác nhân gây đau đầu: nếu một loại thức ăn hoặc mùi nào đó là nguyên nhân khiến người mẹ bị đau đầu trước đây, nên tránh xa.
– Tập thể dục thường xuyên: duy trì thói quen luyện tập đều đặn, đi dạo hoặc tập aerobic nhẹ nhàng rất tốt cho sức khỏe và tinh thần của người mẹ.
– Hạn chế tình trạng căng thẳng: cố gắng giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng quá mức dễ gây đau đầu.
– Thư giãn, nghỉ ngơi: ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm, trưa tranh thủ chợp mắt khoảng 15 – 30 phút. Ngoài ra thai phụ có thể tập yoga hoặc massage để giảm bớt nhức mỏi ở cổ, vai và lưng.
– Ăn uống đầy đủ: tuyệt đối không được nhịn ăn, uống vì có thể làm giảm lượng đường trong máu gây đau đầu. Có thể ăn thành nhiều bữa trong ngày thay vì 3 bữa chính. Chuẩn bị thức ăn nhẹ kèm theo như bánh quy, hoa quả khô, sữa để bổ sung lúc cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra cần uống nhiều nước, thiếu nước càng làm cho cơ thể thêm kiệt sức.
Thông báo ngay cho bác sĩ trong các tình huống sau:
– Trước khi có ý định sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
– Các biện pháp làm giảm đau đầu nêu trên không hiệu quả.
– Tình trạng đau đầu khi mang thai trở nên nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài hơn.
– Cơn đau đầu có nhiều điểm khác biệt so với trước đây.
– Đau đầu kèm theo tình trạng mắt mờ dần, tăng cân đột ngột, đau ở vùng bụng trên bên phải, sưng ở tay và mặt.
Đau đầu khi mang thai có thể kéo theo nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được cải thiện, do đó tốt nhất thai phụ nên tới bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn điều trị, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.