Đại tràng bị viêm thường dẫn đến triệu chứng đau kéo dài, cơ thể kém hấp thu khiến người bệnh dễ suy kiệt. Hiểu về chứng đau đại tràng cũng như mức độ nguy hiểm của tình trạng này sẽ giúp người bệnh chủ động trong việc thăm khám và chữa trị, đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Menu xem nhanh:
1. Khái quát về chứng đau đại tràng
Đại tràng (hay ruột già) là bộ phận nằm ở vị trí gần cuối ống tiêu hóa, tiếp giáp trực tiếp với hậu môn. Tại đây làm nhiệm vụ hấp thụ nước, chất điện giải, tổng hợp vitamin, đồng thời tạo phân và đào thải ra ngoài cơ thể.
Cũng do chức năng này, đại tràng sở hữu hệ vi khuẩn cực lớn. Điều này một phần có lợi cho cơ thể, song cũng khiến nguy cơ nhiễm khuẩn tại đại tràng tăng lên, dẫn đến viêm đại tràng hay chứng đau đại tràng. Lúc này, lớp niêm mạc tại đại tràng bị tổn thương gây ra những cơn đau dai dẳng, khiến hoạt động tiêu hóa bị rối loạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
Viêm đại tràng là bệnh tiêu hóa phổ biến, nếu được phát hiện sớm và điều trị thì không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời hoặc điều trị sai cách, bệnh nhân có thể đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như: Xuất huyết đại tràng, thủng đại tràng, thậm chí ung thư, vô cùng nguy hiểm.
2. Đau đại tràng biểu hiện như thế nào?
2.1 Đau bụng là biểu hiện đau đại tràng điển hình
Đau bụng do viêm đại tràng thường tái phát nhiều lần. Người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ, hoặc dữ dội, lúc lại như kim châm. Các cơn đau thường liên quan đến việc người bệnh tiêu thụ các loại thức ăn nhiều đạm, hải sản hay ở trong trạng thái căng thẳng, lo âu thời gian dài.
Các cơn đau có thể thuyên giảm sau khi người bệnh đi ngoài, nhưng vẫn có thể xuất hiện ở lần tiêu chảy kế tiếp.
2.2 Biểu hiện đau đại tràng thể hiện qua việc thay đổi tính chất phân
Người bị viêm đại tràng thường đi đại tiện nhiều lần trong ngày. Tần suất có thể từ 2-3 lần đối với mức độ nhẹ và có thể lên đến cả chục lần nếu ở trong tình trạng nghiêm trọng hơn. Phân đi ra lúc lỏng, lúc rắn hoặc táo bón và tiêu chảy xen kẽ nhau. Phân thường nát và không thành khuôn, có thể kèm theo dịch mủ hoặc máu.
Người bệnh khi đi đại tiện xong vẫn có cảm giác mót, muốn đi tiếp.
2.3 Các triệu chứng khác
Ngoài hai biểu hiện đặc trưng nói trên, tùy theo tác nhân gây bệnh mà đau đại tràng do viêm còn gây các triệu chứng như:
– Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.
– Ăn không ngon, lâu ngày dẫn đến chán ăn, sụt cân.
– Bệnh nhân bị sốt khiến cơ thể mất nước.
– Trí nhớ kém, cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, thiếu hụt năng lượng.
3. Đau đại tràng là đau ở vị trí nào?
Đau đại tràng tùy vào độ tuổi sẽ khác nhau. Tuy nhiên thường xảy ra với những người có chế độ ăn uống không khoa học, sử dụng các chất gây kích thích như rượu, bia, thức ăn chua, cay, nhiều gia vị… Hoặc người bệnh có người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh chị em ruột) có tiền sử bệnh viêm loét đại tràng.
Phần lớn người bị viêm đại tràng thường cảm thấy đau vùng bụng trái, dưới rốn, phía hạ sườn hay khu vực hố chậu. Tuy nhiên, do đại tràng có kích thước dài và gấp khúc nên khi bị viêm đại tràng, người bệnh cũng có thể cảm thấy đau ở rất nhiều vị trí khác nhau ở ổ bụng.
Một số người xuất hiện cơn đau vùng quanh rốn nói chung, số khác lại đau ở điểm cụ thể trên bụng.
Để xác định chính xác cơn đau bụng bạn gặp phải có phải biểu hiện đau đại tràng, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám chuyên khoa.
4. Điều trị và phòng ngừa
4.1 Cách điều trị chứng đau đại tràng
Viêm đại tràng là bệnh lý tiêu hóa có nguy cơ tái phát cao và dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì không có gì nguy hiểm. Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng bệnh, các yếu tố như: tuổi tác, thể chất ở thời điểm thăm khám mà người người bệnh sẽ được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Đối với điều trị nội khoa, người bệnh có thể được tư vấn sử dụng các loại thuốc bao gồm:
– Nhóm thuốc chống viêm.
– Nhóm corticoid có tác dụng làm giảm triệu chứng viêm tại đại tràng, tuy nhiên có thể gây ra các tác dụng phụ (Chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa)
– Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch dành cho trường hợp viêm loét đại tràng không đáp ứng các loại thuốc khác.
– Nhóm thuốc kháng sinh giúp điều trị và hạn chế các tác hại của những vi khuẩn đường ruột.
– Nhóm thuốc có tác dụng hạn chế tình trạng co thắt đại tràng.
– Thuốc ngừa tiêu chảy…
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống khi chưa có sự thăm khám, tư vấn của bác sĩ. Vì nếu thuốc không được sử dụng đúng bệnh, đúng liều lượng, đúng cách có thể khiến tình trạng bệnh xấu đi, hoặc gây nhờn thuốc.
Trường hợp điều trị đau đại tràng bằng phương pháp nội khoa không hiệu quả hoặc bệnh biến chứng nguy hiểm, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng.
4.2 Phòng ngừa đau đại tràng
Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị y khoa, để phòng ngừa bệnh đau đại tràng, người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Hạn chế các loại đồ ăn khó tiêu hóa, đồ ăn liền, thức ăn nhanh, món ăn nhiều dầu mỡ, gia vị. Đồng thời tránh xa các thực phẩm có thể gây kích thích đường ruột như cafein, đồ uống có cồn, thuốc lá…
Nên uống nhiều nước, bổ sung chất xơ, vitamin từ rau củ quả và duy trì thói quen vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Thận trọng trong sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau hay thuốc kháng sinh không kê đơn. Tốt nhất, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng bât cứ loại thuốc nào.
Có kế hoạch thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh, giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh đau đại tràng.
Tóm lại, các biểu hiện đau đại tràng có thể bao gồm: đau bụng, đi ngoài, tiêu chảy, sụt cân, giảm cảm giác thèm ăn. Bệnh viêm đại tràng gây rối loạn tiêu hóa, suy nhược và đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị phù hợp sẽ làm giảm đáng kể tình trạng bệnh, đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa.