Hiện tượng đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu khá là phổ biến ở nhiều thai phụ. Triệu chứng này không những làm mẹ bầu có cảm giác khó chịu, căng thẳng và mệt mỏi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi. Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu thường sẽ phải trải qua 2 giai đoạn đau dạ dày đó là 3 tháng đầu tiên và 3 tháng cuối cùng. Vậy mẹ cần phải xử lý như thế nào khi mắc phải tình trạng này.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân vì sao mẹ bầu bị đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu?
Nguyên nhân chính khiến mẹ bầu bị đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu đó là do ốm nghén. Đây là giai đoạn vô cùng khó chịu mà hầu như mẹ bầu nào cũng sẽ phải trải qua. Những biểu hiện của đau dạ dày như là ợ chua, trào ngược, nóng rát ở vùng thượng vị hoặc là bị đau râm ran. Khi mẹ luôn phải chịu áp lực của tình trạng nôn nhiều cộng với việc tử cung đang phát triển lớn hơn để thích nghi với kích thước của thai nhi sẽ khiến cho hiện tượng đau dạ dày sinh ra. Tử cung to lên sẽ khiến cho vị trí của dạ dày bị thay đổi, thức ăn đi xuống dạ dày lúc này bị ứ đọng lại gây khó tiêu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, khi mang thai thì cơ thể của mẹ bầu sẽ sản sinh ra nhiều hormone progesterone. Hormone này sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm tăng các cơn đau dạ dày, đầy bụng và khó tiêu. Tuy nhiên, có một điều nguy hiểm đó là hiện tượng đau dạ dày ở thời điểm mang thai 3 tháng đầu cũng có thể là dấu hiệu của sảy thai.
2. Phòng ngừa khả năng sảy thai do đau dạ dày như thế nào?
Không thể kết luận chắc chắn 100% là khi mẹ bầu bị đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu báo hiệu nguy cơ sảy thai mà chỉ là có thể sẽ có khả năng xảy ra hiện tượng này. Mặc dù việc đau dạ dày xuất hiện từ nhiều nguyên nhân nhưng để bảo vệ tuyệt đối sức khỏe của em bé thì mẹ vẫn luôn cần cẩn thận, bởi vì sảy thai là hiện tượng luôn xuất hiện trước tuần thứ 12 của thai kì.
Khi mẹ bầu bị đau dạ dày có đi kèm với những biểu hiện dưới đây thì hãy nhanh chóng gặp bác sĩ:
– Bị đau thắt hoặc chuột rút ở bụng.
– Bị đau hoặc chuột rút ở lưng.
– Có xuất hiện những đốm máu hoặc chảy máu.
– Thấy có chất lỏng đi ra từ âm đạo.
3. Những xét nghiệm chẩn đoán đau dạ dày khi mang thai
Khi có các triệu chứng kể trên thì việc đầu tiên mẹ cần làm đó chính là gặp bác sỹ sản khoa để đảm bảo rằng thai kỳ của mình vẫn bình thường. Nếu như các dấu hiệu của mẹ cho thấy đó là bệnh lý dạ dày thì bác sỹ sản có thể giới thiệu mẹ thăm khám chuyên khoa tiêu hóa. Tại đây mẹ có thể sẽ được làm một số xét nghiệm để kiểm tra:
– Nội soi: Mặc dù là kỹ thuật khá an toàn nhưng dù sao đây cũng là một thủ thuật xâm lấn bên trọng nên rất hạn chế đối với phụ nữ mang thai. Rất ít các trường hợp mẹ bầu mang thai được chỉ định nội soi, trừ khi đó là những trường hợp nặng có xuất huyết tiêu hóa hoặc các biến chứng khác. Còn lại hầu như việc nội soi sẽ được trì hoãn cho tới khi mẹ sinh xong em bé.
– Xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn Hp: Có thể là xét nghiệm máu, test thở, xét nghiệm phân hoặc clotest (nếu trường hợp nội soi). Trong số các xét nghiệm trên thì khuyến cáo mẹ bầu nên thực hiện test thở C13 vì xét nghiệm này có độ chính xác cao và an toàn hơn. Tại một số cơ sở y tế chưa có điều kiện test thở thì xét nghiệm máu có thể được xem là chấp nhận được nếu mẹ chưa từng điều trị tiệt trừ vi khuẩn Hp trước đây. Xét nghiệm phân ít khi được thực hiện ở người lớn bởi vì khá bất tiện.
3.1 Nhiễm vi khuẩn HP khi mang thai có nguy hiểm không?
Một số mẹ bầu vô cùng hoang mang và lo lắng khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính với Hp . Thực chất, Hp dương tính có nghĩa là mẹ đang bị nhiễm một loại vi khuẩn có tên gọi là Helicobacter pylori trong dạ dày. Hầu hết, những trường hợp nhiễm khuẩn Hp không có vấn đề gì về sức khỏe nhưng cũng có đến khoảng 20% trong số những người nhiễm Hp có thể mắc bệnh lý dạ dày hoặc các bệnh lý khác ngoài đường tiêu hóa.
Đối với phụ nữ mang thai, mặc dù không phổ biến nhưng vi khuẩn Hp có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như là rối loạn tiêu hóa, bị thiếu hụt chất dinh dưỡng gây thiếu máu, thai nhi bị chậm phát triển, dị tật ống thần kinh, tiền sản giật, sảy thai…
3.2 Vi khuẩn có bị lây truyền từ mẹ sang con hay không?
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng nếu bị đau dạ dày ở thời điểm mang thai 3 tháng đầu thì vi khuẩn Hp hầu như không lây nhiễm từ mẹ sang con. Con đường lây nhiễm chính của vi khuẩn Hp chính là qua đường tiêu hóa, khi em bé chào đời và tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của mẹ.
Nguy cơ lây nhiễm khuẩn Hp trong gia đình và đặc biệt là từ mẹ sang con rất cao. Quá trình lây nhiễm này chủ yếu xuất phát từ thói quen mớm thức ăn và hôn trẻ của mẹ. Đây là những thói quen không khoa học cho nên các mẹ nên bỏ để không chỉ tránh lây nhiễm vi khuẩn HP mà còn tránh được nhiều mầm bệnh nguy hiểm khác cho con.
Khác với các trường hợp nhiễm khuẩn HP thông thường thì mẹ bầu mang thai sẽ không sử dụng được phác đồ diệt trừ HP do thành phần trong thuốc có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Vậy nên, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh đau dạ dày trong khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ bầu hãy chia sẻ trực tiếp với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho mẹ và bé nhé.