(Dân trí) – Theo bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Loan, nhiều bệnh nhân đến khám tại chuyên khoa Mắt – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI trong tình trạng mắt mờ, nhòe và có dấu hiệu nhược thị. Nguyên nhân là do đeo kính không đúng với độ cận của mắt.
Menu xem nhanh:
1. Đeo kính sai độ, “làm khổ” đôi mắt
Chị L.T.T (36 tuổi), bị cận và đeo kính đã nhiều năm nay. Trước đây, mỗi lần cắt kính, chị thường chọn các cơ sở có tiếng trên thị trường để đảm bảo chất lượng kính mắt. Tuy nhiên, trong một chuyến công tác gần đây, vì sơ ý nên chị T không may làm gãy kính. Không thạo địa hình, chị đành tìm đến một cơ sở cắt kính gần đó để đo và cắt kính mới.
Chị T chia sẻ: “Họ đo mắt và kết luận thế nào thì tôi nghe thế. Thời gian đầu, tôi thường có cảm giác chóng mặt và buồn nôn. Dù đã đeo kính nhưng khi nhìn vẫn có độ mờ nhất định. Lúc đầu, tôi cũng chủ quan nên cứ nghĩ rằng tình trạng này là do mắt tôi chưa kịp thích nghi với kính mới. Tuy nhiên, đến hai tuần sau thì mắt tôi có dấu hiệu khô và kèm theo nhức mắt”.
Khi đi khám tại Thu Cúc TCI, chị T bàng hoàng khi phát hiện bản thân đang đeo kính lệch đến 1,5 độ. Đồng thời, mắt bắt đầu có dấu hiệu nhược thị. Đây là một trong những tình trạng ở mắt rất khó để điều trị. Nếu kéo dài lâu có thể dẫn đến mù lòa.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Loan, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhược thị là do chị T đã đeo kính có số độ quá cao so với độ cận thực tế của mắt. Do đó, mắt vẫn phải điều tiết nhiều khi nhìn. Cộng thêm mắt kính mà chị T mua là không đảm bảo chất lượng, trong khi đặc thù công việc của chị phải tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính. Điều này khiến mắt làm việc căng thẳng hơn. Lâu dần gây suy giảm thị lực, hình thành nguy cơ dẫn đến nhược thị.
“Tôi đã gặp không ít trường hợp khách hàng đến khám trong tình trạng đeo kính sai độ thực tế do không được thăm khám, đo đạc chính xác”, bác sĩ Loan nói.
2. Đeo kính sai độ xảy ra do đâu?
Anh Hoàng Tấn – Kỹ thuật viên tại quầy kính mắt Thu Cúc TCI cho biết: “Việc đeo kính sai độ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường là do người bệnh đã tăng độ nhưng lâu ngày chưa đi thay kính mới, dẫn đến tình trạng đeo kính sai độ. Tuy nhiên, nếu người bệnh mới đi cắt kính mà vẫn bị đeo kính sai độ thì có thể do một trong các nguyên nhân như: tay nghề kỹ thuật viên cắt kính không đảm bảo; người thực hiện đo thị lực có chuyên môn kém; tròng kính kém chất lượng; sai số do máy đo kém chất lượng; hay đôi khi là do sự đánh giá không khách quan từ chính bản thân người bệnh khi đo mắt”.
Hiện nay, các cơ sở đo mắt và cắt kính xuất hiện phổ biến trên thị trường. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn các địa điểm cắt kính tiện lợi mà không cần di chuyển nhiều. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người dùng. Bởi bên cạnh những địa chỉ đảm bảo chuyên môn, thị trường cũng tồn tại song song nhiều cơ sở cắt kính chưa chuyên nghiệp, không đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như tính chính xác trong quy trình đo, cắt kính.
3. Giải pháp cho người đeo kính
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Loan cho biết, tại chuyên khoa Mắt TCI, quy trình đo và cắt kính diễn ra theo quy trình nghiêm ngặt. Mỗi khách hàng trước khi cắt kính được đo thị lực, khám mắt bởi bác sĩ chuyên khoa và đội ngũ điều dưỡng viên chuyên môn và kinh nghiệm. Từ đó đưa ra đơn kính chính xác và phù hợp. Ngoài ra, các sản phẩm gọng kính, tròng kính là các thương hiệu nổi tiếng, có tem chống hàng giả của Bộ Công an, an toàn cho mắt khi sử dụng.
“Một chiếc kính mắt tốt bên cạnh chất lượng thì cũng cần đảm bảo phù hợp với tình trạng mắt cũng như số độ mắt của người sử dụng. Ngoài ra, tùy thuộc vào nhu cầu, người dùng nên ưu tiên chọn các loại tròng có tích hợp nhiều tính năng như: chống ánh sáng xanh, chống tia UV, chống nước, chống xước, chống bụi, chống bám vân tay,… Từ đó, tối ưu bảo vệ mắt khỏi các tác nhân có hại”, bác sĩ Loan chia sẻ.
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng và cắt kính không đúng độ, người bệnh có thể chọn các cửa hàng kính mắt có thương hiệu lâu năm để cắt kính. Hoặc, đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được đo chính xác số độ cận, viễn, loạn.
Theo bác sĩ Loan, thông thường, mắt sau khi cắt kính mới sẽ cần khoảng một vài ngày để làm quen. Tuy nhiên, nếu quá thời gian một tuần mà các triệu chứng không khỏi, mắt căng, đau, nhức thì người bệnh nên đi khám và kiểm tra lại. Ngoài ra, người đã bị tật khúc xạ có thể duy trì đi khám mắt định kỳ từ 3 đến 6 tháng một lần để được thăm khám và cắt lại số kính phù hợp.
Nguồn bài viết: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nguy-co-nhuoc-thi-do-deo-kinh-khong-dung-voi-do-can-cua-mat-20230411150439096.htm