Đang điều trị viêm loét dạ dày tá tràng nên lựa chọn ăn gì?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Song song với việc thực hiện đúng phác đồ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng do bác sĩ chỉ định, người bệnh cũng cần kết hợp một chế độ ăn khoa học, lựa chọn những thực phẩm phù hợp để mang lại hiệu quả điều trị là tốt nhất.

1. Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày – tá tràng là loại bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến hàng đầu đến từ nhiều nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân chiếm tới 90% ca bệnh đến từ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Các nguyên nhân khác bao gồm lạm dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), ăn uống bất hợp lý, uống quá nhiều rượu bia, hút thuốc lá, stress căng thẳng cao độ,…

Viêm loét dạ dày tá tràng ở giai đoạn đầu có thể xảy ra đột ngột (viêm cấp tính), lâu dần xuất hiện từ từ theo thời gian (viêm mãn tính). Trong trường hợp, viêm loét dạ dày mạn tính không được điều trị tốt có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như hẹp môn vị, xuất huyết, cấp cứu thủng dạ dày, ung thư dạ dày,…

Chính vì vậy, việc chủ động thăm khám và điều trị sớm viêm loét dạ dày tá tràng là hết sức cần thiết.

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên chủ động thăm khám sớm để được chỉ định điều trị đúng cách.

2. Mối liên hệ giữa chế độ ăn và hiệu quả điều trị bệnh viêm loét

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa nên một chế độ ăn có ảnh hưởng quyết định tới diễn biến bệnh. Cụ thể:

– Khi bạn ăn uống hợp lý, khoa học như ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, ăn đủ chất, ăn đúng bữa đúng giờ,… sẽ giúp dạ dày giảm co thắt cũng như giảm tiết dư thừa axit. Điều này giúp giảm triệu chứng đau bụng, ngăn ngừa hình thành nên các vết loét mới cũng như hỗ trợ thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương.

– Khi bạn ăn uống thất thường, ăn nhiều đồ ăn cay nóng chua hay các thực phẩm không tốt, uống rượu bia, hút thuốc lá,.. sẽ làm tình trạng viêm loét ngày một nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng tới kết quả điều trị, bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần.

Thực hiện chế độ ăn khoa học có lợi cho người bệnh viêm loét dạ dày

Chế độ ăn khoa học đóng vai trò quyết định tới quá trình điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.

3. Thực phẩm tốt cho người đang điều trị viêm loét dạ dày tá tràng

Người bệnh điều trị viêm loét nên tăng cường các nhóm thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, các loại thực phẩm giúp hỗ trợ tốt việc chữa lành các vết loét, thực phẩm có khả năng giảm tiết acid và nhóm thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất:

3.1. Sữa, trứng

Sữa và trứng có tác dụng tạo đệm trung hòa acid trong dạ dày tốt cho người bệnh viêm loét. Tuy nhiên, bạn cũng cần lựa chọn các sản phẩm sữa phù hợp như sữa ít béo, bơ tách béo, phô mát ít béo và ăn lượng trứng vừa phải có thể là 3-4 quả/tuần là đủ.

3.2. Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng nên ăn nhiều rau xanh

Rau xanh cung cấp giàu chất xơ và magie. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các loại củ, quả mọng cũng rất tốt. Khi bổ sung nhóm thực phẩm này sẽ cải thiện tốt tình trạng rối loạn tiêu hóa, giảm gánh nặng lên dạ dày và hỗ trợ điều trị viêm loét.

3.3. Thực phẩm probiotic

Thực phẩm probiotic phổ biến nhất chính là sữa chua. Sữa chua chứa nguồn lợi khuẩn rồi rào giúp cân bằng đường ruột và ổn định hệ tiêu hóa.

Đang điều trị viêm loét dạ dày tá tràng nên ăn sữa chua

Sữa chua giúp tăng cường lợi khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa rất tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

3.4. Ngũ cốc

Các loại ngũ cốc như ngũ cốc họ đậu, lúa mì, yến mạch, các loại hạt,… có hàm lượng chất xơ khá cao. Vì thế chúng rất tốt cho hoạt động đường tiêu hóa đồng thời cân bằng lượng axit dư thừa trong dạ dày.

3.5. Thực phẩm chống oxy hóa và bổ sung vitamin

Thực phẩm chống oxy hóa có thể tìm thấy trong nghệ, cà chua, cà rốt, đu đủ, bông cảnh xanh,… Chúng có tác dụng giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và tham gia làm lành vết loét.

Những thực phẩm bổ sung vitamin A, B, C, D, E, K, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magie,… có lợi cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Hãy bổ sung khoai lang, khoai tây, thanh long, rau xanh đậm, ớt chuông,… vào thực đơn của bạn. Vitamin có khả năng tái cấu trúc lớp niêm mạc dạ dày cũng như tăng đề kháng giúp cơ thể khỏe mạnh.

3.6. Dầu thực vật

Sử dụng dầu thực vật thay mỡ động vật có tác dụng làm giảm bài tiết dịch vị và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

3.7. Hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong – Bài thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng phổ biến

Đây là bài thuốc đông y được áp dụng rộng rãi trong điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng. Nghệ có tác dụng chống viêm tốt, giảm tiết dịch vị, kiềm hoá nồng độ acid của dịch vị. Mật ong giúp điều hòa nồng độ acid ở dạ dày, tránh tình trạng kích ứng dạ dày.

Bên cạnh việc lựa chọn đúng các thực phẩm phù hợp, người bệnh điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cũng cần quan tâm nhiều tới thói quen ăn uống, lối sống sinh hoạt lành mạnh như:

– Ăn đúng giờ, ăn đủ bữa.

– Ăn chậm, nhai kỹ, mỗi khi ăn cần tập trung.

– Ăn uống điều độ, không ăn quá no trong một bữa hoặc để bụng đói quá lâu. Tốt nhất nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong một ngày là tốt nhất.

– Làm việc và nghỉ ngơi cần được cân đối, tránh căng thẳng quá độ.

– Không thức khuya.

– Thận trọng khi sử dụng các nhóm thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh,…

– Chủ động thăm khám sức khỏe tiêu hóa định kỳ nhất là ở những người từ 40 tuổi.

Như vậy, ngoài việc tuân thủ nghiêm túc chỉ định phác đồ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng thì người bệnh cần thực hiện chế độ ăn khoa học bao gồm các thực phẩm phù hợp và thói quen lành mạnh để hỗ trợ việc điều trị diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital