Do đặc thù công việc văn phòng thường xuyên phải ngồi một chỗ, ít vận động, làm việc với cường độ cao, cộng thêm những ảnh hưởng từ điều hòa, máy vi tính,…khiến dân văn phòng phải đối mặt với nhiều bệnh lý về thần kinh, xương khớp, đặc biệt là chứng đau lưng
Phần lớn nhân viên văn phòng thường gặp các triệu chứng như đau đầu, người hay mệt mỏi, béo phì, stress, phổ biến hơn cả là chứng bệnh về cột sống, khớp và thần kinh tọa.
Menu xem nhanh:
Những nguyên nhân không ngờ gây đau lưng ở dân văn phòng
Tư thế làm việc không đúng: Ngồi quá lâu với một tư thế, khom cúi lâu cũng có thể gây mệt mỏi, tổn thương cơ bắp và dẫn đến đau lưng mạn tính. Hay do những thao tác làm việc đơn điệu và lặp lại nhiều lần cũng có thể là nguyên nhân gây đau nhức.
Anh Bùi Nam (34 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa) chia sẻ: “Công việc của tôi phần lớn thời gian là làm việc bên máy tính, vì ít vận động nên tôi rất hay bị đau mỏi lưng, mỏi vai, gần đây lưng tôi có triệu chứng đau cứng khó vận động, đi khám thì được các bác sĩ cho biết do tôi ngồi làm việc quá lâu, lại có thói quen khom lưng, gây áp lực lên cột sống và gây đau lưng. Giờ đây tôi cần thư giãn trong khi làm việc, tránh ngồi quá lâu,…”
Đau lưng vùng cột sống là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa. Đồng thời, việc ít vận động hàng ngày sẽ dẫn đến tình trạng xương trở nên dòn, xốp, nguy cơ loãng xương cùng các biểu hiện như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, thoái hóa cột sống.
Biện pháp phòng bệnh đau lưng ở dân văn phòng
Ngồi đúng tư thế: Chú ý trong tư thế khi ngồi, giữ cho vùng lưng thẳng. Thay đổi tư thế thường xuyên, cần thiết đứng lên đi lại sau khoảng 30 – 45 phút làm việc, vận động nhẹ, vươn vai hoặc ưỡn người để cơ thể, cột sống lưng và mắt được thư giãn. Việc ngồi đúng tư thế và thường xuyên thư giãn giữa giờ sẽ giúp giảm áp lực lên cột sống, giảm đau mỏi lưng, đồng thời giúp cho các mạch máu cũng được lưu thông tốt hơn.
Cần thiết điều chỉnh chiều cao ghế sao cho chân để vững chắc trên sàn nhà, đùi luôn song song với mặt đất, để bàn chân phải nâng đỡ được trọng lượng của cơ thể.
Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp tập luyện tại chỗ: cân bằng việc ngồi, đứng, đi bộ, tập thở và các hoạt động thể dục với ghế ngay tại nơi làm việc.
Tập thói quen vận động trong công việc như đi lại lấy đồ, photo tài liệu, lấy giấy in, lấy nước uống…trong khi làm việc, đi cầu thang bộ thay cho thang máy,…
Tập thể dục thường xuyên, lựa chọn hình thức thể dục phù hợp với điều kiện sức khoẻ, duy trì tập luyện đều đặn.
Từ bỏ những thói quen không tốt: hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn vặt, xem phim, chơi game…
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: tránh ăn nhiều chất béo, nên lựa chọn thức ăn chế biến dưới dạng hấp, luộc; không ăn mặn, không nên dùng thêm nước chấm khi ăn. Bổ sung thêm rau, củ quả, tăng cường chất xơ cho cơ thể.
Uống đủ nước để cơ thể duy trì được các hoạt động và giúp thanh lọc cơ thể. Mỗi ngày nên uống 1,5 – 2 lít nước.
Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe định kỳ vẫn luôn là cách tốt nhất phòng ngừa và điều trị bệnh kịp thời. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ không chỉ nhằm mục đích tìm bệnh, hoạt động này còn có ý nghĩa phát hiện cảnh báo sớm các yếu tố nguy cơ, ngăn ngừa bệnh phát triển, cũng như điều trị bệnh ở giai đoạn mầm mống.