Bệnh cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm do một virus cúm type A gây nên. Cúm A/H5N1 là bệnh đặc biệt nguy hiểm nhưng có thể kiểm soát và phòng tránh được. Cùng tìm hiểu về loại cúm này và cách phòng chống qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Cúm A/H5N1 và con đường lây nhiễm
1.1 Bệnh cúm A/H5N1 là gì?
Bệnh cúm A/H5N1 là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm ở gia cầm. Bệnh do virus cúm A, chủng H5N1, họ Orthomyxoviridae gây nên.
Chủng H5N1 đặc biệt nguy hiểm bởi những đặc điểm đáng chú ý như:
– Virus có tính biến dị nhanh, khả năng sinh bệnh cao
– Chứa gen của nhiều loại virus lây nhiễm từ nhiều loại động vật khác
– Tốc độ lan truyền cao
– Có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ các loại gia cầm sang người
– Sống tới 6 ngày trong phân gia cầm ở 37 độ C, ít nhất 35 ngày ở nhiệt độ 4 độ C và trong nhiều năm nếu ở môi trường đóng băng.
Đặc biệt, virus có khả năng lây sang người và gây bệnh ở nhiều mức độ khác nhau, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
1.2 Con đường lây bệnh của cúm A/H5N1 ở người
– Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm: Cúm A/H5N1 dễ dàng lây lan khi con người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và chất thải của gia cầm nhiễm bệnh khi chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ… Thậm chí, khi tiếp xúc với gia cầm khỏe mạnh nhưng đã mang virus A/H5N1, bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh.
– Đường ăn uống: Nếu không thực hiện đúng các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì nguy cơ mắc bệnh cũng rất cao. Khi ăn tiết canh, trứng, thịt và các chế phẩm khác của gia cầm mắc bệnh thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh này.
– Lây qua đường không khí: Là một căn bệnh do virus gây ra, cúm A/H5N1 có khả năng lây truyền trong không khí, qua những giọt nước li ti khi người bệnh hắt hơi, tiết dịch nhày mũi…chứa virus.
Mùa đông thời tiết trở lạnh là điều kiện thuận lợi virus cúm A/H5N1 dễ lây lan, khiến bệnh dễ bùng phát thành dịch.
2. Các dấu hiệu cúm A chủng H5N1 ở người
Các triệu chứng của cúm A/H5N1 thường giống với cúm thông thường hoặc kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Các dấu hiệu sớm của cúm A/H5N1 thường bắt đầu trong vòng 2 – 5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng, điển hình nhất là:
– Sốt cao đột ngột, người bệnh có thể sốt trên 38 độ C
– Đau ngực
– Khó thở
Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh cúm A/H5N1 có thể gặp là:
– Ho khan
– Đau họng
– Đau đầu
– Đau nhức cơ
– Mệt mỏi rã rời
– Đau bụng
– Nôn ói
– Tiêu chảy
3. Biến chứng của cúm A/H5N1
Cúm A chủng H5N1 diễn biến nhanh và có thể gây các biến chứng như:
– Tổn thương kết mạc
– Tổn thương hệ hô hấp (bội nhiễm phế quản – phổi, viêm phổi, bội nhiễm tai mũi họng, suy hô hấp…)
– Tổn thương hệ thần kinh (phù não, viêm màng não lympho…)
– Suy đa tạng
– Suy giảm hệ miễn dịch
– Viêm màng ngoài tim
– Viêm cơ tim
– Đông máu nội mạch
Bởi vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào của cúm A/H5N1 như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi,… bạn nên tới bác sĩ để kiểm tra xem mình có thật sự bị nhiễm cúm A hay không, để điều trị đúng nguyên nhân, theo dõi và chăm sóc hiệu quả hơn; ngăn nguy cơ xảy ra biến chứng, tránh gây nguy hiểm tới tính mạng.
4. Điều trị bệnh cúm A chủng H5N1 như thế nào?
Khi phát hiện nhiễm bệnh cúm A/H5N1, người bệnh cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt trong 48 giờ từ khi khởi phát dấu hiệu. Điều này giúp hạn chế nguy cơ bệnh trở nặng. Thuốc kháng virus oseltamivir (Tamiflu) thường được sử dụng trong điều trị cúm A/H5N1 bởi thuốc có khả năng giúp giảm mức độ nguy hiểm của bệnh, giảm nguy cơ tử vong.
Nếu có các triệu chứng như sốt cao, ho có đờm, đau khớp,… người bệnh sẽ dùng thêm thuốc để giảm các triệu chứng. Các thuốc thường được kê theo chỉ định bác sĩ gồm thuốc hạ sốt, chống viêm corticosteroid, kháng sinh…
Nếu được điều trị tại nhà, người bệnh vẫn cần tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, đồng thời thực hiện một số việc làm dưới đây:
– Dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi
– Chú ý duy trì môi trường thoáng khí, nhiệt độ phòng vừa phải, không quá nóng hoặc lạnh, hạn chế nằm trong phòng máy lạnh
– Giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên sát khuẩn họng bằng nước muối loãng nhiều lần trong ngày; xịt mũi đúng cách để hạn chế viêm nhiễm đường hô hấp
– Ăn chín uống sôi, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng ưu tiên các món dễ tiêu
– Uống nhiều nước
5. Cách phòng ngừa căn bệnh cúm A/H5N1
Hiện tại, thuốc đặc trị hay phòng ngừa cúm A/H5N1 vẫn đang được nghiên cứu. Do đó để phòng ngừa H5N1, chúng ta cần tập trung vào các yếu tố vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, gia cầm nhiễm bệnh và nâng cao sức khỏe.
5.1 Biện pháp phòng chống cúm A/H5N1 tại cơ sở y tế
– Hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân đã được xác định nhiễm virus cúm A/H5N1
– Sử dụng các phương tiện như khẩu trang, kính, mũ, quần áo phòng hộ khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc tiếp xúc với các đồ dùng, bề mặt môi trường liên quan đến bệnh nhân
5.2 Biện pháp phòng tránh bệnh cúm A/H5N1 trong cộng đồng
Vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong ăn uống
– Vệ sinh, sát khuẩn đường mũi họng hàng ngày
– Không sử dụng thịt hoặc các sản phẩm của gia cầm mắc bệnh
– Nấu chín thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm
Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh
– Tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc gia cầm mắc bệnh
– Đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo, rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh
Tăng cường sức khỏe để phòng bệnh hiệu quả
– Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể là cách phòng bệnh cúm A/H5N1 hiệu quả.
– Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như sốt cao, khó thở, đau đầu, đau cơ, đau ngực, mệt mỏi, đau họng, ho,… người bệnh không nên chủ quan mà cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.