Suy tim trái là một tình trạng nguy hiểm khi phần bên trái của tim không thể hoạt động hiệu quả, khiến việc bơm máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể bị gián đoạn. Các nguyên nhân suy tim trái rất đa dạng, gồm các yếu tố gây tích tụ, ứ đọng máu trong tim trái, cản trở quá trình bơm máu hoặc khiến cho tim trái làm việc nhiều hơn. Cùng tìm hiểu cơ chế và nguyên nhân gây suy tim trái trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Quá trình suy tim trái diễn ra như thế nào?
1.1 Cơ chế chung gây suy tim trái
Tim trái có nhiệm vụ là mang máu giàu oxy từ phổi vào vòng tuần hoàn đến nuôi dưỡng khắp các tế bào của cơ thể. Khi tim trái bị suy yếu, các chức năng này sẽ bị suy giảm, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Suy tim trái thường khởi đầu bằng một hoặc một số bệnh lý làm tổn thương cơ tim, làm mất các tế bào cơ tim đang hoạt động. Một số trường hợp các tổn thương này làm gián đoạn khả năng hoạt động của cơ tim, cản trở quá trình co bóp bình thường của tim trái.
1.2 Cơ chế bù trừ khi tim trái suy yếu
– Giai đoạn còn bù
Thông thường, trong giai đoạn đầu của suy tim nói chung và suy tim trái nói riêng, hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ. Chính các cơ chế bù trừ của cơ thể là “chìa khóa” giúp thực hiện điều này.
Cụ thể, khi chức năng co bóp của tim bị suy giảm, tâm thất sẽ giãn ra để tăng sức co bóp của tim. Các thành tim cũng có thể tăng bề dày để giảm hậu gánh, tăng thể tích tống máu. Ngoài ra hệ thần kinh thể dịch và hệ thần kinh giao cảm cũng được hoạt hóa để tăng sức co bóp và tăng tần số tim. Mục đích cuối cùng là duy trì cung lượng tim bằng cách tăng giữ muối, nước và tăng khả năng co bóp của cơ tim.
– Giai đoạn mất bù
Các triệu chứng thường chỉ rõ ràng khi các rối loạn chức năng đã xuất hiện sau một thời gian dài và khi tim không còn khả năng bù trừ.
Lúc này, tim trái đã rất suy yếu, không thể bơm được hết lượng máu đã nhận được từ các tĩnh mạch phổi ra ngoài vòng tuần hoàn lớn. Điều này dẫn đến tình trạng tích tụ máu ở vòng tuần hoàn nhỏ, gây ứ máu ở phổi hay “sung huyết phổi”. Hậu quả là dịch sẽ từ mao mạch thoát ra, đi vào trong phế nang của phổi, khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc trao đổi khí, dẫn đến khó thở.
Ở giai đoạn suy tim trái mất bù, tim cũng không bơm đủ lượng máu đi nuôi cơ thể, làm cho các mô và cơ quan bị thiếu máu, oxy và các chất dinh dưỡng, dẫn đến suy đa cơ quan.
Bệnh nhân suy tim ở giai đoạn này có tỷ lệ tử vong hoặc gặp phải các biến chứng như suy tim phải, suy gan, suy thận, rối loạn nhịp,…
2. Các nguyên nhân suy tim trái phổ biến
Nguyên nhân gây suy tim trái gồm các yếu tố gây tích tụ, ứ đọng máu trong tim trái, cản trở quá trình bơm máu hoặc khiến cho tim trái làm việc nhiều hơn, cụ thể là:
2.1 Tăng huyết áp là nguyên nhân suy tim trái phổ biến
Đây là nguyên nhân gây suy tim trái phổ biến nhất. Huyết áp động mạch tăng cao làm tăng sức cản của thành mạch, cản trở sự tống máu của tâm thất trái. Khi đó tim trái phải co bóp mạnh để thắng sức cản này dẫn đến suy yếu dần theo thời gian.
2.2 Hở van hai lá
Van hai lá là một trong 4 van tim trong cơ thể, nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái, có nhiệm vụ mở ra khi nhĩ trái co bóp tống máu xuống thất trái và đóng lại để máu không trào ngược lại tâm nhĩ. Khi van này bị hở tức là không đóng được hoàn toàn, mỗi lần tim bóp sẽ có một lượng máu phụt trở lại nhĩ trái khiến thất trái không được đổ đầy. Lúc này cơ tim phải co bóp nhiều và mạnh hơn để đảm bảo bù lại lượng máu thiếu hụt, lâu ngày sẽ dẫn tới suy tim trái.
2.3 Hở van động mạch chủ
Tương tự cơ chế của hở van 2 lá, ở bệnh nhân bị hở van động mạch chủ, một phần máu từ động mạch chủ sẽ trở lại tâm thất trái do van động mạch chủ không đóng được hoàn toàn ở thì tâm trương. Điều này buộc tim phải làm việc nhiều hơn, co bóp mạnh ở thì tâm thu, dẫn đến suy yếu theo thời gian.
2.4 Bệnh cơ tim
Nhồi máu cơ tim là một trong những biến cố tim mạch nguy hiểm nhất. Ở đó động mạch nuôi dưỡng bị tắc nghẽn khiến cơ tim không được tưới máu và bị hủy hoại. Ngoài ra cơ tim còn bị tổn thương do một số vấn đề cơ tim khác như thiếu máu cơ tim, phì đại cơ tim, viêm cơ tim,…khiến quá trình co bóp và bơm máu của tim giảm.
2.5 Các nguyên nhân suy tim trái khác
Ngoài các bất thường về cấu trúc và tổn thương kể trên, một số nguyên nhân khác gây suy tim trái có thể kể đến như:
– Tăng áp động mạch phổi
– Bệnh tim bẩm sinh, điển hình là hẹp eo động mạch chủ
– Nhịp nhanh kịch phát trên thất
– Cơn cuồng động nhĩ
– Rung nhĩ nhanh
– Đái tháo đường
Quá trình này có thể khởi phát đột ngột (trong các trường hợp nhồi máu cơ tim) nhưng cũng có thể diễn tiến từ từ trong những trường hợp tăng huyết áp, bệnh cơ tim…
3. Suy tim trái khi nào cần được điều trị?
Suy tim trái nếu không được điều trị sớm có thể tiến triển rất nhanh, gây suy yếu phần còn lại của tim và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác. Do vậy, cần phát hiện và điều trị ngay từ sớm bằng việc thay đổi lối sống kết hợp với dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu có các yếu tố nguy cơ như tuổi cao, từng mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường, bạn hãy chủ động khám Tim mạch để được kiểm tra xem có mắc bệnh suy tim không, nguyên nhân và mức độ bệnh ra sao để có phương án điều trị phù hợp.
Bài viết trên đây vừa cung cấp những kiến thức về cơ chế và nguyên nhân suy tim trái, hi vọng đã giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh này, nâng cao ý thức chủ động thăm khám để kiểm soát bệnh tốt, bảo vệ sức khỏe.