Sưng phù chân, bụng là dấu hiệu thường gặp ở những bệnh nhân xơ gan giai đoạn nặng. Cơ chế gây phù do xơ gan và cách giảm phù ở những người mắc bệnh này sẽ được chia sẻ trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Hiện tượng phù là gì và phù do xơ gan có đặc điểm gì?
Phù là triệu chứng xuất hiện khi dịch trong lòng mạch thoát ra ngoài, ứ tại các mô xung quanh. Các vị trí xuất hiện triệu chứng phù thường là 2 chi dưới, 2 chi trên, mi mắt. Cũng có những trường hợp tình trạng phù xảy ra ở toàn thân.
Triệu chứng phù có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp nhất là suy thận, suy tim (đặc biệt là suy tim phải), xơ gan, suy dinh dưỡng, bệnh lý tĩnh mạch…
Phù do xơ gan thường là phù mềm, ấn lõm. Tức là khi ấn vào chân, tay, bụng sẽ để lại vết lõm và sau 1 – 2 phút da mới căng trở lại). Chỗ ấn vào có màu trắng, không gây cảm giác đau khi ấn. Phù ở bệnh nhân xơ gan thường khởi phát từ 2 chân, ở các vị trí sát xương như mắt cá chân, mặt trước của cẳng chân. Ở giai đoạn cuối bệnh nhân có thể gặp tình trạng phù toàn thân, phù ổ bụng, còn được gọi là xơ gan cổ trướng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân xơ gan có thể gặp các triệu chứng khác như: vàng da, vàng mắt, tuần hoàn bàng hệ, trĩ, xuất huyết tiêu hóa…
2. Cơ chế gây phù do xơ gan diễn ra như thế nào?
Xơ gan là bệnh lý liên quan đến sự hình thành các mô sẹo do các tế bào gan bị tổn thương trong một khoảng thời gian dài. Các mô xơ xuất hiện ngày càng nhiều thì khả năng hoạt động của gan càng giảm. Các tế bào gan còn lành cũng phải hoạt động nhiều hơn khả năng vốn có để bù trừ hoạt động cho đáp ứng nhu cầu đào thải chất độc của cơ thể.
Tùy từng giai đoạn phát triển của bệnh mà bệnh nhân sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Trong đó, triệu chứng phù thường xuất hiện ở giai đoạn F3, F4. Các chế chế gây ra tình trạng phù ở bệnh nhân xơ gan gồm:
2.1 Tăng áp tĩnh mạch cửa – Cơ chế gây phù do xơ gan chủ yếu
Các tế bào gan bị xơ hóa, hình thành sẹo sẽ mất/giảm chức năng bình, làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Điều này cũng khiến áp lực từ các tĩnh mạch của ruột non, tĩnh mạch lách tăng do cùng đổ về tĩnh mạch cửa. Đây là cơ chế gây ra tình trạng cổ trướng (phù trong ổ bụng) và phù 2 chi dưới. Các tĩnh mạch dưới da lúc này cũng nổi rõ hơn bình thường.
2.2 Giảm áp lực keo
Mặt khác, gan là nơi tổng hợp nhiều loại protein quan trọng cho cơ thể, trong số đó có albumin. Chất giúp tạo nên áp lực keo để giữ nước lại trong lòng mạch. Nhưng khi chức năng gan suy giảm, khả năng tổng hợp albumin cũng giảm. Điều này gây giảm áp lực keo, khiến nước trong lòng mạch dễ dàng thoát ra ngoài và gây phù.
2.3 Cơ chế gây phù do xơ gan do tăng hormone Aldosteron
Thông thường khi các cơ quan cơ thể bị rò rỉ mao mạch thì thận sẽ có phản ứng giữ lại nhiều hơn natri và nước để bù đắp lượng chất lỏng bị mất đi.
Gan là nơi đào thải, giáng hóa nhiều loại hormone quan trọng, trong đó có Aldosteron, có vai trò kiểm soát tái hấp thu muối nước. Ở những người bị xơ gan hiện tượng giãn mạch tạng và các động mạch ngoại biên khiến máu nuôi các cơ quan cũng giảm, trong đó có thận. Điều này kích hoạt hệ thống RAA (Renin-Angiotensin-Aldosteron), làm tăng tái hấp thu muối và nước tại các ống thận. Lúc này thể tích dịch trong lòng mạch tăng lên đột ngột, gây ứ dịch trong cơ thể và gây phù, trướng nhiều hơn.
3. Phù trong xơ gan có phải tình trạng nguy hiểm không?
Phù do xơ gan thường xảy ra ở giai đoạn nặng, có thể kèm theo các biến chứng nguy hiểm như:
– Nhiễm trùng
– Hội chứng gan – thận (HRS)
– Hội chứng gan – phổi (HPS)
– Vấn đề xương khớp, tăng nguy cơ gãy xương.
Nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
4. Làm thế nào để giảm triệu chứng phù do xơ gan?
Phù thường xảy ra ở giai đoạn xơ gan nặng và cảnh báo nhiều nguy hiểm. Việc hạn chế tình trạng phù do xơ gan là rất quan trọng giúp người bệnh cải thiện sức khỏe và cảm thấy thoải mái hơn.
Một số biện pháp thay đổi lối sống giúp bệnh nhân dễ chịu hơn khi bị phù do xơ gan:
4.1 Ăn nhạt
Hạn chế muối trong khẩu phần ăn bằng cách giảm lượng gia vị khi nêm nếm, hạn chế các loại thức ăn có lượng muối cao như đồ hộp, đồ chế biến sẵn…
4.2 Cố gắng đảm bảo cân bằng lượng nước trong cơ thể
Người bệnh bị phù do xơ gan cần bổ sung lượng nước uống hơp lý, không uống nước quá nhiều cũng như quá ít. Lượng nước này được tính dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân và dựa vào lượng nước tiểu và lượng nước mất không nhìn thấy được. Bạn nên đi khám để xác định lượng nước phù hợp mà cơ thể cần và điều chỉnh phù hợp.
4.3 Kê cao chân khi nằm ngủ
Điều này giúp tăng cường lượng máu tĩnh mạch đổ về tim, tránh tình trạng máu ứ quá lâu gây phù.
4.4 Tập luyện thể dục
Luyện tập thể dục một cách vừa phải giúp tăng cường lưu thông máu trong cơ thể.
4.5 Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ
Đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ có thể khiến chân tay của bạn tê cứng, làm trầm trọng hơn tình trạng phù. Nên dành thời gian cho chân nghỉ ngơi để hạn chế tình trạng này.
4.6 Thận trọng khi sử dụng một số loại thuốc
Một số loại thuốc điều trị có thể gây ứ dịch như thuốc kháng viêm corticoid, một số loại giảm đau không steroid… Nên thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ khi uống các loại thuốc này nếu phải sử dụng trong điều trị các bệnh lý.
Tình trạng phù do xơ gan thường cảnh báo tình trạng nguy hiểm, cần được điều trị và kiểm soát càng sớm càng tốt. Tuân theo phác đồ điều trị phù do xơ gan mà bác sĩ đưa ra và thực hiện lối sống lành mạnh là bí quyết giúp bệnh sớm cải thiện bệnh.