Cơ chế bệnh parkinson và rối loạn đường tiểu

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Khoảng ⅔ bệnh nhân parkinson bị rối loạn đường tiểu. Nếu không được quan tâm và điều trị đúng cách, người bệnh parkinson có thể gặp biến chứng nhiễm trùng đường tiểu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Cùng tìm hiểu cơ chế bệnh parkinson và rối loạn đường tiểu trong bài viết dưới đây.

1. Cơ chế bệnh parkinson

1.1 Giải phẫu sinh lý

Khả năng vận động của con người phụ thuộc vào vỏ não (thùy trán) và các nhân xám trung ương (liềm đen, nhân bèo, nhân dưới đồi,…). Ở một người bình thường, quá trình hưng phấn và ức chế giữa các thành phần của nhân xám cân bằng. Nhưng ở bệnh nhân parkinson, lượng dopamine giảm gây mất cân bằng giữa sự hưng phấn và ức chế trong hệ thống nhân xám, điều này làm giảm hoạt hóa vỏ não và gây rối loạn vận động.

1.2 Quan điểm sinh hóa

Theo quan điểm này thì cơ chế bệnh parkinson là do mất cân bằng giữa hai chất dopamine và acetylcholin. Ở một người bình thường, dopamine (chất ức chế hoạt tính của nhân đuôi, tập trung nhiều ở nhân đuôi, nhân bèo và liềm đen) cân bằng với acetylcholin (kích thích hoạt tính của nhân đuôi). Với bệnh nhân parkinson, lượng dopamine giảm sẽ khiến hoạt tính của acetylcholin tăng lên gây mất cân bằng giữa 2 chất này và gây triệu chứng căng cứng.

Bên cạnh đó, lượng dopamine suy giảm ở bệnh nhân parkinson còn gây ra sự rối loạn nhiều chất dẫn truyền thần kinh khác như serotonin, cholecystokinin, enkephalin,…

1.3 Thiếu oxy hóa

Ở người bệnh parkinson quá trình oxy hóa protid, lipid tăng cao hơn bình thường, điều này tạo ra nhiều gốc tự do có hại cho tế bào nói chung, đặc biệt là tế bào não. Các chất oxy hóa này có thể gây nhiễm độc thần kinh, làm suy giảm lượng dopamine.

Ngoài ra, nói đến cơ chế bệnh parkinson có một quan điểm mới đó là hiện tượng chết tế bào theo chương trình (apoptosis). Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn đang được nghiên cứu.

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh parkinson chưa được biết rõ, nhiều quan điểm cho rằng chúng có liên quan đến cả yếu tố di truyền và môi trường.

Cơ chế bệnh parkinson

Bệnh parkinson xảy ra do sự suy giảm chất đen trong não.

2. Mối quan hệ giữa bệnh parkinson và rối loạn đường tiểu

Khoảng 2/3 bệnh nhân bị bệnh Parkinson cho biết có bị rối loạn tiểu tiện. Bàng quang (bọng đái) là một thành phần chủ chốt của đường tiểu, nó chịu trách nhiệm điều hòa 2 chức năng của đường tiểu, đó là lưu trữ nước tiểu, và co bóp giải phóng nước tiểu khi cần. Khi có rối loạn tiểu tiện, thì những chức năng này của bàng quang bị suy giảm. Khi nước tiểu còn đang được tích trong bàng quang, thì bàng quang lại gửi tín hiệu sai lầm tới não, báo là bàng quang đã bị đầy nước tiểu, dù là thực ra vẫn chưa đầy. Như thế bàng quang trở nên quá nhạy cảm, bệnh nhân cảm thấy phải đi tiểu thường xuyên hơn.

Đồng thời khả năng kìm tiểu cũng bị suy giảm. Bàng quang trở nên khó kìm hãm hơn khi bị mắc tiểu. Triệu chứng này trở nên gây phiền toái khi bạn đang ở nơi công cộng.

Một vấn đề nữa là giảm khả năng làm cạn bàng quang. Do ứ đọng nước tiểu nên phải đi tiểu thường xuyên hơn. Nếu như bàng quang không được thường xuyên làm cạn theo chu kỳ ñi tiểu, thì sẽ tăng khả năng bị nhiễm trùng đường tiểu. Rối loạn tiểu trước tiên sẽ xuất hiện vào ban đêm, được gọi là chứng tiểu đêm (nocturia). Khi đó, nó sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn. Nếu giấc ngủ đêm không được đầy đủ, thì sẽ bị chứng buồn ngủ quá mức ban ngày (chứng ngủ rũ). Ngoài ra, nếu một người bệnh Parkinson phải đi tiểu đêm trong nhà vệ sinh nhiều lần, thì nguy cơ bị té ngã cũng tăng lên.

cơ chế bệnh parkinson và rối loạn đường tiểu

Khoảng 2/3 bệnh nhân bị bệnh Parkinson cho biết có bị rối loạn tiểu tiện, điều này gây nhiều bất tiện cho người bệnh trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

3. Biểu hiện

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là tình trạng đi tiểu thường xuyên hơn. Ngay sau khi vừa đi tiểu xong, người bệnh vẫn buồn đi tiểu, mỗi lần đi tiểu thường nhỏ nhọt và không thể kìm tiểu được. Rò rỉ nước tiểu cũng là một trong những biểu hiện của rối loạn tiểu tiện.

cơ chế bệnh parkinson gây rối loạn đường tiểu

Ngay sau khi vừa đi tiểu xong, người bệnh vẫn buồn đi tiểu, mỗi lần đi tiểu thường nhỏ nhọt và không thể kìm tiểu được.

4. Cách xử trí khi bị rối loạn chức năng đường tiểu

Nếu chủ quan bỏ qua, rối loạn chức năng đường tiểu kéo dài sẽ gây biến chứng nhiễm trùng đường tiểu. Bước đầu tiên là bạn nên báo cho những người săn sóc sức khỏe mình được biết. Nhờ đó, có thể bạn sẽ được đưa tới bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu, bác sĩ sẽ khám và xác định xem liệu nguyên nhân rối loạn tiểu có phải là do bệnh Parkinson hay không, hoặc tìm xem liệu còn có yếu tố gây bệnh khác không, ví dụ như nhiễm trùng tiểu. Một trong những triệu chứng nhiễm trùng tiểu là cảm giác đau buốt hoặc nóng khi đi tiểu.

Ngoài parkinson còn có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiểu như: bệnh tuyến tiền liệt (u xơ tiền liệt tuyến), nhiễm trùng đường tiểu, bệnh tiểu đường, tác dụng phụ của một số thuốc gây lợi tiểu,…

Bên cạnh việc thăm khám với bác sĩ, bạn cũng nên lưu ý một số điều sau để cải thiện tình trạng rối loạn chức năng đường tiểu được tốt hơn:

– Giảm bớt đồ uống có tính lợi tiểu như những thức uống có chứa caffeine, cồn, trà, nước ép bưởi.

– Không nên uống nhiều nước ngay trước giờ đi ngủ vì điều này dễ khiến bạn buồn tiểu vào ban đêm, gây ảnh hưởng tới giấc ngủ.

– Uống đủ nước mỗi ngày. Bạn không nên vì sợ phải đi tiểu nhiều lần mà ngại uống nước, việc “lười” không uống đủ nước sẽ khiến cơ thể khó đào thải các chất độc, điều này ảnh hưởng đến não bộ và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

– Nên mặc quần áo thoải mái, ban đêm nếu hay đi tiểu nhiều lần người bệnh có thể dùng bỉm hoặc quần lót bông thấm nước.

– Có thể tập luyện làm tăng sức cơ vùng chậu ñể làm tăng khả năng kiểm soát việc tiểu tiện của bạn. Bạn cũng có thể làm tăng khả năng kiểm soát đường tiểu, bằng cách tập kìm tiểu và tập đi tiểu chủ động. Việc tập cho bàng quang cũng sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của rối loạn tiểu. Việc tập bao gồm đi tiểu theo một lịch trình cố ñịnh, dù rằng bạn chưa cảm thấy mắc tiểu. Nếu những biện pháp này vẫn chưa đủ giúp cho bạn, thì bác sĩ khoa tiết niệu sẽ có thể bắt đầu cho bạn dùng thuốc.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital