Glocom hay còn gọi là tăng nhãn áp/thiên đầu thống vô cùng nguy hiểm. Mắc glocom, bệnh nhân có thể mất một phần hoặc toàn phần thị lực vĩnh viễn. Vậy, với nền y học hiện đại, bệnh glocom có chữa được không? Nếu được thì phương pháp chữa cụ thể là gì? Cùng Thu Cúc TCI tìm kiếm đáp án cho những câu hỏi này trong bài viết sau, bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về glocom
1.1. Khái niệm
Glocom là một nhóm bệnh lý nhãn khoa khởi phát do nhiều nguyên nhân với nhiều cơ chế bệnh sinh khác nhau, gây tổn thương thần kinh thị giác không hồi phục, có thể dẫn đến suy giảm thị lực và mù lòa vĩnh viễn. Trong giai đoạn toàn phát, glocom ở mọi hình thái đều có 3 dấu hiệu điển hình sau:
– Nhãn áp tăng trên 25 mmHg,
– Thị trường thu hẹp,
– Soi đáy mắt có lõm teo địa thị.
1.2. Phân loại glocom và dấu hiệu nhận biết từng loại
Có nhiều cách phân loại glocom. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện nay glocom được phân loại thành: Glocom nguyên phát và glocom thứ phát. Trong đó, glocom nguyên phát là dạng glocom phổ biến hơn.
Glocom nguyên phát bao gồm: Glocom góc đóng nguyên phát và glocom góc mở nguyên phát. Glocom góc đóng và góc mở có một số điểm khác nhau trong nhận biết như sau:
1.2.1. Glocom góc đóng nguyên phát
– Glocom góc đóng cơn cấp: Được nhận biết bằng các dấu hiệu sau: Mắt đỏ, mi sưng, nước mắt chảy liên tục, sợ ánh sáng kèm đau mắt dữ dội, cơn đau không chỉ dừng lại ở mắt mà lan lên tận đỉnh đầu; nhãn cầu căng cứng; thị lực giảm hoặc mất hẳn, nhìn mờ như nhìn qua màn sương, nhìn các vật phát sáng thấy có quầng xanh đỏ. Điểm đặc biệt là tất cả các dấu hiệu này đều xuất hiện một cách đột ngột. Ngoài tổ hợp triệu chứng liên quan đến mắt và thị lực, bệnh nhân glocom góc đóng cơn cấp còn có thể bị đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,…
– Glocom góc đóng bán cấp: Triệu chứng glocom góc đóng bán cấp tương tự glocom góc đóng cơn cấp. Tuy nhiên, mức độ của các triệu chứng ban đầu là nhỏ hơn, sau đó sẽ tăng dần theo thời gian.
– Glocom góc đóng mạn tính: Dạng glocom này ít gặp và ít triệu chứng. Đa phần bệnh nhân thăm khám và phát hiện glocom góc đóng mạn tính khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, bệnh nhân đã mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.
1.2.2. Glocom góc mở nguyên phát
Tương tự glocom góc đóng mạn tính, glocom góc mở nguyên phát cũng phát triển âm thầm và chỉ được phát hiện khi đã nặng. Bệnh nhân glocom góc mở nguyên phát có thể sẽ gặp tất cả các triệu chứng của glocom góc mở cơn cấp nhưng thời gian chúng xuất hiện và biến mất rất ngắn.
1.3. Nguyên nhân glocom
Như đã biết, glocom có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, một số yếu tố bất lợi làm tăng nguy cơ phát triển glocom ở bệnh nhân là: Di truyền; tuổi tác; có tiền sử mắc các bệnh lý về mắt như: Viêm màng bồ đào, đục thủy tinh thể,…; chấn thương vật lý; tác dụng phụ của các thuốc corticosteroids, biến chứng sau các phẫu thuật mắt; chủng tộc (người da vàng và người da đen có nguy cơ bị glocom cao hơn người da trắng).
1.4. Biến chứng glocom
Biến chứng nguy hiểm nhất của glocom là làm bệnh nhân mất thị lực. Đây là biến chứng không có phương pháp cải thiện. Các tổn thương khác mà glocom gây ra như khiến bệnh nhân suy giảm thị lực trầm trọng cũng vậy, hiện chưa có can thiệp không phẫu thuật và phẫu thuật nào có thể khắc phục được chúng.
2. Câu trả lời cho câu hỏi bệnh glocom có chữa được không?
Bệnh glocom có chữa được không với mức độ tân tiến của nền y học hiện đại? Bệnh glocom chữa được. Việc chữa glocom cho hiệu quả càng cao khi được thực hiện càng sớm. Phương pháp điều trị bệnh cụ thể sẽ được chỉ định phụ thuộc thể glocom mà bệnh nhân mắc.
2.1. Phương pháp điều trị glocom góc đóng nguyên phát
Glocom góc đóng cơn cấp là một cấp cứu nhãn khoa, cần tiến hành khẩn trương để giải phóng bệnh nhân khỏi đau đớn và căng thẳng. Theo đó, việc cấp cứu glocom góc đóng cơn cấp được thực hiện như sau:
– Đường nhỏ: Nhỏ Pilocarpin 1% – 2% mỗi giờ một lần, duy trì đến khi nhãn áp hạ thì giảm tần suất xuống 3 – 4 lần một ngày.
– Đường uống: Uống Acetazolamid 0,25g, liều lượng 2 – 4 viên trong 24 giờ.
– Đường tiêm: Tiêm tĩnh mạch Diamox 500mg một ngày một ống.
Điều trị nội khoa như phía trên cho hiệu quả như bệnh nhân mong muốn. Tuy nhiên, nó không phải là phương pháp bền vững. Để giải quyết cả 3 thể glocom góc đóng nguyên phát dài hạn cần điều trị ngoại khoa. Hiện nay, chúng ta có 3 phương pháp phẫu thuật glocom góc đóng phổ biến hơn cả là:
– Phương pháp cắt bè củng giác mạc: Chuyên gia tiến hành cắt một phần bè củng giác mạc và mống mắt, mở lối thoát cho thủy dịch, từ đó ổn định áp suất nhãn cầu.
– Phương pháp cấy ghép ống thoát thủy dịch: Chuyên gia ghép 1 ống silicon dài 1,3cm vào mắt bệnh nhân. Ống này hoạt động như một lối thoát cho thủy dịch, giúp áp suất nhãn cầu được cân bằng.
– Phương pháp laser: Chuyên gia sử dụng tia laser chiếu vào khu vực bè củng giác mạc, tạo khoảng 100 lỗ nhỏ cho thủy dịch thoát và áp suất nhãn cầu giảm.
2.2. Phương pháp điều trị glocom góc mở nguyên phát là gì?
Mục tiêu điều trị glocom góc mở nguyên phát là hạ nhãn áp xuống mức không gây tổn thương cho thị thần kinh và chức năng thị giác. Với mục tiêu này, chuyên gia có thể sẽ chỉ định các thuốc điều trị nôi khoa sau: Nhóm huỷ beta-adrenergic, nhóm cường adrenergic, nhóm cường cholinergic, nhóm prostaglandin. Thuốc điều trị nội khoa glocom góc mở nguyên phát cần phải được sử dụng trọn đời, dưới sự quản lý nghiêm ngặt của chuyên gia. Trong trường hợp điều trị nội khoa không đáp ứng mong muốn, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật.
Một điểm đặc biệt trong điều trị glocom là bệnh nhân cần tái khám với chuyên gia 2 – 3 tháng một lần. Bởi một số trường hợp, biểu hiện của bệnh lý glocom có thể đã biến mất trong khi bệnh lý glocom thì chưa.
Như vậy, bệnh glocom có thể chữa được. Tuy nhiên, nếu bệnh đã để lại di chứng thì nhiều khả năng di chứng ấy không thể cải thiện được. Chính vì thế, để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý glocom, hạn chế nguy cơ suy giảm/mất thị lực vĩnh viễn vì nó, thăm khám với chuyên gia nhãn khoa ngay khi thấy dấu hiệu bất thường, hoặc tốt hơn là thăm khám với chuyên gia nhãn khoa định kỳ, bạn nhé!