Chụp MRI toàn thân là kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh đem lại giá trị tầm soát cao, có khả năng phát hiện khối u hoặc bất thường kích thước nhỏ và hỗ trợ đắc lực trong quá trình khám chữa đa bệnh lý. Vậy ưu nhược điểm của phương pháp này là gì? Có cần lưu ý điều gì khi thực hiện chụp MRI không?
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về chụp MRI toàn thân
1.1. Định nghĩa
Chụp MRI hay chụp cộng hưởng từ là kĩ thuật chụp hình cắt lớp, sử dụng sóng từ trường và radio để tác động lên cơ thể. Trong cơ thể mỗi chúng ta chứa hàng triệu nguyên tử hydro. Vì vậy dưới tác động của sóng từ trường lên các bộ phận cơ thể mà các hydro này hấp thụ và giải phóng năng lượng dưới dạng tín hiệu truyền về máy tính. Qua các khâu xử lý sẽ cho ra kết quả là những hình ảnh rõ ràng, sắc nét, có độ phân giải cao về cấu trúc trong cơ thể. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể dựng hình 3D dựa trên những hình ảnh cắt lát thu được, hỗ trợ tối đa cho quá trình quan sát chẩn đoán bệnh.
1.2. Vai trò của phương pháp này
Theo thống kê từ Globocan 2020, tại Việt Nam tỉ lệ ung thư đang gia tăng nhanh chóng với 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong. Hiện nay, nước ta nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư thế giới. Đáng báo động hơn, tình trạng ung thư đang có xu hướng trẻ hóa khi ngày càng xuất hiện nhiều bệnh nhân trong độ 30-40 tuổi. Chính sự hạn chế trong công tác dự phòng, phát hiện bệnh sớm đã dẫn đến tỉ lệ tử vong cao hàng năm.
Với việc phát hiện sớm ung thư và kịp thời điều trị sẽ gia tăng tỉ lệ khỏi bệnh và kéo dài sự sống cho người bệnh. Hiện nay có rất nhiều phương pháp hiện đại giúp phát hiện sớm ung thư như chụp CT, MRI, X – quang, siêu âm, nội soi,… Trong số đó, phương pháp chụp cộng hưởng từ toàn thân được ứng dụng phổ biến. Thông qua kĩ thuật này, bác sĩ có thể phát hiện:
– Khối u thần kinh nội tiết tủy, tuyến thượng thận, tuyến giáp,…
– Ung thư xương như sarcoma xương, lymphoma, đa u tủy xương.
– Ung thư đường tiết niệu sinh dục như ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng.
– Ung thư biểu mô đường tiêu hóa, ung thư biểu mô tế bào gan
– Khối u phần mềm như u xơ thần kinh,…
Tuy nhiên, phương pháp chụp cộng hưởng từ toàn thân không chỉ dành cho bệnh nhân ung thư mà còn có thể thực hiện cho người khỏe mạnh muốn kiểm tra, sàng lọc các bệnh lý trong cơ thể như thoát vị đĩa đệm, bệnh thận lành tính, viêm gan hay phát hiện các khối u lành.
1.3. Khi nào cần thực hiện chụp MRI toàn thân?
Người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện chụp cộng hưởng từ toàn thân trong những trường hợp sau:
– Chẩn đoán có khối u nguyên phát: Trường hợp này cần thực hiện MRI toàn thân để đánh giá mức độ lan rộng cũng như di căn của khối u trong cơ thể, xác định giai đoạn phát triển của bệnh.
– Sau khi phẫu thuật hoặc hóa xạ trị: Chụp MRI giúp đánh giá tình trạng đáp ứng điều trị của bệnh nhân và phát hiện thương tổn tái phát.
– Chẩn đoán tổn thương thứ phát chưa rõ nguồn gốc, tính chất lan rộng toàn thân: Thực hiện MRI đánh giá toàn diện tình trạng tổn thương hiện tại.
2. Ưu – nhược điểm và lưu ý khi thực hiện chụp cộng hưởng từ toàn thân
2.1. Ưu – nhược điểm
Ưu điểm
– Đánh giá toàn bộ và phát hiện sớm bất thường trong cơ thể chỉ qua một lần chụp.
– Sàng lọc ung thư và đánh giá di căn trên phạm vi rộng. Hỗ trợ chẩn đoán sớm ở những người chưa có triệu chứng.
– Độ phân giải không gian mô mềm cao, độ phân giải hình ảnh vượt trội hơn so với CT.
– Không sử dụng bức xạ như X – quang, CT hay PET – CT. Chụp MRI có thể được xem là phương pháp an toàn tuyệt đối.
– Thích hợp cho người khỏe mạnh muốn tầm soát ung thư định kỳ mà không ảnh hưởng sức khỏe.
Nhược điểm
– Thời gian chụp chiếu lâu
– Người bệnh có thể thấy khó chịu vì phải nằm yên lâu và tiếng ồn khi máy chạy.
– Chi phí cho một lần chụp cộng hưởng từ toàn thân khá cao.
– Có nguy cơ nhỏ dị ứng với thuốc tương phản.
2.2. Lưu ý khi thực hiện chụp MRI toàn thân
Chụp cộng hưởng từ gần như tuyệt đối an toàn nếu người bệnh chuẩn bị kĩ và tuân thủ những hướng dẫn từ bác sĩ và kĩ thuật viên.
– Máy MRI sử dụng từ trường mạnh nên người bệnh bắt buộc phải tháo bỏ những vật dụng kim loại trên người như quần áo, trang sức. Chống chỉ định chụp MRI cho bệnh nhân có dụng cụ y tế kim loại trong người như máy tạo nhịp tim, stent mạch vành,…
– Như đã nói ở trên, thời gian cho một lần chụp MRI toàn thân khá lâu, dao động khoảng 90 – 120 phút và trong suốt quá trình này người bệnh cần nằm yên, nhịn thở ngắt quãng theo hướng dẫn của kĩ thuật viên từ 10 – 15 giây mỗi nhịp.
– Trong trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc tương phản bơm vào mạch máu, thuốc có thể gây ra phản ứng dị ứng cho bệnh nhân. Tuy nhiên tỉ lệ này là rất thấp. Ngoài ra đối với những dòng máy MRI hiện đại thì việc bơm thuốc tương phản cũng không còn cần thiết.
– Người bệnh có thể yêu cầu sử dụng bịt tai hoặc tai nghe để thưởng thức âm nhạc để giảm thiểu khó chịu cho tiếng ồn trong quá trình chụp chiếu.
– Trong ngày chụp MRI, người bệnh vẫn ăn uống bình thường và sử dụng thuốc như thường lệ trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
– Mặc dù chụp MRI không gây hại cho sức khỏe nhưng phương pháp này không khuyến cáo cho phụ nữ mang thai ngoại trừ những trường hợp thực sự cần thiết.
Nhìn chung, chụp MRI là một công cụ hữu ích nhưng không thể thay thế bác sĩ chẩn đoán mà chỉ là phương tiện hỗ trợ. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các kĩ thuật sàng lọc khác phù hợp hơn dựa trên sức khỏe cá nhân, tuổi tác, bệnh sử,… để đạt được lợi ích tốt nhất và giảm thiểu tốn kém không cần thiết.
Nếu bạn đang tìm kiếm một địa chỉ để thực hiện chụp cộng hưởng từ toàn thân thì Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là một trong những địa chỉ vàng không thể bỏ qua. Thu Cúc TCI sở hữu hệ thống máy cộng hưởng từ thế hệ mới, thu hình ảnh chất lượng cao trong thời gian ngắn, phát hiện các bất thường dù là nhỏ nhất. Bên cạnh đó, đến với Thu Cúc TCI, bạn sẽ được thăm khám trực tiếp với đội ngũ chuyên gia hàng đầu và trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tận tình, chu đáo.
Hi vọng bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc của bạn về phương pháp chụp MRI toàn thân cũng như bỏ túi được một địa chỉ thăm khám uy tín, chất lượng.