Chụp MRI có ảnh hưởng đến sức khỏe không còn phụ thuộc vào từng trường hợp. Ghi nhớ ngay các lưu ý dưới đây để quá trình chụp cộng hưởng từ diễn ra nhanh chóng, an toàn và chính xác.
Menu xem nhanh:
1. Đánh giá mức độ an toàn của kỹ thuật chụp MRI
Chụp cộng hưởng từ MRI là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, được ứng dụng phổ biến trong khám chữa bệnh nhờ tính năng tái cấu trúc rõ nét, mô phỏng hình ảnh 3D giúp bác sĩ dễ dàng quan sát ngay cả các tổn thương nhỏ nhất. Khác với các phương pháp khác, chụp MRI có thể thực hiện đối với hầu hết các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả các vùng mô mềm và xương khớp (như não, mạch máu, gan, xương,…), cho ra hình ảnh có giá trị chẩn đoán cao.
Ngoài giá trị về mặt chẩn đoán, chụp MRI còn được ứng dụng phổ biến trong y khoa nhờ đặc tính an toàn và thân thiện với người sử dụng.
1.1. Chụp MRI có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Khác với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT Scan, chụp cộng hưởng từ không xuất hiện các tia xạ độc hại, không gây nhiễm xạ cho người bệnh. Chính vì thế, phương pháp này được đánh giá cao về mức độ an toàn, và phù hợp với mọi đối tượng. Tùy từng trường hợp, chụp MRI có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh nếu bỏ qua những lưu ý sau đây:
– Tuy không gây hại cho sức khỏe, nhưng sóng từ trường có thể ảnh hưởng đến những thiết bị, vật dụng bằng kim loại được cấy ghép hoặc mang trên cơ thể. Trước khi bắt đầu quy trình chụp cộng hưởng từ, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tháo bỏ các vật dụng bằng kim loại ra khỏi cơ thể, bao gồm: trang sức, thiết bị điện tử, đồng hồ, chìa khóa, thẻ ngân hàng, răng giả,…
– Nếu cơ thể bạn đang mang các dụng cụ hay thiết bị hỗ trợ sức khỏe như van tim nhân tạo, vòng tránh thai, máy trợ thính, thiết bị bơm thuốc tự động,… thì hãy thông báo lại với bác sĩ để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện. Trước khi bắt đầu chụp MRI, bác sĩ sẽ cân nhắc người bệnh đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật này hay không.
– Một số trường hợp cần sử dụng thuốc phản quang thì nhân viên y tế sẽ kiểm tra tiền sử dị ứng thuốc để đảm bảo không gây hại tới sức khỏe người bệnh. Mặc dù đem lại hiệu quả chẩn đoán tốt hơn, nhưng thuốc cản quang có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận, hoặc gây ra một số tác dụng phụ như: đau đầu, buồn nôn, hạ huyết áp, ngứa, cơ thể nóng bừng,… Nếu người bệnh đang gặp các vấn đề về thận thì trước khi chụp MRI có tiêm thuốc cản quang, cần xét nghiệm chức năng thận để đảm bảo cơ thể có khả năng đào thải thuốc sau khi kết thúc quá trình chụp.
1.2. Phụ nữ có thai chụp MRI có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Tính đến hiện nay, vẫn chưa có minh chứng nào cho thấy tác hại đáng kể của từ trường đối với cơ thể người. Tuy nhiên, từ trường cùng với tiếng ồn phát ra trong quá trình chụp MRI có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thính lực của thai nhi. Bởi vậy, phụ nữ có thai chụp MRI cần có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn. Trước khi bắt đầu, hãy thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe hiện tại ngay cả khi đang nghi ngờ mang thai.
Ngoài các trường hợp đã nêu trên, người có hình xăm trên cơ thể dễ bị bỏng rát da khi chụp cộng hưởng từ trực tiếp vào các vùng này. Để đảm bảo an toàn và thu được kết quả chính xác, hãy thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại. Trong quá trình thực hiện, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách ra dấu hiệu để ngừng thao tác chụp MRI ngay khi cơ thể cảm thấy khó chịu/ bất thường.
2. Những lưu ý giúp quá trình chụp MRI diễn ra an toàn
2.1. Trước khi chụp
Không như xét nghiệm hay nội soi dạ dày – đại tràng, người bệnh trước khi chụp MRI vẫn có thể ăn uống như bình thường mà không phải để bụng rỗng. Trường hợp đang sử dụng thuốc điều trị bệnh mạn tính thì bạn cần thông báo lại với bác sĩ. Nếu còn băn khoăn chụp MRI có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thì bạn hãy chủ động trao đổi với bác sĩ để được giải thích đầy đủ về lợi ích, nguy cơ xảy ra trong quá trình chụp.
Ngay trước khi vào phòng chụp cộng hưởng từ, các chuyên viên y tế sẽ tiến hành khảo sát về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Các vật dụng có chứa kim loại sẽ được yêu cầu tháo bỏ trước khi bước vào phòng chụp MRI, bao gồm cả trang phục có chứa các chi tiết kim loại. Thay vào đó, người bệnh sẽ được hướng dẫn thay trang phục chuyên dụng tại viện.
2.2. Trong khi chụp
Trong quá trình chụp MRI, hãy giữ bình tĩnh, cố định phần cơ thể cần chụp và làm theo các hướng dẫn của các chuyên gia y tế. Người bệnh cũng sẽ được sử dụng nút đeo tai để không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của máy quét MRI và có thể nghe hướng dẫn của nhân viên y tế rõ hơn.
2.3. Sau khi chụp
Kết thúc quá trình chụp MRI, người bệnh có thể ăn uống, đi lại vận động như bình thường mà không cần nghỉ ngơi đặc biệt hay lưu viện (trừ trường hợp tiêm thuốc cản quang). Kết quả chụp MRI sẽ có sau khi chụp và được trả về phòng khám ban đầu để bác sĩ đọc, phân tích.
Như vậy, chụp cộng hưởng từ không gây hại tới sức khỏe người bệnh nếu tuân thủ đúng theo lưu ý từ nhân viên y tế. Tại các cơ sở thuộc Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI hiện đã được trang bị máy chụp cộng hưởng từ hiện đại, cho kết quả chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và đặc biệt an toàn với người sử dụng. Chi phí chụp cộng hưởng từ sẽ phụ thuộc vào vị trí chụp và thể trạng sức khỏe của từng người. Đừng ngại ngần liên hệ với tổng đài để được tư vấn chi tiết!