Chụp CT sọ não là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng thường được các bác sĩ chỉ định để kiểm tra các bất thường tại vùng đầu – mặt. Thông qua các kết quả bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân của bệnh và có phương hướng điều trị phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Định nghĩa về chụp cắt lớp vi tính sọ não
Chụp CT sọ não hay còn có tên gọi khác là chụp cắt lớp vi tính sọ não. Đây là chỉ định cận lâm sàng giúp bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng chấn thương vùng đầu – mặt hoặc không do chấn thương như hôn mê không rõ nguyên nhân, liệt, đau đầu, chóng mặt…
Chụp CT sọ não sử dụng tia X để quét tia từ cằm tới đỉnh đầu người bệnh để lấy hình ảnh chi tiết nhất trong sọ não. Đầu đèn phát tia của máy chụp CT sọ não nghiêng về nhiều hướng khác nhau để ghi hình và cho nhiều hình ảnh từ các góc độ khác nhau.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho người chụp CT sọ não tiêm thuốc tương phản đường tĩnh mạch đối với một số trường hợp cần thiết. Thuốc tương phản có tác dụng làm tăng tương phản vùng bất thường, giúp kiểm tra sự lưu thông mạch máu, nhận diện khối u, viêm, áp-xe…
2. Chụp CT sọ não có ưu và nhược điểm gì?
2.1. Ưu điểm của chụp CT sọ não
– Chụp CT ít bị ảnh hưởng bởi các chuyển động so với kỹ thuật chụp cộng hưởng từ.
– Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không đau, không xâm lấn và có độ chính xác cao.
– Thời gian xử lý nhanh chóng, rất hữu ích khi cần khảo sát và đánh giá người bệnh phải thực hiện cấp cứu.
– Chụp cắt lớp vi tính có thể giúp người bệnh hạn chế tỷ lệ phẫu thuật sinh thiết và thăm dò can thiệp bằng phẫu thuật.
– Đánh giá được tất cả các mô như xương, não, mạch máu, mô mềm trong cùng một lần chụp với hình ảnh chi tiết, chính xác nhất.
– Là một trong những phương pháp tối ưu với những trường hợp người bệnh chống chỉ định chụp cộng hưởng từ.
2.2. Nhược điểm của chụp CT sọ não
– Chụp CT sẽ sử dụng tia X có chứa 1 lượng bức xạ nhất định nên người chụp có cảm giác lo sợ về việc có thể nhiễm chất phóng xạ. Hiện nay, các máy chụp CT hiện đại có trang bị thêm bộ lọc tia phóng xạ, lượng tia nằm trong giới hạn cho phép nên người bệnh có thể an tâm thực hiện.
– Hạn chế trong trường hợp cần đánh giá các tổn thương trong não như u, ổ viêm, áp- xe… hoặc một số tổn thương nhỏ khó có thể nhận diện.
– Những tổn thương có cùng độ đậm rất khó có thể phát hiện và phân biệt một cách chính xác.
3. Quy trình thực hiện của chụp cắt lớp vi tính sọ não
Quá trình thực hiện chụp CT người bệnh sẽ được thực hiện theo quy trình như sau:
3.1. Trước khi thực hiện chụp
– Người bệnh cần bỏ hết các vật dụng bằng kim loại trên người để tránh nhiễu ảnh trong quá trình chụp.
– Cần thông báo với nhân viên y tế nếu có mắc một trong những bệnh như: hen suyễn, tĩnh mạch, đái tháo đường.
– Cần ký cam kết tiêm thuốc cản quang trước khi thực hiện chụp CT.
– Nên nhịn ăn trước khi tiêm thuốc cản quang trong 4 – 6 giờ.
3.2. Trong quá trình chụp
– Người bệnh nằm ngửa trên bàn hoặc được kỹ thuật viên hướng dẫn tư thế nằm để phục vụ cho quá trình chẩn đoán.
– Thời gian chụp trung bình khoảng 3 -5 phút. Đối với trường hợp đặc biệt thời gian có thể dài hơn từ 15 – 30 phút.
– Nếu tiêm thuốc cản quang, người bệnh sẽ có cảm giác nóng rát dọc theo tay hoặc nóng ở mặt khi bơm thuốc. Vì vậy, người bệnh nên cố gắng giữ nguyên cơ thể để hình ảnh được chính xác nhất.
– Trong quá trình chụp, kỹ thuật viên sẽ quan sát bạn qua một cửa sổ. Những hình ảnh thu được sẽ hiện lên ở trên màn hình vi tính, sau đó sẽ được đọc và in kết quả.
3.3. Sau khi thực hiện chụp
– Sau khi chụp, kết quả sẽ thường được trả trong vòng 30 – 60 phút. Bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả để đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn hoặc chỉ định thực hiện thêm phương pháp khác để có được chẩn đoán chính xác nhất.
4. Chụp CT sọ não có gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe không?
Chụp cắt lớp vi tính sọ não là một kỹ thuật sử dụng tia X nên có thể gây ra tình trạng nhiễm xạ. Tuy nhiên, với mức độ nhiễm xạ mỗi lần chụp là tối thiểu và nằm trong giới hạn cho phép nên không ảnh hưởng gì nghiêm trọng tới sức khỏe.
Đối với người thực hiện là trẻ em, khi chụp CT cần được hướng dẫn kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Bên cạnh đó gia đình của trẻ nên trao đổi trước với bác sĩ về những yêu cầu và nguy cơ của bức xạ tới sức khỏe của khỏe để có thể đảm bảo sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ
5. Thời điểm nào thích hợp để chụp cắt lớp vi tính sọ não?
Phương pháp này được chỉ định để có thể giúp bác sĩ chẩn đoán hoặc theo dõi một số bệnh lý:
– Nhiễm trùng não, viêm màng não, áp xe hoặc lao màng não.
– Não úng thủy hoặc có dịch lỏng tích tụ trong não.
– Dính liền sớm khớp sọ.
– Chấn thương sọ não và đa chấn thương.
– Tai biến mạch máu não: Tai biến mạch máu não thoáng qua hoặc tai biến mạch máu não với các dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt nửa mặt, liệt nửa người…
– Khi có xuất hiện các dấu hiệu thần kinh như: Co giật, động kinh, đau nửa đầu, chóng mặt.
Hiện nay, tại các cơ sở y tế đều có triển khai kỹ thuật này, tuy nhiên bạn nên lưu ý lựa chọn những cơ sở y tế có hệ thống máy móc hiện đại để quá trình thăm khám được an toàn, chính xác. Trong số các cơ sở y tế thì Hệ thống y tế Thu Cúc TCI đang là một trong những cơ sở có hệ thống máy móc công nghệ cao và hiện đại hàng đầu. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên giúp kết quả chẩn đoán được chính xác. Khi cơ thể có bất kỳ triệu chứng bất thường, nên thực hiện đi khám sớm để được chỉ định các phương pháp nhằm bảo vệ sức khỏe của mình.