Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người nói chung và trẻ sơ sinh nói riêng. Chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Cùng tìm hiểu về chứng bệnh này qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng với trẻ sơ sinh
Giấc ngủ tham gia vào quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sơ sinh thông qua hormon tăng trưởng. Cụ thể, một lớp chất béo thiết yếu được gọi là myelin hình thành xung quanh các sợi thần kinh trong giấc ngủ.
Nghiên cứu gần đây còn cho thấy các kết nối giữa bán cầu não trái và phải của trẻ em được củng cố trong khi ngủ. Những kết nối này giúp các chức năng não trưởng thành. Chúng cũng ảnh hưởng đến các khả năng quan trọng khác như ngôn ngữ, sự chú ý và kiểm soát xung động. Hoạt động của não khi ngủ có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học hỏi của trẻ và thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý. Nói một cách đơn giản, giấc ngủ góp phần vào sự hình thành não bộ của bé.
Để phát triển khỏe mạnh và toàn diện, trẻ sơ sinh cần phải có những giấc ngủ ngon, đảm bảo cả thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ sẽ kiến trẻ hay quấy khóc, cáu kỉnh. Về lâu dài, chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến giảm trí nhớ, kém nhận thức, rối loạn hành vi, cảm xúc khi trẻ trưởng thành.
2. Trẻ sơ sinh cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày là đủ?
Mỗi đứa trẻ có nhu cầu về thời gian ngủ trong ngày khác nhau. Một số trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn hoặc ngủ ít hơn bình thường. Tuy nhiên vẫn có những quy định chung về số giờ ngủ trẻ sơ sinh trong một ngày, bao gồm giấc ngủ ban đêm và giấc ngủ ngắn ban ngày.
– Trẻ sơ sinh: Cần ngủ 16 giờ mỗi ngày, trong đó 8-9 giờ vào ban đêm và 8 giờ vào ban ngày.
– Trẻ 01 tháng tuổi: Cần ngủ 15,5 giờ mỗi ngày, trong đó 8-9 giờ vào ban đêm và 7 giờ vào ban ngày.
– Trẻ 03 tháng tuổi: Cần ngủ 15 giờ mỗi ngày, trong đó 9-10 giờ vào ban đêm và 4-5 giờ vào ban ngày.
– Trẻ 06 tháng tuổi: Cần ngủ 14 giờ mỗi ngày, trong đó 10 giờ vào ban đêm và 4 giờ vào ban ngày.
– Trẻ 09 tháng tuổi: Cần ngủ 14 giờ mỗi ngày, trong đó 11 giờ vào ban đêm và 3 giờ vào ban ngày.
– Trẻ 12 tháng tuổi: Cần ngủ 14 giờ mỗi ngày, trong đó 11 giờ vào ban đêm và 3 giờ vào ban ngày.
3. Dấu hiệu mắc chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh
Có một số dấu hiệu cảnh báo trẻ đang gặp tình trạng rối loạn giấc ngủ như sau:
– Khó đi vào giấc ngủ
– Hay thức dậy nửa đêm và quấy khóc
– Đã thức giấc thì rất khó ngủ lại
– Gặp ác mộng, hay nói, la hét khi ngủ
– Hơi thở khi ngủ không đều, có dấu hiệu ngưng thở
– Ngủ mở miệng, ngáy to, khó thở kể cả khi không bị bệnh hô hấp
– Hoạt động kém, tỏ ra mệt mỏi
4. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ, bao gồm nguyên nhân sinh lý, nguyên nhân bệnh lý, và đôi khi xuất phát từ thói quen cho trẻ đi ngủ sai cách của cha mẹ.
4.1. Chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh do sinh lý
Một chu trình giấc ngủ của trẻ sẽ trải qua 02 giai đoạn:
– Giấc ngủ nhanh REM: Đây là giai đoạn ngủ nông. Trẻ có thể nằm mơ, mắt cử động nhanh, nhịp tim nhanh…trong thời gian này.
– Giấc ngủ chậm NREM: Giấc ngủ này lại được chia làm 04 giai đoạn gồm buồn ngủ – ngủ lơ mơ – ngủ sâu – ngủ rất sâu.
Đối với trẻ sơ sinh, thời gian của 02 giấc ngủ này gần như bằng nhau (50%), trong khi người trưởng thành thì giấc ngủ NREM lại chiến đến 75%. Vì lý do này trẻ sơ sinh dễ bị tỉnh giấc hơn so với người lớn.
Một nguyên nhân sinh lý khác dẫn đến rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh nằm ở việc trẻ đã đạt đến những mốc phát triển quan trọng như trẻ sắp lẫy, bò, mọc răng, tập đi…
Ngoài ra, vận động nhiều, chế độ ăn dư thừa hoặc bị đói cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến giấc ngủ trẻ sơ sinh.
4.2. Chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh do bệnh lý
Trẻ sơ sinh mắc chứng rối loạn giấc ngủ có thể do ảnh hưởng các bệnh lý như:
– Bệnh tiêu hóa
– Bệnh hô hấp: Dị ứng, ngạt mũi, ho, cảm…
– Bệnh tim mạch
– Bệnh thần kinh
– Bệnh lý mãn tính, bẩm sinh: chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên…
Những bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ mà còn gây tác động đến sự phát triển toàn diện của trẻ về sau.
4.3. Chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh do sinh lý trẻ ngủ sai cách
Đôi khi trẻ khó ngủ, mất ngủ lại do cha mẹ cho con ngủ sai cách:
– Môi trường bên ngoài ảnh hưởng: Quá sáng, quá ồn, quần áo chật chội, trẻ đói, tã bẩn…
– Trẻ mặc nhiều quần áo gây khó ngủ
– Trẻ thay đổi chỗ ngủ thường xuyên
– Trẻ cảm giác không an toàn khi ngủ: đang ngủ không thấy cha mẹ, chuyển nhà mới,…
– Cho trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày
5. Cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc hơn
Cha mẹ có thể áp dụng một số lời khuyên sau đây để giúp trẻ sơ sinh có những giấc ngủ ngon, dài và sâu hơn.
5.1. Tập cho trẻ sơ sinh ngủ đúng giờ
Ngay từ những ngày đầu chào đời, phụ huynh nên rèn cho con thói quen tốt đi ngủ đúng giờ. Để làm được điều này cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu buồn ngủ ở trẻ như ngáp, chớp mắt, lim dim, mệt mỏi…Thường 2 tháng đầu sau sinh trẻ không thể thức 2 giờ liên tục. Cha mẹ hãy căn thời gian để tập cho con đi ngủ đúng giờ, đủ giấc.
5.2. Tập cho trẻ sơ sinh phân biệt ngày và đêm
Có thể bạn chưa biết một vài trẻ sơ sinh hình thành thói quen thức đêm từ trong bụng mẹ. Khi chào đời chúng sẽ tiếp tục duy trì thói quen này. Sau khi trẻ được 2 tuần tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu giúp con phân biệt ngày và đêm.
Vào ban ngày, hãy chơi với trẻ, hát và nói chuyện càng nhiều càng tốt nhất là khi chúng thức giữa các cữ bú. Nếu con thiu thiu muốn ngủ thì nên nhẹ nhàng đánh thức bằng tiếng tivi, radio. Vào ban đêm cần giữ yên lặng, phòng ngủ tối, yên tĩnh, ánh sáng vừa đủ để trẻ không bị tỉnh giấc.
5.3. Tập cho trẻ sơ sinh thói quen tự ngủ
Sau khi trẻ được 6-8 tuần tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu rèn cho con thói quen tự đi vào giấc ngủ. Cha mẹ có thể đặt trẻ vào nôi, cũi, giường khi nhận thấy con có dấu hiệu buồn ngủ. Hoặc phụ huynh có thể giúp con đi vào giấc ngủ bằng cách hát ru, vỗ nhẹ, nghe nhạc, xoa đầu… Không nên ru trẻ ngủ trên tay mới đặt xuống vì sẽ tạo thói quen xấu khi trẻ lớn lên.
5.4. Chuẩn bị tốt giấc ngủ cho trẻ
Việc cha mẹ chuẩn bị tốt giấc ngủ cho trẻ sơ sinh sẽ giúp con ngủ ngon và sâu giấc hơn. Một số lưu ý cho cha mẹ như sau:
– Cho trẻ ăn no, thay tã bỉm, mặc quần áo phù hợp trước khi ngủ.
– Nên cho trẻ ngủ sớm. Tốt nhất trước 8 giờ tối và duy trì thói quen này đến khi trẻ lớn.
– Tạo phòng ngủ thoải mái, yên bình cho trẻ bằng ánh sáng, bày trí, màu sắc. Việc này cũng tránh được sự kích thích quá mức lên giác quan khi trẻ ngủ.
– Ru ngủ và vỗ về trẻ đúng cách, tránh để trẻ phụ thuộc vào việc này quá nhiều.
– Giữ ấm cho trẻ, tránh những vật cản trẻ có thể va vào khi ngủ.
Như vậy, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh bằng cách theo dõi và thay đổi những thói quen không phù hợp. Nếu đã làm mọi cách mà trẻ sơ sinh vẫn gặp tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc cha mẹ nên đưa con đi khám để kiểm tra ảnh hưởng của bệnh lý.