Viêm mũi dị ứng thường gặp ở khá nhiều người, chiếm từ 10 – 30% dân số thế giới, gây ra ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hàng ngày. Chữa viêm mũi dị ứng như thế nào, chúng ta có thể làm gì để cải thiện các triệu chứng này, tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Viêm mũi dị ứng là gì? Nguyên nhân chính gây bệnh
Viêm mũi dị ứng là một dạng phản ứng dị ứng của cơ thể đối với các chất cụ thể như khói, bụi, lông động vật, phấn hoa… Trong đó, phấn hoa là chất gây dị ứng phổ biến nhất đối với bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa. Khi tình trạng dị ứng xảy ra, niêm mạc – màng lót bên trong mũi bị viêm khi người bệnh hít phải các dị nguyên.
Các nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng thường gặp bao gồm:
– Cơ địa nhạy cảm với các tác nhân như môi trường, sự thay đổi của thời tiết, thay đổi mùa…
– Tiếp xúc với các chất gây dị ứng như: bụi, lông chó mèo, phấn hoa…; ăn một số thực phẩm như trứng, sữa, hải sản…; sử dụng một số loại thuốc kháng sinh đặc biệt là penicilline, vaccine, aspirin…
– Mất cân bằng dị ứng như:
Tiếp xúc quá nhiều với các dị nguyên, vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể.
Tinh thần căng thẳng, stress.
Rối loạn nội tiết: đang hành kinh, tiền mãn kinh, đang dùng thuốc tránh thai…
– Ô nhiễm không khí, môi trường.
– Nhiễm virus/vi khuẩn: niêm mạc phù nề, hệ lông chuyển bị tê liệt do viêm nhiễm, từ đó tăng tính phản ứng của cơ thể với các dị nguyên, khả năng bảo vệ của niêm mạc giảm, gây ra viêm mũi dị ứng.
2. Các phương pháp chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả
Chữa bệnh viêm mũi dị ứng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, điều trị nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng, chẳng hạn như hắt hơi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
Với những người bị viêm mũi dị ứng nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị các triệu chứng. Trong trường hợp các triệu chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hoặc các biện pháp điều trị tại nhà không hiệu quả, người bệnh cần tới cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn điều trị hiệu quả nhất.
2.1. Điều trị và cách khắc phục viêm mũi dị ứng tại nhà
– Giảm tiếp xúc tối đa với các chất gây ra tình trạng dị ứng. Nếu bạn bị dị ứng theo mùa hoặc phấn hoa, hãy đóng cửa sổ và sử dụng điều hoà. Bên cạnh đó, dùng máy hút ẩm, máy lọc không khí cũng có hiệu quả tốt; Với người bị dị ứng với mạt bụi, hãy giặt ga trải giường và chăn bằng nước nóng trên 54,4 ° C, thường xuyên hút bụi hàng tuần; Giặt sạch sẽ các loại thảm trong nhà để loại trừ bụi.
– Làm sạch đường mũi bằng dung dịch nước muối giúp loại bỏ chất kích thích dị ứng.
Cách rửa mũi:
– Đứng cạnh bồn rửa, đổ lượng nhỏ dung dịch nước muối vào lòng bàn tay, hít nước muối vào một lỗ mũi cho tới khi cảm thấy dễ chịu. Lặp lại với lỗ mũi bên kia. Nếu trong quá trình rửa mũi, bạn hút phải dung dịch nước muối thì hãy cố gắng khạc ra.
– Dùng thuốc. Mặc dù các loại thuốc không thể chữa viêm mũi dị ứng khỏi nhưng nó có thể giúp điều trị giảm các triệu chứng thông thường. Nếu là do chất dị ứng theo mùa như phấn hoa, bạn có thể ngừng dùng thuốc sau khi hết nguy cơ tiếp xúc.
– Đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng không thuyên giảm khi dùng thuốc sau 2 tuần.
2.2. Thuốc kháng histamine
Thuốc kháng histamine làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng bằng cách ngăn chặn hoạt động của một chất hóa học gọi là histamine, mà cơ thể tiết ra khi nó cho rằng cơ thể đang bị chất gây dị ứng tấn công.
Bạn có thể mua thuốc viên kháng histamine từ dược sĩ mà không cần đơn thuốc, nhưng thuốc xịt mũi kháng histamine chỉ được bán theo đơn.
Thuốc kháng histamine đôi khi có thể gây buồn ngủ (đặc biệt nếu người bệnh có uống rượu), do đó nếu như đây là lần đầu tiên sử dụng, hãy theo dõi phản ứng của bạn như thế nào trước khi lái xe.
2.2. Corticosteroid
Những người thường xuyên bị viêm mũi dị ứng hoặc bệnh kéo dài dai dẳng, có thêm tắc nghẽn mũi hoặc polyp mũi, thì bác sĩ có thể kê thêm thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ có chứa corticosteroid .
Corticosteroid giúp giảm viêm và sưng tấy. Tuy nhiên, loại thuốc này mất nhiều thời gian để phát huy tác dụng hơn thuốc kháng histamine, nhưng tác dụng của chúng kéo dài hơn. Một số tác dụng phụ ít gặp của corticosteroid là khô mũi, kích ứng và chảy máu cam. Vì vậy, nếu có triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê loại thuốc này trong thời gian ngắn, từ 5-10 ngày.
2.3. Phương pháp điều trị bổ sung
Nếu viêm mũi dị ứng không đáp ứng với điều trị, bác sĩ sẽ tư vấn thêm một số phương pháp sau:
– Tăng liều lượng thuốc xịt mũi corticosteroid
– Kết hợp thuốc viên kháng histamine với thuốc xịt mũi corticosteroid, và có thể cả thuốc thông mũi.
– Sử dụng thuốc xịt mũi có chứa một loại thuốc gọi là ipratropium, thuốc này sẽ giúp giảm tiết dịch mũi và giúp thở dễ dàng hơn.
– Sử dụng thuốc đối kháng thụ thể leukotriene, thuốc này ngăn chặn tác động của các hóa chất gọi là leukotriene được giải phóng trong phản ứng dị ứng.
Nếu không đáp ứng với các phương pháp điều trị bổ sung, người bệnh có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá và điều trị thêm.
2.4. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch, còn được gọi là giảm mẫn cảm, được sử dụng để điều trị cho một số bệnh viêm mũi dị ứng. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa các chất gây dị ứng vào cơ thể một cách từ từ để khiến cho hệ thống miễn dịch ít nhạy cảm với nó.
Liệu pháp miễn dịch chỉ nên được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ được đào tạo đặc biệt, vì có nguy cơ gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Bài viết trên đây là một số thông tin tham khảo về cách chữa viêm mũi dị ứng. Tốt nhất, người bệnh nên thăm khám hoặc nhận sự tư vấn của nhân viên y tế trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.