Sỏi mật là bệnh lý đường tiêu hoá khá phổ biến hiện nay, tìm hiểu thông tin chữa trị sỏi mật cũng được rất nhiều người quan tâm. Sỏi mật không chỉ gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh mà nếu không được xử lý đúng cách có thể biến chứng thành nhiều bệnh nguy hiểm cho sức khỏe.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan bệnh sỏi mật
1.1. Sỏi mật là gì?
Sỏi mật hay sỏi túi mật là kết tinh dạng tinh thể rắn của các thành phần có bên trong dịch mật ở túi mật. Sỏi có nhiều kích thước từ nhỏ như một hạt cát đến sỏi to bằng một quả bóng golf, số lượng sỏi không giới hạn và gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tiêu hoá cũng như sức khỏe người bệnh.
1.2. Triệu chứng của sỏi túi mật
– Các cơn đau quặn ở vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị.
– Cơn đau thường khởi phát một cách đột ngột và hết trong vòng vài phút hoặc cũng có khi đến vài giờ. Mức độ đau nhiều từ lúc khởi phát, sau đó đau duy trì trong một thời gian rồi sẽ giảm dần.
– Cơn đau thường xuất hiện ngay sau bữa ăn, đặc biệt là những bữa ăn thịnh soạn vào buổi trưa chiều, thức ăn giàu chất béo thường dễ gây đau, dù vậy thì bất cứ thức ăn nào cũng có thể làm khởi phát cơn đau quặn mật.
– Cơn đau quặn mật thường tái phát nhiều lần.
– Cảm giác buồn nôn hoặc nôn.
– Các triệu chứng không đặc hiệu khác gồm ợ hơi, khó tiêu, đầy hơi…
1.3. Ai dễ bị sỏi túi mật?
Ở Việt Nam, sỏi túi mật là bệnh lý rất phổ biến đặc biệt là ở phụ nữ trước 40 tuổi do lúc này lượng estrogen (một loại hormone nữ) sản sinh nhiều có tác động lên quá trình tạo mật.
Tuy nhiên thì bất cứ ai cũng có nguy cơ bị sỏi mật. Với các đối tượng dưới đây thì nguy cơ mắc bệnh sỏi mật sẽ cao hơn so với những người bình thường khác:
– Người lười vận động
– Người có chế độ ăn uống nhiều chất béo, dầu mỡ, ít chất xơ
– Người thừa cân, béo phì
– Phụ nữ lạm dụng và thường xuyên uống thuốc tránh thai
– Người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh rối loạn máu
– Người có tiền sử gia đình từng mắc sỏi mật
– Người mắc bệnh về gan như viêm gan các loại, xơ gan
– Việc giảm cân nhanh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
2. Biến chứng nguy hiểm của sỏi túi mật
Sỏi túi mật gây nên những tổn thương nghiêm trọng cho túi mật và lá gan. Phát hiện sớm những triệu chứng bệnh sẽ hỗ trợ chẩn đoán và chữa bệnh hiệu quả, ngăn ngừa xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như:
2.1. Biến chứng cấp tính
– Thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật: Sỏi mật gây tắc đường mật và nhiễm trùng dẫn đến tăng áp lực trong đường mật và làm tổn thương hệ thống đường mật. Khi đó, dịch mật nhiễm trùng có thể thẩm thấu vào ổ phúc mạc dẫn đến tình trạng nhiễm trùng ổ bụng, nếu nặng còn có thể hoại tử đường mật và gây viêm phúc mạc mật.
– Viêm tụy cấp do sỏi: Đây là biến chứng rất thường gặp phải, bao gồm viêm tụy cấp thể phù và viêm tụy cấp thể hoại tử. Viêm tụy thể hoại tử sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiễm trùng, thậm chí có thể gây tử vong.
– Chảy máu đường mật: Người bệnh có các triệu chứng của sỏi mật đồng thời nôn ra máu và đi ngoài phân đen, điển hình là nôn ra máu cục có hình dạng thỏi bút chì. Soi dạ dày tá tràng xuất hiện máu trong tá tràng có nguồn gốc từ đường mật.
– Viêm mủ đường mật v áp xe gan mật: Người bệnh đau nhiều ở vùng gan và tình trạng nhiễm trùng nặng nề cùng các biểu hiện: Sốt cao, môi khô lưỡi bẩn, rét run, thể trạng suy kiệt do mất nước và nhiễm độc.
– Sốc nhiễm khuẩn đường mật: Đây là biến chứng nặng, chiếm khoảng từ 16 – 24%. Sốc nhiễm khuẩn đường mật là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong và hay gặp ở người bệnh cao tuổi có sỏi mật, triệu chứng nặng nhưng không được điều trị kịp thời.
2.2. Biến chứng mạn tính
– Xơ gan mật: Đây là bệnh mà đường mật trong gan dần bị phá hủy, lâu dần sẽ gây biến chứng xơ gan hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa thậm chí là ung thư đường mật trong gan,… Xơ gan mật phát triển khá chậm, nếu được điều trị nguyên nhân sớm có thể ức chế, làm chậm lại sự tiến triển của bệnh.
– Ung thư đường mật: Nguyên nhân từ viêm đường mật nhiều lần và kéo dài. Triệu chứng lâm sàng thường thấy là gầy sút cân, vàng da (nếu khối u gây chèn ép tại đường mật).
3. Chữa trị sỏi mật đúng cách
3.1. Chữa trị sỏi mật không có triệu chứng
Các phương pháp chữa trị sau đây có thể được cân nhắc đến:
– Theo dõi định kỳ, chưa cần can thiệp y tế.
– Tránh chế độ ăn nhiều dầu mỡ, tích cực vận động, giảm cân.
– Với sỏi nhỏ có thể uống thuốc làm tan sỏi theo chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ.
– Với một số trường hợp đặc biệt có thể được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật.
3.2. Chữa trị sỏi mật có triệu chứng
– Điều trị nội khoa khắc phục các cơn đau quặn mật có mức độ đau đáng kể và bắt buộc phải can thiệp các biện pháp điều trị thích hợp.
– Nội soi cắt túi mật (Đây là phương pháp điều trị phổ biến được chọn lựa hiện nay với sỏi túi mật có triệu chứng)
– Lưu ý: Trước khi có chỉ định phẫu thuật cần phải loại trừ khả năng các cơn đau của người bệnh là triệu chứng từ một bệnh lý khác sỏi túi mật.
Chữa trị sỏi mật cần thực hiện nhanh chóng và đúng cách để giảm thiểu tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy đến. Người bệnh cần cân nhắc, lựa chọn cơ sở y tế uy tín và tiến hành điều trị càng sớm càng tốt.