Bệnh trĩ ngoại là loại bệnh lý phổ biến với các dấu hiệu như gây chảy máu, nứt và ngứa hậu môn. Bệnh ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và gây suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó việc tìm ra phương pháp chữa trĩ ngoại hiệu quả là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu.
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về bệnh trĩ ngoại
1.1. Bệnh trĩ ngoại là gì?
Bệnh trĩ ngoại là tình trạng xuất hiện búi trĩ ở dưới lớp da xung quanh vùng hậu môn. Bệnh thường gây đau đớn, khó chịu rất nhiều. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn tới trĩ ngoại gồm: Chế độ ăn ít chất xơ, người béo phì, phụ nữ mang thai, đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu trong thời gian dài, nâng vác vật nặng quá sức, đi đại tiện không đúng cách, cổ trướng (là tình trạng tích tụ chất lỏng gây ra áp lực lên dạ dày và ruột),…
Bệnh trĩ ngoại phân biệt với bệnh trĩ nội dựa theo vị trí của búi trĩ. Cụ thể, trĩ nội hình thành búi trĩ ở bên trong thành trực tràng. Trong khi đó, với bệnh trĩ ngoại thì búi trĩ nằm ở ngoài hậu môn và có xu hướng gây đau nhiều hơn bệnh trĩ nội. Trường hợp mắc cả trĩ nội và trĩ ngoại gọi là trĩ hỗn hợp.
1.2. Nhận biết bệnh trĩ ngoại
Bệnh trĩ ngoại được chia theo từng thời kỳ từ nhẹ tới nặng. Mỗi thời kỳ sẽ có những dấu hiệu nhận biết khác nhau giúp người bệnh kịp thời phát hiện sớm và chính xác tình trạng bệnh.
Dấu hiệu trĩ ngoại nhẹ
– Đi ngoài ra máu đỏ tươi.
– Hay có cảm giác mót rặn và tức ở hậu môn.
– Thường xuyên đau rát ở hậu môn trong và sau khi đi tiêu hoặc có thể đau rát hậu môn âm ỉ cả ngày, nhất là khi ngồi.
– Mỗi khi đi tiêu sẽ thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn.
– Thấy ngứa xung quanh hậu môn hoặc quanh khu vực trực tràng.
Dấu hiệu trĩ ngoại nặng
– Hậu môn xuất hiện các mô nhìn giống như thịt thừa.
– Búi trĩ có màu đỏ, bên trong là các mạch máu.
– Hậu môn hay nóng rát.
– Búi trĩ phình to hơn và thường có màu xanh tím.
– Búi trĩ huyết khối gây nhiều đau đớn và rất dễ bị vỡ khi gặp cọ xát
2. Cách chữa trĩ ngoại toàn diện, hiệu quả
Có nhiều phương pháp chữa trĩ ngoại khác nhau. Tuy nhiên cần tuân thủ việc thăm khám với bác sĩ trước, thay vì tự ý mua thuốc hay áp dụng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng. Đặc biệt, trĩ càng được phát hiện sớm thì việc điều trị càng dễ dàng, tỷ lệ thoát trĩ cao hơn và giảm thiểu nguy cơ tái trĩ.
Tham khảo ngay các phương pháp điều trị trĩ ngoại thường được vận dụng sau đây:
2.1. Một số cách chữa trĩ ngoại giúp giảm bớt triệu chứng
Giảm đau và giảm ngứa vùng hậu môn
– Ngâm hậu môn với nước ấm: Ngâm hậu môn bằng nước ấm trong khoảng 20 phút/lần, thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ngày, nhất là sau khi đi đại tiện. Sau đó, lau khô nhẹ nhàng quanh vùng hậu môn bằng vải hoặc khăn mềm, không nên chà xát mạnh vùng hậu môn.
– Chườm đá: Đặt một túi nước đá vào khăn sạch chườm lên vùng hậu môn, chườm nhiều lần mỗi ngày để giảm đau, giảm sưng trong quá trình điều trị bệnh trĩ ngoại.
Giảm các triệu chứng khó chịu
– Ngồi đúng tư thế khi đi vệ sinh: Tư thế đi vệ sinh tốt nhất mà người bệnh trĩ nên áp dụng là ngồi xổm (có thể đặt thêm 1 chiếc ghế để kê chân). Tư thế này sẽ giúp trực tràng tống phân ra ngoài dễ dàng hơn, giảm áp lực từ trọng lượng cơ thể lên hậu môn.
– Sử dụng đệm để ngồi: Ngồi lên đệm thay vì ngồi trên bề mặt cứng sẽ giảm sưng cho người bị bệnh trĩ và hạn chế hình thành thêm các búi trĩ mới.
– Giữ hậu môn luôn sạch sẽ: Người bệnh trĩ ngoại cần vệ sinh hậu môn sạch sẽ mỗi ngày bằng nước ấm, sau đó lau khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm.
2.2. Dùng thuốc
Các loại thuốc người bệnh trĩ ngoại có thể sử dụng:
– Sử dụng thuốc giảm đau
– Thuốc uống
– Thuốc bôi trĩ
– Thuốc giảm ngứa tại chỗ
– Thuốc khác: Thuốc chống táo bón, thuốc đặt hậu môn, thuốc làm mềm phân,…
Lưu ý: thông tin về thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh không tự ý mua thuốc mà nhất định cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để có chỉ định cụ thể. Trong trường hợp uống thuốc không giúp thuyên giảm triệu chứng hoặc giảm không đáng kể thì cần liên hệ tái khám ngay để được hướng dẫn xử lý kịp thời, không để tình trạng bệnh thêm nặng.
2.3. Chữa trĩ ngoại bằng các phương pháp can thiệp ngoại khoa
Các phương pháp ngoại khoa bao gồm một số thủ thuật như chích xơ, đốt, thắt dây thun,… và phẫu thuật cắt trĩ. Đối với các trường hợp trĩ nặng thì can thiệp ngoại khoa mới có thể giúp người bệnh thoát trĩ.
Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của y học, có nhiều phương pháp phẫu thuật cắt trĩ ít xâm lấn ra đời mà điển hình có thể kể tới là phẫu thuật cắt trĩ Longo. Phương pháp này xử lý búi trĩ nhanh gọn, các thao tác thực hiện ở vùng không có cảm giác đau nên rất nhẹ nhàng. Bệnh nhân sau mổ ít đau, có thể xuất viện sau 48h.
3. Các biện pháp giúp phòng ngừa trĩ ngoại
Để phòng bệnh trĩ ngoại, người bệnh cần hạn chế tình trạng táo bón, tránh các nguyên nhân gây khó khăn khi đại tiện. Một số lời khuyên hữu ích như sau:
– Ăn đủ chất xơ: Chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón hiệu quả, tốt cho tiêu hóa. Chất xơ có nhiều trong rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu,…
– Uống nhiều nước: Đảm bảo lượng nước bổ sung cho cơ thể mỗi ngày đạt từ 2-3 lít nước đối với người bệnh trưởng thành. Nước giúp làm mềm phân, có lợi cho tiêu hóa nên giúp việc đi đại tiện được dễ dàng hơn.
– Tăng cường vận động điều độ: Tập luyện sẽ giúp ích chó quá trình trao đổi chất trong cơ thể, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc trĩ.
– Đi đại tiện đều đặn và đúng cách: Người bị táo bón hoặc người có nguy cơ mắc trĩ nên duy trì việc đi vệ sinh vào một thời điểm nhất định trong ngày. Không ngồi quá lâu hoặc cố sức rặn, đi tiêu xong cần về sinh sạch sẽ sau đó;
– Thăm khám ngay khi nghi ngờ dấu hiệu của trĩ: Nếu thường xuyên bị táo bón hoặc nhận thấy dấu hiệu của trĩ cần chủ động thăm khám ngay để có biện pháp xử lý đúng cách, điều trị hiệu quả.
Chữa trĩ ngoại không khó nếu như bệnh được phát hiện sớm và điều trị ngay. Người bệnh trĩ nói chung nên chủ động thăm khám khi nhận thấy nguy cơ của trĩ. Trĩ ở giai đoạn đầu càng dễ chữa và tỷ lệ thành công cao, thoát trĩ toàn diện, nhanh chóng và giảm nguy cơ tái trĩ.