Chữa tai biến mạch máu não bao gồm cấp cứu ngay tại thời điểm phát bệnh lẫn điều trị tại nhà. Đồng thời, những biện pháp phòng ngừa tai biến cũng cần được lưu ý.
Menu xem nhanh:
1. Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não được đánh giá là có tỷ lệ gây tử vong cao hàng thứ 2 tại Việt Nam và trong top 10 thế giới, theo báo cáo hàng năm của WHO. Bệnh trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng con người.
Tai biến mạch máu não là hiện tượng mạch máu não (động mạch, mao mạch hoặc tĩnh mạch) bị tắc hoặc vỡ đột ngột mặc dù không gây chấn thương sọ não. Khi các mao mạch vỡ hoặc tắc nghẽn thì những tế bào não sẽ thiếu hụt oxy và dinh dưỡng nên sẽ chết từ từ.
Thời gian càng dài thì số lượng tế bào não chết đi càng nhiều. Bệnh nhân dễ gặp các di chứng nặng nề, thậm chí là đột tử. Chữa tai biến mạch máu não bao gồm cấp cứu ngay tại thời điểm phát bệnh lẫn điều trị tại nhà. Nếu may mắn được cứu sống thì người bệnh vẫn có thể gặp các di chứng như tê liệt chân tay, liệt nửa mặt hoặc khó nói chuyện…
2. Chẩn đoán tình trạng tai biến mạch máu não
2.1. Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan)
– Chụp CT sọ não không thuốc cản quang: Giúp phát hiện ra nhanh các ổ máu tụ ở các vùng não bị tổn thương nặng nề. Các vùng tổn thương này sẽ có màu và độ đậm khác so với nhu mô não.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) sọ não có thuốc: Khi tiến hành phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa vào mạch máu của bạn thuốc có tác dụng phản xạ tia X của máy CT. Chúng chạy dọc theo mạch máu và phát hiện các phình mạch bất thường gây bệnh.
2.2. Chụp cộng hưởng từ ở sọ não (MRI)
Một khi có tắc nghẽn mạch máu của não bộ thì phần mô não tương ứng sẽ rơi vào trạng thái thiếu máu nuôi dưỡng và tạo ra những tổn thương của người bệnh. Các sóng từ trường của máy MRI giúp chẩn đoán chính xác hơn những khu vực nhu mô não bị thiếu máu. Đồng thời, MRI phân tích và đánh giá tình trạng mạch máu não, cấu trúc và chức năng não.
2.3. Điện tâm đồ (ECG) tại giường bệnh và siêu âm tim
Đây là những xét nghiệm cần thiết nhằm xác định nguồn gốc của huyết khối.
2.4. Siêu âm động mạch não
Động mạch cảnh bên trái và bên phải là hai mạch máu cung cấp chủ yếu máu cho vùng trán và não bộ. Theo thời gian, vùng mạch máu này sẽ bị xơ cứng và dễ hình thành huyết khối. Khi phần khuyết khối hay mảng xơ bị bong ra sẽ gây tắc nghẽn mạch máu não.
2.5. Chụp mạch não số hoá xoá nền
Đây là thủ thuật tiên tiến và là tiêu chuẩn vàng của bệnh về động mạch não. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông (catheter) chuyên dụng đặt tại động mạch vùng thắt lưng và dọc theo những mạch máu nhỏ dẫn đến não.
Đến nơi tổn thương, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê nhằm kiểm tra chính xác vùng bị tổn thương. Việc thăm khám và xác định nguyên nhân sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ chữa tai biến hiệu quả.
3. Chữa tai biến mạch máu não bằng nhiều phương pháp
Điều trị bệnh lý tai biến mạch máu não gồm cả cấp cứu tại hiện trường lẫn điều trị tại nhà và những biện pháp phòng ngừa tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn phải là xác định loại tai biến là dạng nhồi máu não hay là xuất huyết não.
3.1. Sơ cứu chữa tai biến
Nhận biết sớm một người đang bị tai biến mạch máu não sẽ giúp cứu sống 50% trường hợp. Làm sao để nhận biết một bệnh nhân đang bị tai biến mạch máu não?
Người bệnh sẽ có những dấu hiệu như:
– Tê tay, tê chân, yếu liệt tứ chi
– Méo một bên mặt
– Đột nhiên đau đầu dữ dội
– Khó nói chuyện, không phát âm rõ ràng
– Rối loạn ý thức
– Hôn mê
Lúc nguy cấp, cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị. Cần lưu ý, tuyệt đối không dùng kim châm vào đầu ngón tay người bệnh hoặc cho người bệnh đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Người bệnh không nên tự tìm cách điều trị tại nhà.
3.2. Dùng thuốc chữa tai biến
Tai biến mạch máu não thường được điều trị bằng thuốc ở bệnh nhân nhồi máu não. Trong đó có thuốc tiêu huyết khối tĩnh mạch (TPA). Thuốc này hoạt động nhờ kích hoạt plasmin, một chất trong cơ thể để phá hủy cục máu đông.
Thuốc tiêu sợi huyết nên được dùng trong vòng 4,5 giờ sau khi tắc mạch máu não. Sử dụng càng sớm càng tốt vừa nâng cao khả năng sống sót, vừa giúp người bệnh có tiên lượng phục hồi tốt. Cần lưu ý liều lượng và kỹ thuật tiêm phải do bác sĩ chỉ định. Do loại thuốc này có nguy cơ gây xuất huyết não, nếu dùng không đúng cách.
Sau khi tiêu sợi huyết, bệnh nhân được quan sát liên tục trong vài giờ bằng cách sử dụng các phương tiện hình ảnh để đảm bảo rằng mô não được tưới máu tốt. Trong trường hợp như bệnh nhân đến muộn hoặc cục máu đông lớn không thể giải quyết triệt để, bác sĩ sẽ chỉ định các thủ thuật can thiệp chuyên sâu hơn.
3.3. Can thiệp nội mạch chữa tai biến
Bằng chứng tích lũy cho thấy can thiệp nội mạch có hiệu quả trong việc giải quyết nhồi máu não và cải thiện tiên lượng của bệnh nhân đột quỵ trong quá trình phục hồi chức năng trong tương lai.
Ban đầu, bệnh nhân sẽ được chụp mạch não kỹ thuật số (DSA) để xác định chính xác vị trí động mạch bị ảnh hưởng (huyết khối). Sau đó, một thủ thuật nội mạch sử dụng một ống thông nhỏ, dài để đưa thiết bị vào cơ thể tại vị trí của động mạch bẹn và dọc theo động mạch đến vùng mạch máu não cần được tiếp cận.
Đối với nhóm huyết khối, can thiệp nội mạch có thể được thực hiện theo ba cách:
– Lấy huyết khối trực tiếp
– Tiêu sợi huyết cục bộ
– Đặt stent động mạch não
Đối với nhóm vỡ phình mạch chảy máu có thể thực hiện điều trị can thiệp nội mạch như sau:
– Niêm phong túi phình bằng cuộn dây kim loại (Coil)
– Phẫu thuật phóng xạ nhắm mục tiêu (Liệu pháp bức xạ lập thể)
3.4. Phẫu thuật chữa tai biến
Trường hợp tai biến mạch máu não do xuất huyết, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối máu tụ. Từ đó giải phóng vùng mô não bị tổn thương, giúp khối mô não hồi phục. Các biện pháp phẫu thuật thường được áp dụng là:
– Kẹp mạch máu đang chảy
– Phẫu thuật dị dạng động tĩnh mạch (AVM)
– Bóc tách mạch cảnh