Đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng với sức khỏe và ảnh hưởng trực tiếp tới công việc, cuộc sống người bệnh. Đáng báo động, số ca đột quỵ tăng đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi. Việc phòng ngừa đột quỵ từ sớm vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi người.
Menu xem nhanh:
1. Báo động số ca đột quỵ tăng đặc biệt ở người trẻ
Xét theo khu vực, Tổ chức Đột quỵ thế giới cho biết châu Á luôn chiếm tỷ lệ cao trên bản đồ tử vong do đột quỵ. Dự kiến đến năm 2050, 69% ca tử vong do đột quỵ đến từ các nước châu Á.
Xét theo khu vực nhỏ hơn, Đông Nam Á, Đông Á và Đại Dương là khu vực cần đặc biệt lưu ý. Trong năm 2022, ba vùng này đã có tới 3,1 triệu ca đột quỵ và dự kiến tăng lên 4,9 triệu ca vào năm 2050 – chiếm nửa số ca đột quỵ trên toàn thế giới. Điều này được xem hoàn toàn có thể xảy ra vì châu Á luôn được cảnh báo là nơi phổ biến huyết áp cao do thói quen ăn mặn.
Thống kê tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng 20%. Đáng lưu ý, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh đang có xu hướng tăng.
2. Nguyên nhân đột quỵ gia tăng ở người trẻ tuổi
2.1. Số ca đột quỵ tăng ở người trẻ do bệnh lý dị dạng mạch máu não
Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến số ca đột quỵ tăng ở người trẻ tuổi. Sự phát triển bất thường của mạch máu não gây nên túi phình dẫn đến đột quỵ xuất huyết não hoặc mạch máu bị bóc tách gây hẹp – là tình trạng đột quỵ nhồi máu não.
2.2. Hút thuốc lá
Theo thống kê, có khoảng 50% người trẻ bị đột quỵ có thói quen sử dụng thuốc lá thường xuyên hoặc những người hút thuốc lá thụ động. Trong điếu thuốc có chứa khoảng 7000 chất độc hóa học, các chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi đi vào phổi, từ đó phá hủy các tế bào trong cơ thể, tăng nguy cơ xơ vữa cũng như tổn thương mạch máu não.
2.3. Rối loạn chuyển hóa mỡ máu
Người trẻ tuổi thường có thói quen ăn nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, … điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về mạch máu.
2.4. Số ca đột quỵ tăng ở người trẻ do béo phì, ít vận động
Khoảng 10% người trẻ bị đột quỵ có khối lượng cơ thể vượt chuẩn, các chỉ số vòng bụng, hông cũng liên quan chặt chẽ đến nguy cơ đột quỵ..
2.5. Tiểu đường và tăng huyết áp
30% trường hợp người trẻ đột quỵ có sự tác động của bệnh tiểu đường và khoảng 10% do tăng huyết áp. Thói quen ăn uống không khoa học, ô nhiễm môi trường là nguyên nhân khiến người trẻ bị tiểu đường ngày càng nhiều.
2.6. Sử dụng chất kích thích
Lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ma túy, … đều là yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ.
3. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa đột quỵ từ sớm
Việc phòng ngừa đột quỵ đem đến nhiều ý nghĩa cụ thể như:
– Giảm nguy cơ đột quỵ
– Hạn chế và giảm thiểu các hậu quả nghiêm trọng do đột quỵ gây ra
– Đảm bảo sức khỏe
– Duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống, công việc, học tập
Chuyên gia gợi ý một số biện pháp để ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả, áp dụng cho tất cả mọi người như sau:
3.1. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Mỗi người đặc biệt là những người trên 50 tuổi nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm. Việc thăm khám phát hiện, điều trị kịp thời các yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ như:
– Tăng huyết áp
– Tiểu đường
– Cholesterol cao
– Bệnh tim mạch
– Bệnh về mạch máu não
Bên cạnh đó, khi thăm khám, bác sĩ cũng tư vấn cách sinh hoạt, ăn uống, luyện tập phù hợp, giúp ngăn ngừa đột quỵ cũng như nhiều bệnh lý khác.
3.2. Kiểm soát huyết áp
Cần lưu ý rằng tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Nếu không kiểm soát tốt huyết áp, nguy cơ đột quỵ cũng tăng lên. Tăng huyết áp là bệnh mạn tính do đó chúng ta không thể điều trị hết bệnh. Điều có thể làm là kiểm soát huyết áp sao cho ổn định, tránh để tăng quá cao. Để có thể kiểm soát huyết áp, người bệnh nên:
– Thực hiện chế độ ăn nhạt, hạn chế hấp thu muối nhất có thể
– Giảm cân
– Giảm căng thẳng
– Uống thuốc điều trị theo tư vấn của bác sĩ (cần duy trì đúng liều lượng)
3.3. Kiểm soát bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ, sử dụng thuốc kháng đông để điều trị rung nhĩ. Khi bệnh được kiểm soát, nguy cơ đột quỵ giảm 67%.
3.4. Giảm cân
Tăng cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, … từ đó dễ gây ra đột quỵ. Duy trì trọng lượng vừa phải cũng là phương pháp ngăn ngừa đột quỵ. Để làm điều này, bạn nên:
– Ăn uống hợp lý, cân bằng dưỡng chất
– Tập thể dục, vận động thường xuyên với môn tập yêu thích, chú ý tập vừa sức
3.5. Kiểm soát đường huyết
Tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe trong đó có đột quỵ. Điều mà người bệnh nên làm để kiểm soát lượng đường trong máu, bằng cách:
– Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh, phù hợp với tình trạng bệnh
– Tăng cường vận động, chọn các môn vừa sức
– Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị (tuân thủ liều lượng, thời gian uống)
– Thăm khám định kỳ
3.6. Kiểm soát chỉ số cholesterol trong máu ở mức ổn định
Kiểm soát hàm lượng cholesterol trong máu cũng là điều nên làm để phòng ngừa đột quỵ, bạn nên:
– Duy trì chế độ ăn tăng cường rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu protein
– Hạn chế ăn các món nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn
– Tránh ăn các món giàu cholesterol
– Sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ kê
Đột quỵ không loại trừ một ai, xảy ra bất ngờ ở bất kỳ thời điểm nào. Do đó, việc tầm soát yếu tố nguy cơ đột quỵ vô cùng cần thiết với tất cả mọi người.