Dấu hiệu nhận biết đặc trưng tương đối giống nhau, chắp mắt và lẹo mắt thường bị nhầm là một. Thực tế, chắp mắt khác lẹo mắt và bạn có thể phân biệt 2 bệnh lý nhãn khoa này bằng những thông tin được chia sẻ trong bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Chắp mắt khác lẹo mắt
1.1. Tổng quát về lẹo
Lẹo là bệnh lý nhãn khoa mà trong đó, tuyến chân lông mi hoặc tuyến nhầy mí mắt bị viêm cấp tính, do hoạt động của tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn. Lẹo được phân loại thành 3 dạng như sau:
– Lẹo trong do nhiễm trùng tuyến nhầy mí mắt: Lẹo nằm tại đĩa sụn của mi mắt trong. Bệnh nhân chỉ có thể quan sát lẹo khi lật mí mắt ra ngoài.
– Lẹo ngoài do nhiễm trùng tuyến chân lông mi: Lẹo nằm ở bờ mi mắt ngoài.
– Đa lẹo: Lẹo mọc thành chuỗi, nằm trên một hoặc hai mí của một hoặc hai mắt.
Bệnh nhân có thể nhận biết lẹo thông qua các biểu hiện tiêu biển là: Mí mắt sưng, đỏ, đau; mắt cộm, nhạy cảm với ánh sáng; nước mắt chảy; điểm sưng qua thời gian xuất hiện mủ rồi áp xe và vỡ ra. Lẹo trong diễn biến phức tạp hơn và tái phát dễ dàng hơn lẹo ngoài.
1.2. Tổng quát về chắp
Chắp cũng là bệnh lý nhãn khoa có xuất phát điểm là tuyến nhầy mí mắt. Tuy nhiên, không phải do hoạt động của tụ cầu khuẩn và vi khuẩn, chắp khởi phát do tuyến này tắc nghẽn tự thân. Ngoài ra, trong một số trường hợp, chắp phát sinh còn là do lẹo thoát lưu hoặc do lẹo không được điều trị dứt điểm, gây chèn ép các tuyến. Có 2 dạng chắp, như sau:
– Chắp trong: Tương tự lẹo trong, chắp trong nằm tại đĩa sụn của mi mắt trong và bệnh nhân chỉ có thể quan sát chắp khi mí mắt được lật ra ngoài.
– Đa chắp: Tương tự đa lẹo, mọc thành chuỗi, nằm trên một hoặc hai mí của một hoặc hai mắt.
Như chúng ta đã biết, chắp có dấu hiệu nhận biết tương đối giống lẹo. Bệnh nhân bị chắp cũng sẽ sưng, đỏ, đau, cộm, nhạy cảm với ánh sáng mắt và chảy nước mắt thường xuyên. Tuy nhiên, về vị trí thì các khối chắp thường nằm xa bờ mi. Chúng cũng không áp xe. Sau khi phát triển tối đa, chúng xẹp xuống thành những u tròn, không đau. Bệnh nhân có thể sử dụng hai triệu chứng đó cùng với dấu hiệu sưng, đỏ, đau,… mắt để nhận diện chắp.
2. Điều trị chắp mắt và lẹo mắt
Thông thường, cả chắp mắt và lẹo mắt đều có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian lành bệnh cũng như để hạn chế nguy cơ chắp mắt và lẹo mắt tái phát, bệnh nhân nên thăm khám và điều trị với chuyên gia nhãn khoa. Theo đó, tại các cơ sở y tế chuyên khoa Mắt, bệnh nhân chắp mắt và lẹo mắt có thể sẽ được chỉ định điều trị như sau:
– Đối với chắp mắt và lẹo mắt thông thường: Sử dụng kháng sinh toàn thân để tiêu mủ kết hợp dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt. Khi vệ sinh mắt, bệnh nhân cần đảm bảo tay luôn luôn sạch sẽ. Kháng sinh nếu ở dạng tra/nhỏ, phải được lưu trữ cẩn thận, không sử dụng chúng khi đã mở nắp lâu.
– Đối với chắp mắt và lẹo mắt to hoặc dai dẳng: Sử dụng Corticoid hoặc phương pháp chích chắp – lẹo hoặc cả hai. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý trong xử lý chắp: Khi chích, vì chắp nằm sâu trong đĩa sụn, nên mủ cần được loại bỏ kỹ lưỡng, để đảm bảo tiễu trừ hoàn toàn nguyên nhân khiến chắp tái phát.
Mặc dù đọc có vẻ giống nhau nhưng vì chắp mắt khác lẹo mắt nên phác đồ điều trị thực tế của mỗi bệnh lý sẽ tồn tại một vài điểm phân biệt. Trong điều trị chắp, có một vấn đề bệnh nhân cần thấu triệt. Đó là nếu bị chắp liên miên, dai dẳng hoặc không điển hình, đặc biệt là khi đã lớn tuổi, bệnh nhân phải xét nghiệm mô bệnh học, bởi rất có thể trong trường hợp đó, chắp không phải là chắp mà là một bệnh ung thư mí mắt nào đó (ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tuyến bã,…) bị chẩn đoán nhầm.
Trường hợp bệnh nhân quyết định để cơ thể tự chữa lành, một số mẹo sau có thể được áp dụng để giảm triệu chứng bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống:
– Chườm nóng để giảm viêm, giảm tắc nghẽn tuyến nhầy mi mắt và tuyến chân lông mi: Bệnh nhân có thể thực hiện chườm nóng như sau: Làm ấm khăn/bông sạch và mềm bằng nước khoáng hoặc nước muối sinh lý đun sôi đã nguội một phần. Sau đó, đặt khăn/bông đó lên mí mắt có chắp – lẹo khoảng 10 – 15 phút, lặp lại 3 – 5 lần mỗi ngày.
– Mát xa mí mắt có chắp và lẹo nhẹ nhàng. Đây cũng là mẹo giúp giảm viêm, giảm tắc nghẽn tuyến nhầy mí mắt và tuyến chân lông mi.
Lưu ý: Tương tự như khi vệ sinh mắt, lúc thực hiện những mẹo này, bệnh nhân phải rửa tay cẩn thận bằng các sản phẩm khử khuẩn. Ngoài ra, bệnh nhân tuyệt đối không được vì sốt ruột muốn nhanh chóng thoát khỏi chắp – lẹo mà nặn chúng và sử dụng thuốc điều trị không có hướng dẫn của bác sĩ. Làm như vậy dễ dẫn đến tình trạng lan tỏa tổn thương, tái phát chắp – lẹo và tạo sẹo gây quặm mi.
3. Phòng ngừa chắp mắt và lẹo mắt
Mặc dù chắp mắt khác lẹo mắt, chúng ta đều có thể áp dụng những khuyến cáo quan trọng sau của chuyên gia nhãn khoa để phòng ngừa chúng:
– Từ bỏ thói quen dụi mắt: Khuyến cáo này giúp chúng ta tiết chế tình huống tụ cầu khuẩn/vi khuẩn xâm nhập tuyến nhầy mí mắt/tuyến chân lông mi gây lẹo; cũng giúp chúng ta ngăn ngừa các tác nhân tiêu cực có thể gây bít tắc tuyến nhầy mí mắt gây chắp.
– Vệ sinh tay thường xuyên bằng các sản phẩm khử khuẩn, đặc biệt là sau chăm sóc người chắp mắt, lẹo mắt.
– Tẩy trang cẩn thận, kỹ lưỡng các sản phẩm mắt. Dụng cụ trang điểm cần thay mới định kỳ và không dùng chung với bất kỳ ai.
Như vậy, chắp mắt khác lẹo mắt và điều trị chắp mắt, lẹo mắt cũng có điểm không giống nhau. Hy vọng rằng với những thông tin Thu Cúc TCI chia sẻ trong bài viết, bạn sẽ có cho mình một đôi mắt khỏe và đẹp.