Đa phần các chấn thương xảy ra trong quá trình sinh hoạt, lao động, vận động thể thao,… đều có liên quan đến đầu đối, đặc biệt là các dây chằng khớp gối. Nếu tình trạng này không được phát hiện và điều trị kịp thời đúng cách, người bệnh có thể bị suy giảm vận động và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Chấn thương các dây chằng khớp gối thường gặp
Hệ thống dây chằng khớp gối bào gồm 4 loại chính: Dây chằng chéo trước gối, dây chằng chéo sau gối, dây chằng giữa gối và dây chằng bên ngoài. Các dây chằng này sẽ phối hợp điều khiển hoạt động của khớp gối.
1.1. Chấn thương dây chằng chéo trước gối
Khi người bệnh đột ngột thay đổi hướng chân, dừng lại đột ngột, tiếp đất sai cách sau một bước nhảy hoặc bị chạm mạnh thì dây chằng chéo trước rất dễ bị tổn thương. Đặc biệt những người thường xuyên vận động với cường độ cao trong các bộ môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ,… rất dễ gặp phải tình trạng chấn thương dây chằng chéo trước này.
Khi bị chấn thương dây chằng chéo trước, người bệnh có thể sẽ nghe tiếng “rắc rắc” phát ra từ đầu gối và cảm nhận vùng gối trở nên lỏng lẻo hơn. Đồng thời người bệnh còn cảm thấy đau nhiều ở vùng gối trước khi di chuyển. Khớp gối lúc này sẽ khó dịch chuyển, yếu hơn và có hiện tượng sưng tấy.
1.2. Chấn thương dây chằng chéo sau gối
Dây chằng chéo sau của khớp gối thường khỏe hơn dây chằng chéo trước nên ít xảy ra chấn thương hơn. Nguyên nhân chính khiến dây chằng chéo sau bị tổn thương là do lực bên ngoài tác động mạnh làm người bệnh ngã xuống và toàn bộ lực cơ thể dồn lên đầu gối. Chấn thương dây chằng chéo sau có thể do các tai nạn đột ngột hoặc do các chấn thương đã xảy ra từ trước nhưng người bệnh chủ quan chịu đựng mà không điều trị.
Những triệu chứng giúp người bệnh có thể nhận biết tình trạng chấn thương dây chằng chéo sau:
– Các cơn đau dữ dội xuất hiện ở gối, khớp gối trở nên lỏng lẻo. Đầu gối sưng tấy sau chấn thương vài giờ.
– Người bệnh đi lại khó khăn, không thể vận động mạnh như bình thường.
– Mất cân xứng 2 đùi: Đùi bên chân chấn thương sẽ teo hơn bên chân bình thường.
– Thoái hóa khớp gối: Đây là tình trạng xảy ra với những người bệnh bị chấn thương dây chằng chéo sau mãn tính với triệu chứng là khớp ngày càng sưng phù và đau đớn.
1.3. Chấn thương dây chằng giữa gối
Đây là loại chấn thương phổ biến thường gặp ở những vận động viên các môn thể thao cường độ cao, dễ va chạm như bóng đá, bóng chuyền. Dây chằng ở giữa khớp gối có thể bị chấn thương do các tác động trực tiếp bên ngoài khớp gối. Lúc này khớp gối bị cong lại, bên trong khớp mở ra quá mức sẽ làm dây chằng ở trong bị đứt.
Người bệnh có thể nhận biết chấn thương dây chằng giữa qua các biểu hiện sau:
– Đau ở mặt trong khớp gối diễn ra liên tục, âm ỉ và bị sưng to, bầm tím khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu.
– Khớp gối lỏng, cảm giác như có tiếng lạo xạo bên trong khi chuyển động chân.
– Di chuyển, vận động khó khăn, đau nhiều vì cảm giác bị kẹt khớp, cứng khớp gối.
1.4. Chấn thương dây chằng ngoài gối
Dây chằng bên ngoài gối có thể bị chấn thương nếu gặp lực chèn ép lên đầu gối từ trong ra ngoài. Chấn thương này thường xảy ra do tai nạn giao thông hoặc va chạm thể thao. Chấn thương dây chằng bên ngoài khá ít gặp, tuy nhiên nó lại phức tạp và rất khó điều trị.
Triệu chứng nhận biết là khớp gối lỏng lẻo mất sự ổn định, sưng, đau khớp gối nhiều, căng cơ, khó khăn trong di chuyển,…
Xác định dây chằng đầu gối bị chấn thương và chấn thương ở mức độ nào là rất quan trọng để tìm ra phương pháp điều trị phục hồi. Người bệnh không nên chủ quan bởi nếu chấn thương nặng sẽ gây đứt dây chằng đầu gối, có thể mất khả năng vận động khớp gối sau này, teo chân,…
2. Điều trị chấn thương các dây chằng khớp gối như thế nào?
Sau khi thấy những dấu hiệu đứt dây chằng gối người bệnh cần thăm khám để bác sĩ đánh giá mức độ chấn thương và quyết định bạn có cần phẫu thuật hay không. Nếu dây chằng bị đứt một phần thì có thể không cần phẫu thuật. Trong trường hợp dây chằng đứt hoàn toàn thì phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối là phương pháp tốt nhất đem lại hiệu quả cao. Nếu chấn thương dây chằng đầu gối ở mức nhẹ, chỉ giãn và sưng đau thì người bệnh cần nghỉ ngơi và chăm sóc đúng cách.
Dưới đây là các cách phục hồi cho chấn thương ở mức độ nhẹ:
2.1. Chườm lạnh
Sau khi chấn thương nhẹ, người bệnh cần chườm lạnh lên vùng đầu gối để giảm sưng đau khớp gối. Sau 2 – 3 ngày chườm lạnh, sưng khớp gối sẽ giảm và người bệnh dần dần đi lại bình thường.
2.2. Nghỉ ngơi
Khi bị chấn thương, người bệnh không nên di chuyển nhiều mà nên dành thời gian nghỉ ngơi, giảm tác động lên đầu gối để tổn thương nhanh phục hồi..
2.3. Nâng cao gối khi nằm
Khi nằm hoặc ngồi, người bệnh có thể kê chiếc gối nhỏ phía dưới để giảm tình trạng đau và giảm áp lực cho đầu gối.
2.4. Mang nẹp đầu gối
Việc đứt dây chằng đầu gối sẽ khiến khớp gối bị trong tình trạng lỏng lẻo. Vì thế, nếu quá trình vận động khó khăn, bạn có thể mang nẹp cố định đầu gối để hỗ trợ giảm tác động xấu đến dây chằng.
2.5. Uống thuốc giảm đau, chống viêm theo hướng dẫn của bác sĩ
Sử dụng thuốc giảm đau trong chấn thương dây chằng đầu gối nên dùng dưới sự hướng dẫn, đúng liều lượng và đúng loại thuốc với sự theo dõi của bác sĩ.
Bài viết trên đây là chấn thương các dây chằng khớp gối thường gặp. Mọi người nên chủ động có những biện pháp phòng tránh tình trạng khi vận động mạnh. Đồng thời thực hiện thăm khám ngay sau khi gặp các chấn thương khớp gối, tránh để lâu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về sau.