Viêm đại tràng là tình trạng đại tràng có các tổn thương hoặc viêm loét. Bệnh dai dẳng và dễ tái phát khiến người bệnh mệt mỏi, chán nản. Chẩn đoán viêm đại tràng sớm để điều trị kịp thời là điều rất cần thiết.
Chẩn đoán viêm đại tràng bắt đầu từ việc kiểm tra tiền sử y tế của người bệnh. Bởi vì các triệu chứng thường là đau bụng và tiêu chảy, nên việc tìm hiểu xem thời điểm các triệu chứng này xuất hiện và kéo dài trong bao lâu là một phần không thể thiếu của chẩn đoán viêm đại tràng. Có máu lẫn trong phân cũng là một triệu chứng quan trọng cần kiểm tra.
Các bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về:
- Thời điểm khởi phát triệu chứng
- Mức độ đau bụng
- Tần suất tiêu chảy
- Có bất cứ triệu chứng nào khác hay không
Người bệnh cũng có thể được hỏi một số câu hỏi về chế độ sinh hoạt, nếu trong trường hợp nghi ngờ nguyên nhân dẫn tới viêm đại tràng là do nhiễm các loại vi sinh vật, ký sinh trùng. Chẳng hạn như gần đây có đi du lịch hay vào vùng có ố dịch hay không , chế độ ăn uống bất thường, hoặc sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh có thể gợi ý chẩn đoán nhiễm khuẩn như Shigella , Campylobacter , Yersinia ; hoặc nhiễm ký sinh trùng như giardia.
Thói quen sử dụng các chất kích thích hoặc mắc các bệnh mạn tính gây biến chứng xơ vữa động mạch như hút thuốc lá , huyết áp cao , cholesterol cao , và bệnh tiểu đường… cũng sẽ được hỏi nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ và các yếu tố này là những nguyên nhân.
Khám lâm sàng sẽ tập trung chủ yếu vào vùng đau bụng, sờ nắn để loại trừ đau bụng do các phủ tạng khác gây nên như gan, thận, lách… sau đó mới nghĩ đến đau bụng là do đại tràng, vì đại tràng là ống rỗng, rất khó để xác định điểm đau thực sự.
Để kiểm tra triệu chứng phân có lẫn máu, người bệnh sẽ được thăm khám trực tràng để loại trừ các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra triệu chứng này như có khối u hoặc khối bất thường trong trực tràng.
Tiếp đến là quan sát màu sắc và tính chất của phân, có máu, có mủ hoặc nhầy hay không. Nếu quan sát bằng mắt thường chưa tìm thấy, phân sẽ được đưa đi xét nghiệm để tìm xem có máu lẫn trong phân hay không.
Menu xem nhanh:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu sẽ giúp đánh giá tình trạng ổn định sức khỏe của bệnh nhân đồng thời tìm kiếm các vấn đề nguy cơ có liên quan tới sự phát triển của bệnh viêm đại tràng.
Điện giải đồ: xét nghiệm về các chất vi lượng trong cơ thể: natri, kali, clorua, thường các chất điện giải sẽ giảm nếu xảy ra tiêu chảy. Các triệu chứng do giảm natri, kali hay canxi gây ra có thể làm nhiễu thông tin làm cho việc chẩn đoán viêm đại tràng khó khăn hơn.
Chức năng thận có thể được đánh giá bằng cách làm xét nghiệm BUN (nồng độ urea nitrogen trong máu) và nồng độ creatinin. Mẫu phân cũng có thể được thu thập cho môi trường nuôi cấy, tìm kiếm các nhiễm trùng là nguyên nhân của viêm đại tràng.
Mẫu phân cũng có thể được thu thập để cấy khuẩn tìm kiếm bằng chứng về sự nhiễm trùng là nguyên nhân gây ra viêm đại tràng. Cấy khuẩn sẽ giúp tìm ra loại vi khuẩn nào dẫn tới viêm đại tràng.
Nội soi đại tràng
Nếu đã thực hiện các biện pháp chẩn đoán nêu trên nhưng vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra viêm đại tràng, nội soi có thể sẽ được xem xét. Trong quá trình nội soi đại tràng, một mẫu mô nhỏ từ lớp niêm mạc của đại tràng sẽ được lấy ra để nghiên cứu dưới kính hiển vi (sinh thiết) để giúp khẳng định chẩn đoán.
Nội soi đại tràng cũng là một xét nghiệm tầm soát ung thư quan trọng, đặc biệt đối với những trường hợp có máu lẫn trong phân nhưng không thể tìm được nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh
Chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể được thực hiện để quan sát hình ảnh đại tràng và phần còn lại của bụng. Mỗi loại khác nhau của viêm đại tràng lại có một mô hình đặc biệt, qua đó các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán cụ thể. Chụp X quang được yêu cầu thực hiện khẩn trương nếu qua tìm hiểu tiền sử bệnh tật và khám lâm sàng nghi ngờ người bệnh đang trong trạng thái cần cấp cứu ngay.